Nghiên cứu do chuyên gia từ Đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul thực hiện, đăng tải trên tạp chí Angewandte Chemie. Thông thường, quá nhiều ion canxi sẽ có hại, làm ngạt thở các tế bào khỏe mạnh như ty thể - cỗ máy năng lượng tế bào. Giờ đây, các nhà khoa học tìm ra cách sử dụng dòng chảy quá mức có hại để tiêu diệt khối u thông qua "cơn bão canxi".
Thuốc được tạo thành từ các hạt nano silica, chứa thuốc nhuộm. Các khối u nhận biết và vận chuyển hạt nano vào bên trong tế bào đích. Khi đến đây, thuốc nhuộm được kích hoạt bằng ánh sáng hồng ngoại. Quá trình này mở ra cuộc tấn công theo hai hướng.
Đầu tiên, nó tạo ra phân tử gọi là oxy phản ứng (ROS), mở kênh canxi ở màng ngoài tế bào. Đồng thời, nano nóng lên, khiến cơ quan dự trữ canxi bên trong tế bào mở cửa xả, từ đó tiêu diệt khối u.
Các nhà khoa học tìm ra cách sử dụng dòng chảy quá mức có hại để tiêu diệt khối u thông qua "cơn bão canxi". Ảnh minh họa
Kỹ thuật này hiệu quả trong nghiên cứu phòng thí nghiệm, trên tế bào ung thư nuôi cấy. Các thử nghiệm trên chuột tiến hành sau đó cho thấy thuốc đã lưu lại bên trong khối u. Khi các nhà nghiên cứu chiếu ánh sáng cận hồng ngoại vào, thuốc phát huy tác dụng, khiến khối u ở chuột tiêu tan sau vài ngày.
Dù còn nhiều nghiên cứu cần thực hiện trước khi thử nghiệm trên người, các nhà khoa học cho biết về cơ bản, việc kích hoạt các kênh ion có thể là liệu pháp điều trị ung thư tiềm năng.
Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cũng có xu hướng tăng ở hầu hết quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận mỗi năm gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ cũng đã nghiên cứu ra loại thuốc có khả năng giúp cơ thể “ăn và tiêu diệt” các tế bào ung thư trong giai đoạn khối u đang phát triển.
Theo BBC, nguyên lý của loại thuốc này là giúp tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu, còn được gọi là các đại thực bào, một phần của cơ chế miễn dịch chuyên tấn công các dị vật bên ngoài xâm nhập cơ thể. Các thử nghiệm tiến hành ở chuột cho thấy phương pháp điều trị bằng thuốc này đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp bị ung thư vú và ung thư da. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Biomedical Engineering.
Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm thuốc mới sẽ được tiến hành trên người trong vài năm tới. Loại thuốc này cũng đã được cấp phép thử nghiệm, do đó nhóm nghiên cứu hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình phê chuẩn trong điều trị.
Các liệu pháp điều trị dựa trên hệ miễn dịch của chính cơ thể con người để chống lại các dạng bệnh ung thư đang là lĩnh vực nghiên cứu nhận được sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu y khoa toàn thế giới.
Các đại thực bào vốn đã rất "giỏi" trong nhiệm vụ tấn công các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra vì chúng có khả năng nhận diện và tấn công những "kẻ lạ xâm nhập" cơ thể.
Tuy nhiên, tế bào bạch cầu thường gặp khó và giải quyết không hiệu quả với tế bào ung thư, vì các khối u lại phát triển từ chính những tế bào trong cơ thể con người, do đó chúng cũng có cơ chế ẩn náu khôn khéo hơn trước các đợt tấn công của đại thực bào.
Vì lẽ đó, loại thuốc của tiến sĩ Ashish Kulkarni và các cộng sự tại trường y Harvard đã tiến hành giải quyết vấn đề này bằng cách "lôi" tế bào ung thư ra khỏi tình trạng ẩn nấp để các đại thực bào có thể nhận diện và tiêu diệt.