Dinh dưỡng hôm nay

Hiểu 360 độ về quả mít

(SKGĐ) Mít là một loại quả quen thuộc và ngon của mùa hè. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cho rằng ăn mít nóng, mít làm tăng cân... gây tiếng oan cho loại quả này.

Ảnh minh họa

Mít không hề nóng

Nóng cơ thể là một phạm trù rộng trong sức khỏe, đa phần là do gan yếu, không đào thải được các độc tố trong cơ thể gây ra “nóng”. Tuy nhiên, nếu nói mít nóng, tức là ăn mít sẽ gây hại cho gan, điều này hoàn toàn sai.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sở dĩ mít cũng như nhiều quả chín mùa hè như vải, nhãn, xoài... bị cho là nóng là bởi chúng chứa hàm lượng đường khá cao, gây ra hiệu ứng đường trong máu tăng (với điều kiện chúng ta ăn nhiều).

Lượng đường trong máu tăng là môi trường thuận lợi của vi khuẩn tụ cầu (và nhiều vi khuẩn khác) phát triển. Chính sự sinh sôi, nảy nở của những vi khuẩn này khiến chúng ta gặp phải tình trạng chốc lở, mụn nhọt. Điều này không hề liên quan đến nóng cơ thể.

Mít không gây tăng cân

Bạn nói ăn mít vào sẽ mập, béo? Hoàn toàn không hề. Đây là một nguồn bổ sung vitamin dồi dào, đặc biệt là vitamin A và C. Những vitamin này không những tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp duy trì làn da hồng hào và căng mịn.

Nếu mít gây tăng cân thì chỉ có khả năng duy nhất là bạn ăn quá nhiều, ăn liên tục, vì lượng đường trong mít không phải cao. Ngược lại, nếu ăn ở mức độ hợp lý, nó còn có thể giúp bạn giảm cân nặng và rất lợi sức khỏe.

Nếu bạn muốn giảm cân bằng mít, hãy uống 1 cốc nước ép mít sau khi ăn khoảng 1 giờ. Hoặc sử dụng mít non để làm món ăn trong bữa. Đây là cách mà nhiều người đã sử dụng và rất hiệu quả.

Nhưng cũng có người không nên ăn mít

Tuy mít rất tốt cho sức khỏe, nhưng những người mắc bệnh như: bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, bệnh suy thận mạn, người bị suy nhược, có sức khỏe yếu thì không nên ăn, hoặc nếu muốn thì cũng chỉ nên ăn để thưởng thức, vì lượng đường trong mít sẽ hấp thu nhanh khiến đường huyết tăng cao, mít cũng không tốt cho những người có tiền sử bị gan...

Ăn mít như thế nào cho đúng cách?

- Chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu…

- Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3-4 múi mít/ngày).

- Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

- Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.

- Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít thì cần bổ sung đủ nước (2-2,5l/ngày) và rau xanh (200-300g/ngày).

T.H

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/hieu-360-do-ve-qua-mit-18591/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY