Mặc dù bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm...
Mặc dù bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua nhiều Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều chính sách BHXH, BHYT đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế như mới chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 71% dân số
tham gia bhyt; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp...
Vai trò quan trọng của chính quyền cơ sở
Theo thông tin từ Bộ Y tế thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia thanh toán gần hết viện phí cho các bệnh nhân mắc ung thư. Các gia đình có công với cách mạng, người nghèo và người cận nghèo cũng được BHYT chi trả phần lớn... Trong kết quả chung đạt được vượt mục tiêu trên 70% người dân
tham gia bhyt vào cuối năm 2014 thì vẫn còn tình trạng có những tỉnh không có bộ máy làm BHYT và có tới 16 tỉnh có tỷ lệ tham gia dưới 60%. Việc mở rộng BHYT đối với gần 30% dân số còn lại vẫn còn nhiều thách thức.
Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã nêu ra nguyên nhân của tình trạng có những tỉnh có tỷ lệ người dân
tham gia bhyt thấp, dưới mức trung bình của cả nước, do sự quan tâm của chính quyền địa phương vẫn còn chưa nhiệt tình.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ngoài nguyên nhân đã được Chính phủ và Bộ Y tế nêu thì còn nguyên nhân khác nữa bởi đây là những tỉnh mà các đối tượng được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ mua BHYT ít vì số đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đó ít, vùng xã mà được hưởng BHYT miễn phí thuộc dạng 135, rồi những xã đặc biệt khó khăn thì hầu như các tỉnh đó không có. Do đó, chủ yếu là những người tự nguyện
tham gia bhyt ở những tỉnh này. Và khi mà chính sách của chúng ta còn khuyến khích để nhân dân tự nguyện tham gia thì chỉ có người ốm mới tham gia.
“Một trong những khó khăn để thực hiện là làm thế nào để người dân
tham gia bhyt theo hộ gia đình. Và vai trò quan trọng nhất trong thực hiện vấn đề này là vai trò của chính quyền cấp xã. Vấn đề quan trọng nữa được đặt ra là làm thế nào để mỗi xã phải có 1 cán bộ chuyên làm BHYT thì mới nắm rõ được tình hình và đi vận động được người dân tham gia”, ông Tiên bày tỏ quan điểm.
Phải coi chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Mới đây, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật cũng như khắc phục những hạn chế và triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo đảm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu hết năm 2015, số người
tham gia bhyt đạt 75% dân số, số người tham gia BHXH đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện chính sách và tổ chức đổi mới cơ chế tài chính, xây dựng giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ, đổi mới phương thức thanh toán BHYT; tổ chức tốt việc khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là y tế tuyến cơ sở.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố coi chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân
tham gia bhyt, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người
tham gia bhyt; chỉ đạo Sở Y tế thành lập đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu về BHYT trên địa bàn, xem xét bổ sung 1 lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở Y tế chịu trách nhiệm về lĩnh vực BHYT...
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường công tác truyền thông và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và giành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là tới các đối tượng thuộc diện tham gia.
Về phía cơ quan BHXH Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho các bên tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tiến tới việc vận hành cơ sở dữ liệu điện tử trong phạm vi cả nước và thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy bằng thẻ điện tử. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...
Nguyễn Hoàng