Tại phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện ngày 23/6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nói rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến nước Mỹ phải “đầu hàng” và rằng “virus nhỏ bé” này có thể ngốn của nước Mỹ khoảng 7.000 tỷ USD. “Chúng ta đã làm những điều tốt nhất có thể để đối phó với virus này”, ông Redfield nói.
Ông Redfield cho rằng, đại dịch Covid-19 cho thấy sự thiếu đầu tư hàng thập niên qua cho năng lực cốt lõi của hệ thống dữ liệu y tế công cộng và giờ là lúc phải khắc phục. “Điều này đòi hỏi một sự hợp tác. Không thể đổ mọi gánh nặng lên chính phủ liên bang trách nhiệm đầu tư hệ thống y tế công cộng ở cấp địa phương”, ông nói.
Bình luận của ông Redfield đưa ra trong bối cảnh một nửa số bang ở Mỹ chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng và không phải chỉ do mở rộng xét nghiệm. Tính đến ngày 23/6, 25 bang của Mỹ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao hơn so với tuần trước.
Cũng tại phiên điều trần, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu trong ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, cảnh báo nếu Mỹ không kiểm soát được đại dịch này trước mùa thu, dịch sẽ lan nhanh như “cháy rừng”. Ông nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra phải là kiểm soát hoàn toàn dịch thay vì chỉ giảm bớt mức độ bùng phát như hiện nay.
Mỹ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với gần 2,4 triệu ca mắc, trong đó hơn 123.000 người đã Tu vong.
“Một vài tuần tới sẽ quyết định khả năng ứng phó của chúng ta với đợt bùng phát như chúng ta đang thấy ở Florida, Texas, Arizona và nhiều bang khác. Họ không phải những bang duy nhất đối mặt với thách thức này”, ông Fauci nói. Ông cũng kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch như tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Số ca mắc Covid-19 tại nhiều bang của Mỹ vọt trở lại sau khi các bang mở cửa trở lại cách đây vài tuần. Nhiều người thậm chí đã không còn thực hiện các quy định giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Một số chính trị gia Mỹ cho rằng, tình trạng tăng vọt số ca mắc này là do mở rộng xét nghiệm, nhưng giới y tế đã bác bỏ và cho rằng đó không phải là tất cả.
"Tại nhiều bang, hoạt động xét nghiệm đã được tăng cường nhưng tỷ lệ những người dương tính thực sự cao hơn nhiều", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Đại học Minnesota, cho biết.
Hơn nữa, cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Kathleen Sebelius cho rằng, ngay cả khi mở rộng xét nghiệm, nước Mỹ vẫn “đi sau Covid-19”. “Chúng ta vẫn đang phải đối phó. Chúng ta chưa thể đi trước dịch bệnh. Cách duy nhất để chúng ta đi trước là kiểm soát số ca mắc ở tất cả các khu vực, xét nghiệm một cách điên cuồng khi phát hiện dù chỉ một ca mắc mới, truy vết tiếp xúc và cách ly. Chúng ta vẫn chưa làm được điều đó”, bà nói.
Minh Phương
Theo CBS
Chủ đề liên quan:
Covid 19