Dinh dưỡng hôm nay

Gia vị - món hàng xa xỉ lâu đời

(SKGĐ) Lịch sử của gia vị tồn tại cùng lịch sử về các nền văn minh của con người. Và kỳ lạ thay nó tồn tại vĩnh viễn cùng với con người bên bàn ăn.

Cùng với sự phát triển của gia vị, những mâu thuẫn tranh giành, tôn giáo và niềm tin xuất hiện. Gia vị là một trong số các mặt hàng có giá trị nhất của thương mại thời cổ đại và trung cổ.

Gia vị là gì?

Theo định nghĩa của các nhà khoa học và sinh học, gia vị là những loại thực phẩm, rau thơm (thường có tinh dầu) hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn, có thể tạo những kích thích tích cực nhất định lên cơ quan vị giác, khứu giác và thị giác đối với người thưởng thức.

Gia vị được chia làm 4 nhóm: Gia vị có nguồn gốc thực vật; Gia vị có nguồn gốc động vật, Gia vị lên men vi sinh và Gia vị có nguồn gốc vô cơ

Bằng chứng sớm nhất cho việc sử dụng gia vị của con người là khoảng 2000 năm TCN với quế và hạt tiêu ở vùng Trung Đông. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng các loại gia vị khác nhau cho hương liệu thực phẩm, mỹ phẩm, hoặc để kết nối với ma thuật, y học, tôn giáo và để ướp xác chết của họ. Và kỳ lạ thay, việc này đã kích thích thương mại thế giới phát triển bằng những chuyến buôn bán gia vị.

Một bữa cơm thời trung cổ như một sự kiện rất ẩm thực vì nó là một cuộc trình diễn sự hào phóng của chủ nhà với các loại thực phẩm phong phú và các loại gia vị đắt tiền nhất để bảo quản và chế biến thịt, hải sản.

Người ta ước tính có khoảng 1.000 tấn hạt tiêu và 1.000 tấn các loại gia vị thông thường khác được nhập khẩu vào Tây Âu mỗi năm trong cuối thời trung cổ. Số lượng này tương đương với một lượng ngũ cốc hàng năm cho 1,5 triệu người.

Thời nay chúng ta khó mà tin rằng, gia vị đã từng là một loại hàng hóa cao cấp của vua chúa, quý tộc và những người đàn ông sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ trong việc tìm kiếm chúng. Giai đoạn này được ví như “thời kỳ đen tối” vì chỉ có những người giàu có mới mua được quế và hồ tiêu.

Những cuộc chiến săn lùng gia vị

Vào năm 1497, 5 năm sau khi Christopher Columbus tìm ra Châu Mỹ, nhưng lại không tìm thấy những “đảo gia vị” thì người Bồ Đào Nha cử bốn tàu nhỏ khởi hành từ cảng Lisbon, theo hướng dẫn của thuyền trưởng Vasco Da Gama đi tìm gia vị. Trong 2 năm, họ đã đi 24.000 dặm xung quanh lục địa châu Phi đến Ấn Độ và trở lại cảng Lisbon quê nhà. Chỉ có hai tàu sống sót, nhưng nó mang về khối lượng các loại gia vị và các sản phẩm khác có giá trị 60 lần chi phí của chuyến đi. Theo đó, các thương gia Ả Rập nhộn nhịp buôn bán qua các tuyến đường Trung Đông và Ấn Độ, thành phố Alexandria ở Ai Cập là trung tâm thương mại chính của gia vị vì nơi đây là cổng dừng chân của nó.

Nhưng không ngờ chuyến đi thành công của Da Gama đã sinh ra một cuộc tranh giành quyền kiểm soát việc buôn bán gia vị trên toàn cầu. Đến 3 thế kỷ sau đó các quốc gia Tây Âu như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, và Anh đã có những cuộc chiến đấu đẫm máu trên biển của các nước thuộc địa sản xuất gia vị.

Đến khi người ta tìm ra con đường tơ lụa cạnh tranh cùng các tuyến đường biển Bồ Đào Nha, thì những nước giữ độc quyền gia vị mới giảm bớt quyền lực. Những lái buôn mang kho tàng gia vị của Phương Đông đến châu Âu bằng đoàn lữ hành lừa và lạc đà nên cực kỳ tốn kém. Các điểm dừng của các thương gia trao đổi thì là, rau mùi và nghệ tây cũng đồng thời là nơi họ thuyết giảng về tôn giáo. Điều này chứng tỏ gia vị như một cầu nối tôn giáo với con người.

Các loại gia vị của phương Đông cũng có giá trị không kém. Người ta ước tính, 0,5kg gừng có giá trị bằng một con cừu, Mace (một gia vị làm từ vỏ khô của hạt nhục đậu khấu) tương đương với ba con cừu hoặc nửa con bò. Đến năm 1000 người Ả Rập đã có công trộn thì là và rau mùi với hạt tiêu Ấn Độ, gừng trộn với nghệ tạo nên cơ sở của rất nhiều món ăn Nam Á. Đó là sự kết hợp của các loại gia vị mà nhiều thế kỷ sau đó các thủy thủ Anh đưa nó lan rộng ra khắp thế giới (như bột cà ri). Đến thế kỷ 16, người ta đã biết sử dụng đinh hương để bảo quản thực phẩm mà không cần làm lạnh vì nó có chứa eugenol - một chất ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Ngày này, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều loại gia vị khác được tìm thấy và có cả những loại do con người chế tạo ra để làm phong phú thêm thị trường gia vị. Còn các nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử của các loại gia vị là một câu chuyện ly kì, hấp dẫn về cuộc phiêu lưu, khám phá, chinh phục và cả sự cạnh tranh khốc liệt của hải quân.

Cuộc chiến hồ tiêu

Tuy chỉ là một loại gia vị nhưng hồ tiêu đã gây nên những cuộc chiến đẫm máu khi người Hy Lạp và người La Mã biết được hồ tiêu rất có giá trị và muốn thâu tóm nó. Cuộc cạnh tranh hồ tiêu diễn ra quyết liệt trong hơn 2.000 năm và nó đã thúc đẩy những chuyến thám hiểm thế giới để tìm ra các vùng đất mới và các loại gia vị mới.

Trong suốt thời Trung cổ khi thương mại bị độc quyền bởi người Bồ Đào Nha và sau đó là Hà Lan, hồ tiêu đáng giá nghìn vàng theo trọng lượng và được chấp nhận rộng rãi như là một loại tiền tệ hợp pháp. Công nhân xử lý hồ tiêu được phát quần áo không có túi để ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Chưa một loại gia vị nào vượt qua giá trị của hồ tiêu, cho nên bạn đừng quá ngạc nhiên khi biết rằng, trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt, hồ tiêu đã được so sánh với mạng sống của con người và một bao tiêu có giá trị bằng cuộc đời của người đàn ông. Đặc biệt, loại hạt tiêu cao giá nhất có nguồn gốc ở bờ biển Malabar của Ấn Độ đã được các nhà buôn vô đạo đức trộn lẫn trong vỏ mù tạt, quả bách xù, và thậm chí cả đất than để kéo dài giá trị của nó.

Ngày nay hồ tiêu không còn độc tôn nữa, nhưng nó vẫn chiếm hơn 25% giá trị thương mại thế giới của các loại gia vị. Ấn Độ là nước sản xuất lớn nhất, ngoài ra, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, Brasil cũng là những quốc gia hàng đầu cho ra những loại tiêu ngon.

La Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/gia-vi--mon-hang-xa-xi-lau-doi-19613/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY