Dinh dưỡng hôm nay

Gia vị ưu việt cho người đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý mà người bệnh cần phải hết sức cẩn trọng, vì tất cả những thứ bạn ăn vào, kể cả gia vị cũng ảnh hưởng tới lượng đường trong máu của bạn.

Nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng những loại gia vị dưới đây:

Giấm - giúp giảm lượng đường trong máu

Công trình nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, việc uống khoảng 2 thìa giấm nhỏ trước mỗi bữa ăn sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu bệnh nhân đái tháo đường tới 25%.

Đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu của Italia, uống giấm táo trong bữa ăn sẽ giảm lượng đường trong máu tới 30%. Có thể uống giấm trực tiếp, nhưng cách này ảnh hưởng đến dạ dày. Nên dùng giấm để pha nước chấm hoặc cho vào canh.

Cà ri - làm hạ đường huyết

Cà ri là một loại gia vị truyền thống của người Ấn Độ. Tác dụng chữa bệnh đái tháo đường từ phần lá và hạt cà ri đã được chứng minh qua các nghiên cứu trước đây.

TS. Deepali Shastri (bác sĩ Y học cổ truyền nổi tiếng của Ấn Độ) cho biết: Bệnh nhân tiểu đường có thể hạ đường huyết bằng cách lấy một muỗng cà phê hạt cà ri đem ngâm vào cốc nước, để qua đêm, sau đó lọc lấy nước uống. Cũng có thể uống cùng với hạt, tuy nhiên nhớ uống vào đầu mỗi buổi sáng trong ngày. Tuy nhiên, cách thông dụng nhất là thường xuyên ăn những món ăn có tẩm bột cari.

Tỏi - giúp ổn định lượng đường trong máu

Ngoài tác dụng tốt như kháng sinh, chữa cảm cúm, chống xơ vữa động mạch, hạ huyết áp... Nghiên cứu gần đây còn cho thấy, tỏi có tác dụng điều hòa hàm lượng đường trong máu, nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Có thể nhai sống 4-5 tép tỏi mỗi ngày hoặc sử dụng dạng rượu tỏi, nếu dùng dạng cồn tỏi thì mỗi ngày dùng 20-40 giọt.

Quế - điều tiết lượng đường trong máu

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, quế có tác dụng điều tiết lượng đường trong máu, vì vậy mà nó có tác dụng rất lớn trong việc giúp người mặc bệnh tiểu đường tuýp 2 kiểm soát lượng đường.

Mỗi ngày sử dụng 1g bột quế (khoảng 1/4 muỗng cà phê) trong 6 tuần không những giúp giảm lượng đường huyết mà còn giảm được các chất cholesterol xấu và triglyceride trong cơ thể.

Lưu ý: quế có tính đại nhiệt (quá nóng) nên cần thận trọng khi sử dụng ở người già yếu, phụ nữ có thai. Khi thấy nóng thì có thể ngưng uống.

Hành tây - có tác dụng làm hạ đường huyết

Hành tây rất giàu khoáng tố vi lượng như: Ca, Na, Fe, K… tinh dầu disulfur allyl, protid, glucid, chất xơ, nhiều vitamin B1, B2, PP và C. Hành tây có nhiều công dụng trong y học, được dùng làm thuốc chữa ho, chống nhiễm khuẩn, chống xơ cứng động mạch, chống mệt mỏi, chữa suy nhược cơ thể…

Đặc biệt, hành tây có tác dụng làm hạ đường huyết. Mỗi ngày sử dụng một củ nhỏ 100-200g dạng tươi để nấu ăn hoặc 10ml rượu thuốc 20% (200g củ hành ngâm trong 1 lít rượu).

Ớt cay, ớt ngọt - giúp cân bằng lượgg đường trong máu

Trong một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cho thấy, bổ sung ớt vào các bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp lượng insulin cần thiết giúp cân bằng lượng đường trong máu sau các bữa ăn.

Bên cạnh đó, ớt còn chứa vitamin C, carotenoid và chất chống ôxy hóa giúp điều hòa nội tiết tố insulin. Bạn có thể dùng loại quả này trong món salad để ăn hàng ngày. Với ớt cay nên cho vừa phải để không ảnh hưởng đến dạ dày của bạn.

Húng quế - giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Các nghiên cứu cho thấy, ăn lá húng quế cũng có tác dụng kiểm soát bệnh đái tháo đường rất tốt. Chỉ cần nhai một vài lá húng quế trong ngày sẽ tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Bạn có thể thêm loại lá này trong các món nộm, trong rau sống để ăn hằng ngày. Bạn cũng có thể dùng một số ít lá húng quế nghiền nát và ngâm chúng trong một ly nước qua đêm, sáng hôm sau bạn có thể dùng hỗn hợp lọc lại từ nước ngâm.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/gia-vi-uu-viet-cho-nguoi-dai-thao-duong-15983/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY