Dinh dưỡng hôm nay

Hiểu thêm về thịt đỏ-thịt trắng

(SKGĐ) Bạn có biết vì sao các nhà khoa học luôn khuyên người tiêu dùng nên chọn thịt trắng hơn thịt đỏ

Người bán thịt ở chợ Triều Khúc, Hà Nội (Ảnh Lê Ngọc)

Người tiêu dùng thường chọn thịt gì?

Theo quan sát của phóng viên Sống Khỏe, tại một số chợ ở Hà Nội và Sài Gòn thì phần lớn các bà nội trợ không quan tâm và cũng không phân biệt được thành phần dinh dưỡng có trong các loại thịt và đâu là thịt trắng đâu là thịt đỏ. Khi đi chợ, mọi người chỉ dựa vào theo sở thích ăn uống của các thành viên trong gia đình để lên thực đơn trong ngày chứ không màng đến chế độ dinh dưỡng từng loại thịt mang lại.

Theo chân chị Nguyễn Thị Hoa, Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội đi chợ mua thức ăn cho cả ngày, nhà chị hầu như ăn thịt lợn là đa số và lâu lâu mới ăn thịt bò, cá, ngan, gà… chị tâm sự: “Gia đình mình thích ăn gì thì mua cái đó chứ không quan tâm tới việc ăn quá nhiều một loại thịt này hay quá ít loại thịt kia. Đa phần nhà mình chọn mua thịt lợn vì vừa dễ mua lại dễ ăn với cả nhà. Mình cũng chẳng quan tâm đâu là thịt đỏ, đâu là thịt trắng”.

Còn chị Phan Thúy Mơ nhà tại Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội một trong những bà nội trợ rất sành sỏi đã chia sẻ kinh nghiệm đi chợ: “Mình luôn ưu tiên chọn loại gà, ngan, cá (thịt trắng) theo một số thông tin mình đọc thì những loại thịt này có lợi cho sức khỏe. Nhà mình ông xã bị béo phì nên rất hạn chế ăn thịt nhiều thịt đỏ như (thịt lợn, thịt bò…). Mỗi một tuần nhà mình chỉ ăn 2-3 bữa thịt lợn hoặc thịt bò còn lại nhà mình thường ăn thịt gà, cá và nhiều rau xanh là chính”.

Đồng quan điểm với chị Thúy Mơ, chị Nguyễn Thị Hồng Thủy nhà tại khu phố 3A, đường Tân Thới Hiệp, phường Tân Thới Hiệp, Q.12, Tp.HCM nhà có người người mắc tiểu đường chia sẻ: “Trước kia không biết tác hại của việc ăn nhiều thịt, nên cứ thích loại thịt gì thì ăn thịt đó thật nhiều. Nhưng từ khi bố chồng mình phát hiện bị mắc tiểu đường, mình đã đọc sách và nghe bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống khoa học. Mình cũng đã cân bằng dinh dưỡng trong thành phần ăn uống mỗi ngày của gia đình, giờ ăn không chỉ ngon bổ và còn phải tốt cho sức khỏe nữa”.

Không biết cân bằng sẽ mang họa vào thân

Thời gian trước đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ đặt một câu hỏi đơn giản: Người ăn nhiều thịt có nguy cơ tử vong cao hay thấp hơn người ít ăn thịt động vật? Để trả lời cho câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích khẩu phần và thói quen ăn thịt của gần nửa triệu người Mỹ tuổi từ 50-71 và theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong suốt 10 năm.

Các nhà nghiên cứu chia các đối tượng cần quan sát của mình thành 3 nhóm:

- Nhóm thường xuyên ăn thịt đỏ

- Nhóm thường xuyên ăn thịt trắng

- Nhóm thường xuyên ăn thịt chế

Kết quả thu được sau cuộc nghiên cứu cho thấy:

- Nhóm người ăn thịt đỏ thường xuyên có nguy cơ tử vong tăng 30-50%. Ở nhóm này tỉ lệ tử vong vì các bệnh như ung thư, tim mạch cũng tăng 20-45%.

- Nhóm những người tiêu thụ thịt trắng có tỉ lệ tử vong tăng 35%.

- Nhóm những người tiêu thụ thịt chế biến sẵn có tỉ lệ tử vong tăng 20-30% so với những người có lượng tiêu thụ ít.

Điều này cho thấy, người thường xuyên ăn thịt đỏ dễ bị đau ốm và sớm tử vong hơn người thường ăn thịt trắng và thịt chế biến. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vì người ăn nhiều thịt đỏ dễ bị “lôi cuốn” vào những món ăn chế biến không lành mạnh như: kiểu nướng, chiên, rán... khiến chất béo bão hòa có trong thịt đỏ khi gặp nhiệt độ cao sẽ sinh ra những chất gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, một dạng sắt có trong thịt đỏ khi qua các khâu chế biến thức ăn có thể tạo thành hợp chất phá hủy tế bào dẫn đến ung thư...

Tuy nhiên, cũng giống như việc dùng thuốc chữa bệnh. Thuốc có thể giúp con người mau chống hết bệnh nhưng cũng có thể gây nên những tác dụng phụ ngoại ý thì việc chọn thịt đỏ hay thịt trắng trong bữa ăn hàng ngày của bạn cũng thế.

Bác sĩ Tường vi

BS. Doãn Thị Tường Vi (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 19/8, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Tại Việt Nam hiện chưa có công trình nghiên cứu về tác hại của thịt đỏ. Nhưng hiện nay rất nhiều người hiểu lầm rằng thịt đỏ là không tốt. Tôi khẳng định là không phải vậy.

Thịt đỏ chỉ thật không tốt đối với một số bệnh rối loạn về chuyển hóa hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa trong đó có: Đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, gout.

Bạn có biết?

- Người trên 40 tuổi sinh sống tại Tp.HCM có tỉ lệ béo phì lên đến 25%.

- Có khoảng 10-13% người trên 40 tuổi sinh sống tại Tp.HCM mắc bệnh đái tháo đường.

Đối với các bệnh nhân bị rối loại chuyển hóa thì không nên ăn các loại thịt đỏ. Do chế độ ăn nhiều thịt đỏ làm cơ thể bạn sẽ thừa chất purin, chất này sẽ chuyển hóa thành các axit uric tăng lên tạo ra các tinh thể urat, các tinh thể đó lắng đọng tại thận sẽ gây ra sỏi thận, ở khớp sẽ gây viêm khớp…

BS. Tường Vi cũng cho biết, tự bản thân mỗi loại thịt đều có công dụng và hạn chế riêng. Nếu bạn dùng chúng một cách vừa phải thì chúng sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh. Nhưng nếu bạn dùng chúng quá nhiều (có thể gọi là lạm dụng) thì kể cả đó là thịt trắng hay thịt đỏ thì chúng cũng đều có khả năng gây hại cho sức khỏe của bạn.

Những tài liệu nghiên cứu của BS. Tường Vi cho thấy, trong những năm qua thói quen ăn uống của người Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Lượng thịt động vật, thịt chế biến sẵn và chất béo đã tăng rất nhanh trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Và điều đáng quan tâm nhất hiện nay là kèm theo đó, tần số các bệnh như ung thư, tim mạch, tai biến và béo phì ở nước ta đang ngày càng tăng ở mức độ báo động.

Phân loại thịt đỏ - thịt trắng

Theo như sự tư vấn của bác sĩ Tường Vi thì thịt được chia làm hai loại:

Nhóm thịt đỏ

Là các loại thịt như thịt bê, thịt bò, thịt cừu, thịt trâu, thịt lợn, thịt ngựa, thịt thú rừng...

Loại thịt này cung cấp cho cơ thể nhiều loại axit amin, các chất đạm có giá trị sinh học cao, chúng rất giàu chất đạm, chất béo, vitamin B12, vitamin B6...

Có thể hiểu nôm na là “Các loại thịt càng giống người càng có giá trị dinh dưỡng cao. Người ốm, người khỏe mạnh, trẻ em đều có thể sử dụng tất các loại thịt đỏ”.

Nhóm thịt trắng

Gồm các loại thịt như cá, thịt gà, vịt, ngan, ngỗng...

Các loại thịt này lượng đạm thường ít hơn thịt đỏ nhưng lại dồi dào chất béo không bão hòa, là chất béo có lợi cho sức khỏe.

Thịt trắng là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người đang thực hiện chế độ ăn uống giảm cân, giảm cholesterol và những người muốn áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.

Bác sĩ Tường Vi cũng lưu ý thêm: “Người thuộc nhóm tuổi từ 40 trở nên luôn phải theo dõi rất sát vấn đề thực phẩm. Ở độ tuổi này trở đi, sự rối loại chuyển hóa trong cơ thể mọi người thường cao so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy người thuộc nhóm tuổi này nên hạn chế ăn thịt đỏ. Nhưng để mang tính phòng ngừa thì nên ăn hợp lý và kết hợp cả thịt đỏ và thịt trắng”.

Một chế độ ăn uống hợp lý hàng ngày

Theo BS. Tường Vi thì, chế độ ăn hợp lý hàng ngày phải có đủ 4 thành phần:

Nhóm 1: Chất đạm

Thịt, cá trứng, sữa.

Nhóm 2: Chất béo

Các loại dầu thực vật, mỡ động vật.

Nhóm 3: Đường

Các loại đường, tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn).

Nhóm 4: Vitamin và muối khoáng

có nhiều ở rau và hoa quả.

Lê Ngọc (thực hiện)

Bài viết có sự tư vấn của BS. Doãn Thị Tường Vi,

Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 19/8, Hà Nội

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/hieu-them-ve-thit-do-thit-trang-16971/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY