Khoa học hôm nay

Giới khoa học sửng sốt khi phát hiện hóa thạch ếch Nam Mỹ tại Nam Cực

Các báo cáo trước đây chưa từng ghi nhận sự tồn tại của bất cứ loài lưỡng cư nào ở lục địa cực nam của Trái Đất.

Khi nhắc đến hệ sinh thái động vật tại Nam Cực, chúng ta sẽ thường nghĩ ngay tới những loài vật mỡ dày đủ khả năng chống chọi với cái lạnh đầy khắc nghiệt như chim cánh cụt, hải cẩu hay cá voi. Tuy nhiên, trước khi được bao phủ bởi lớp băng như hiện nay, Nam Cực từng sở hữu không ít những khu rừng mưa ôn đới - môi trường sống của rất nhiều động vật đã quen với khí hậu nóng ẩm. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch của 1 loài ếch kì lạ, từng sống tại vùng cực nam của Trái Đất từ hơn 40 triệu năm về trước.

Theo 1 nghiên cứu được đăng tải trên Scientific Reports vào ngày thứ 5 vừa qua, những hóa thạch mới này đại diện cho “động vật lưỡng cư hiện đại đầu tiên sinh sống ở Nam Cực”. Nghiên cứu này cũng cho biết các mẫu vật thu được là những mảnh vỡ của sọ ếch, và 1 phần xương hông của chúng. Giống ếch này thuộc họ Calyptocephalellidae, bao gồm 5 loài khác nhau và hiện đều đang sinh sống tại Nam Mỹ.

Mảnh xương vỡ trên đây chính là hộp sọ của giống ếch thuộc họ Calyptocephalellidae và được tìm thấy tại Nam Cực, vốn là môi trường sống không hề lý tưởng của loài ếch này ở thời điểm hiện nay.

Được biết, các hóa thạch mới này được phát hiện tại đảo Seymour, gần bán đảo Nam Cực trong 3 cuộc thám hiểm của đoàn nghiên cứu Argentina và Thụy Điển vào năm 2011 - 2013. Thomas Mors, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Thụy Điển, đồng thời cũng là người dẫn đầu đoàn nghiên cứu này, cho biết đây là 1 phát hiện bất ngờ và thú vị: “Mục đích ban đầu của chúng tôi là tìm hóa thạch động vật có vú để tổng hợp lại hệ sinh thái tự nhiên tại Nam Cực trước khi khu vực này chìm trong băng giá. Trong 3 cuộc thám hiểm, tôi đã thực hiện rất nhiều khảo sát về đảo Seymour. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không bỏ qua 2 khu vực lân cận, nơi mà giới khoa học từng phát hiện ra hóa thạch của động vật có vú, trong đó bao gồm cả răng của các loài thú có túi”.

Cho đến khi trở lại phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu những hóa thạch thu được, Mors và các cộng sự mới phát hiện ra xương của loài ếch độc đáo này. Sau đó, họ đã tiến hành mạ vàng chúng để có thể quan sát rõ hơn dưới kính hiển vi điện tử. Các báo cáo trước đây cũng chưa từng ghi nhận sự tồn tại hay tuyệt chủng của các loài lưỡng cư tại khu vực Nam Cực trong vòng 200 triệu năm trở lại đây.

Nói cách khác, phát hiện mới này đã bổ sung thêm 1 thông tin cực kì quan trọng về quá trình dịch chuyển sinh thái mà Nam Cực đã trải qua khi tách khỏi siêu lục địa Gondwana (bao gồm các lục địa ngày nay của bán cầu nam như châu Nam Cực, Nam Mỹ, Châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, bán đảo Arabia, Úc-New Guinea và New Zealand). Siêu lục địa này đã xuất hiện trên Trái Đất vào thời kì đầu của kỷ Jura khoảng 200 triệu năm về trước. Những hóa thạch ếch này có niên đại từ thời kỳ Eocene, khoảng thời gian Nam Cực đang dần trở nên cô lập với Nam Mỹ và Úc ở Nam Đại Dương. Khi tách khỏi Gondwana, nhiệt độ tại Nam Cực dần giảm xuống và trở nên lạnh hơn, dẫn đến sự tuyệt chủng của rất nhiều loài động vật vốn đã quen với khí hậu ấm, trong đó bao gồm cả loài ếch.

Trước khi tách khỏi siêu lục địa Gondwana, Nam Cực cũng sở hữu hệ sinh thái tự nhiên tương được với Nam Mỹ bây giờ.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu mới này cho thấy Nam Cực từng là một trung tâm đa dạng sinh học với rất nhiều loài động vật lưỡng cư khác nhau. Rừng ôn đới và hệ thống sông nước ngọt vẫn phát triển mạnh mẽ trên lục địa này vào khoảng 40 triệu năm về trước. Hệ sinh thái tại đây thậm chí còn có nét tương đồng với môi trường rừng, nơi mà rất nhiều loài ếch thuộc họ Calyptocephalellidae vẫn đang sinh sống hiện nay.

Mors và các cộng sự vẫn đang hi vọng có thể sớm trở lại Nam Cực để tiếp tục tìm kiếm các loại hóa thạch khác trên lục địa này: “Tại đảo Seymour, các dữ liệu trầm tích đã thể hiện rất rõ sự chuyển đổi tự nhiên trong quá trình Nam Cực tách khỏi Gondwana. Nếu thu thập được thêm nhiều thông tin hơn, chúng tôi sẽ có thể có cái nhìn tốt hơn về quá trình biến đổi nhiệt độ tại đây. Nó bắt đầu bao phủ bởi băng tuyết như thế nào và đã ảnh hưởng ra sao đến hệ sinh thái của mình”.

Theo VICE

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/gioi-khoa-hoc-sung-sot-khi-phat-hien-hoa-thach-ech-nam-my-tai-nam-cuc-20200430085808713.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY