Các em bé đâu rồi? Báo động thiếu trẻ con! Em bé, cuộc khủng hoảng thế giới!... Đó là một số tựa báo mang tính báo động trong nhiều tuần qua từ Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, những nước chịu ảnh hưởng mạnh của Thiên Chúa giáo.
Theo các báo trên, hiện tượng sinh suất giảm là hệ quả tất yếu của nền kinh tế phát triển là điều tự nhiên: phụ nữ có học vấn cao, đi làm việc, tiến thân trong xã hội nên… sinh đẻ ít. Nhưng thực tế không lý tưởng như vậy. Theo nhà báo Anna Louie Sussman, trong một bài phân tích tỉ mỉ trên New York Times, khắp nơi trên thế giới, điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường đã làm nản lòng phụ nữ như một loại Thu*c ngừa thai âm ỉ.
Cuộc thăm dò của OCDE, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, năm 2016 cho thấy nguyện vọng của phụ nữ các nước phát triển là có hơn hai đứa con. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Tất cả mọi châu lục đều giảm sinh suất: Từ 1985 đến 2016, châu Phi từ 6,5 xuống 4,4; châu Á từ 3,69 còn 2,15; châu Âu từ 1,88 xuống 1,61; Bắc Mỹ từ 1,79 xuống 1,75…
Tình trạng này dẫn đến hệ quả là dân số giảm. Chưa một chính sách nào hiệu quả để làm đảo ngược xu hướng này từ Trung Quốc, Đan Mạch, cho đến Nga hay Mỹ.