Trong thời đại kinh tế thị trường, giữa bao lo toan tất bật, hối hả của cuộc sống đời thường và sự tấn công của nhiều nền văn hóa khác nhau trong hành trình hội nhập, hoạt động hoằng pháp của giáo hội ngày nay cũng cần nhập thế để đồng hành cùng dân tộc, giúp cho người phật tử có cái nhìn khoa học, có niềm tin phù hợp với giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.
“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Bất cứ thời đại nào thanh thiếu niên cũng là mầm non tương lai của Tổ quốc và dân tộc, đạo Phật cũng thế. Bởi vì thanh thiếu niên là lực lượng góp phần duy trì và phát triển đất nước và đạo pháp. Do đó công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ nhất là đối với thanh thiếu niên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Nhưng hoằng pháp cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ khó khăn đầy thách thức, không chỉ bởi sự hạn chế tự thân của ngành hoằng pháp, mà còn đến từ xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng với nhiều xu hướng văn hóa đa dạng, phong phú và tâm linh khác nhau.
Trong thời đại mới hiện nay- thời đại văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, văn hóa được nâng cao, nhất là công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng cao hơn. Thực trạng đáng mừng là thanh thiếu niên ngày nay có trình độ học vấn cao, có hiểu biết đa dạng, phong phú, nhất là về khoa học, kỹ thuật... Quan niệm phong kiến đã được xóa bỏ tận gốc, nhu cầu tự khẳng định bản thân, vai trò cá nhân được đề cao, hết sức coi trọng, đây là một tiến bộ lớn, tạo cơ hội cho tuổi trẻ có điều kiện sáng tạo và phát triển.
Rất đáng tiếc, nhận thức giá trị đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, đa số coi trọng vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy tiêu cực. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay, chạy theo lối sống hưởng thụ, vọng ngoại, lai căng… mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức là nền tảng cơ bản của con người.
Thanh thiếu niên thời nay đang rất yếu về mặt tinh thần, tâm lý dễ bị kích động: dễ buồn, dễ vui, nông nổi, dễ bị sa ngã, cám dỗ. Xã hội thì có quá nhiều ô nhiễm không hạn chế được. Làm sao bây giờ? Luật pháp? Giáo dục?
- Hiệu quả còn thấp!. Chỉ có tạo sức đề kháng ở trong tâm thức của giới trẻ để họ đứng vững trước sự tấn công của cám dỗ, dục vọng. Thanh thiếu niên nếu có lý tưởng, có giáo dục thì có khả năng kiểm soát, tự chủ cao hơn giới trẻ ít học, không có lý tưởng.
Thanh thiếu niên hiện nay đang đi tìm chỗ đứng cho chính mình trong sự tấn công của các nền văn hóa khác biệt, các cám dỗ tha hóa ngày càng hấp dẫn, sự kích thích bản năng ngày càng mạnh và tinh vi. Đồng thời, sự tự khẳng định mình là một mục tiêu mà rất đông bạn trẻ thời đại hướng đến, coi đó như là ưu thế của tuổi trẻ. Nhưng tự khẳng định theo hướng nào? Có người đua đòi ăn chơi bừa bãi để tự khẳng định mình, hút Thu*c uống rượu, hành động bạo lực… cũng để tự khẳng định mình. Thật sự là một mối nguy lớn cho các bậc làm cha mẹ và những nhà giáo dục, quản lý xã hội.
Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở thanh thiếu niên là bạo lực học đường, trước nay nạn bạo lực chỉ ở tầng lớp thanh thiếu niên ít học, thành phần lao động, hoặc những con người tha hóa khác… nhưng ngày nay bạo lực đã đi vào nơi "trồng người", biểu hiện ở những con người được coi là hiền lành, thông minh, có học....
Một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên ngày nay sẵn sàng dùng những hành vi thô bạo, mất nhân tính đối với bạn bè gây nên sự bất bình làm xôn xao dư luận mấy năm qua. Thực trạng đáng buồn đó đến nay vẫn còn tiếp diễn…
Những bi kịch đau lòng: Loạt bài và các video clip bạo lực học đường, chuyện không mới nhưng vẫn nóng! về các vụ nữ sinh hành hung lẫn nhau tại một số trường THCS và THPT trên cả nước mà các báo đã nêu trong thời gian qua đã thực sự làm nhức nhối, đau lòng cho nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lí giáo dục. Trước hết là người trong ngành giáo dục, xin được chia sẽ sự lo lắng trước những hiện tượng nổi cộm về thực trạng xuống cấp của đạo đức học sinh.
…Một học sinh mới chỉ lớp 7 trường THCS An Châu – Châu Thành – An Giang đánh gục thầy giáo ngay trên bục giảng lớp học khiến dư luận hết sức phẫn nộ, một học sinh ở Trường THPT Giá Rai Bạc Liêu chỉ vì nghi ngờ vô cớ đã chọn cách hành hung thầy giáo ngay trong sân trường để trả thù; một thầy giáo vì cho điểm kém đã bị nhóm học sinh đón đường hành hung và hàng loạt vụ trộm cắp, hành hung bạo lực của một bộ phận học sinh có tính “xã hội đen” ngày càng gia tăng khác đã và đang thực sự trở thành tiếng chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay.
Một nữ ở trường THPT Trần Nhân Tông – Hà Nội xích mích với bạn vì bạn vô tình dẫm lên chân mình mà không xin lỗi cũng bị đám bạn kéo nhau, đánh đập, kéo tóc, quay video tung lên mạng và làm nhục bạn giữa thanh thiên bạch nhật đã làm hoang mang lo sợ trong phụ huynh học sinh. Một nhóm học sinh vì cần tiền chơi bời lêu lỏng mà sẵn sàng rủ nhau đột nhập nhà dân ăn trộm; một học sinh vì tức thầy giáo vì đã ghi mình vào sổ đầu bài đã đột nhâp nhà trường đốt Sổ đầu bài làm cháy trường gây thiệt hại nghiêm trọng. Gần đây là vụ việc diễn ra ở một miền đất hiếu học Nghệ An của nhóm ba học sinh lớp 9 đã dày công lên mạng xem cách khoét máy ATM của một vụ trộm ở Thành phố Hồ Chí Minh để tự học và hành nghề khiến dư luận không khỏi bàng hoàng sửng sốt. Gần đây nhất là video clip hành hung bạn gái của nhóm học sinh ở Trường THPT Việt Bắc - Lạng Sơn dài hơn 9 phút được các nữ quái thực hiện và tung lên mạng với nhiều hành động, lời nói được ghi lại trong clip mà nếu chỉ xem qua mà không xem dòng chú thích thì nhiều người nghĩ đấy là một cảnh của phim chưởng và nhiều vụ bạo lực khác được báo chí nêu lên…
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở một vài con số như vây, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm! Nhiều học sinh ngày càng tỏ ra vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, học sinh càng lớn lên, càng được học lên bao nhiêu thì đạo đức lại càng đi xuống bấy nhiêu, nhiều học sinh khi ra đường cũng chẳng thèm chào hỏi thầy cô giáo xem như không quen biết. Anh bạn đồng nghiệp kể cho tôi rằng: Có lần bắt gặp 2 học sinh trèo tường để trốn học, anh đã gọi và nhắc nhở nhưng chẳng những không nghe mà 2 học sinh này vẫn tiếp tục hành vi của minh và ra lời thách thức. Sự thờ ơ vô cảm, xuống cấp đạo đức trong một bộ phận học sinh còn biểu hiện ở việc thường xuyên văng tục, chửi thề, nói dối thầy cô, bố mẹ, một số khác khi bố mẹ cho tiền đóng nạp thì cố tình không thực hiện mà dành tiền để hút Thu*c, chơi game và đua đòi những nhu cầu không chính đáng.
Thông thường chúng ta quy trách nhiệm cho gia đình, nhà trường với luận điểm: các em còn nhỏ, tuổi còn trẻ chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm. Vấn đề tính cách của cá nhân ít người quan tâm đến; tính cách thì được hình thành bởi sự giáo dục của cả xã hội. Một xã hội mà giá trị vật chất được tôn vinh, sự giả dối được coi là sự thành công… thì nhân cách của con người đã bị lệch lạc vì bị các giá trị phổ biến của xã hội ảnh hưởng. Những giá trị đạo đức được dạy bởi gia đình và học đường sẽ bị vô hiệu hóa vì những giá trị ấy không có ý nghĩa trong vận động của xã hội.
Thực trạng đạo đức thanh thiếu niên học sinh – sinh viên hiện nay cũng đáng báo động, các chuẩn mực đạo đức của giới trẻ dã đến mức đáng lo ngại, còn đâu nữa “Tiên học lễ hậu học văn” “Giấy rách phải giữ lấy lề” hoặc “Đói cho sạch rách cho thơm”….
Chính vì vậy, thanh thiếu niên hiện nay dễ bị tác động bởi các xu hướng, trào lưu, văn hóa, lối sống ngoại lai, lệch lạc, sức đề kháng trước ảnh hưởng tiêu cực của xã hội còn hạn chế do công tác giáo dục đào tạo kỹ năng sống trong nhà trường hầu như bỏ ngỏ. Việc tiếp nhận và thấm nhuần các giá trị đạo đức truyền thống rất hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp và ứng xử còn nhiều thiếu sót.
Khóa tu mùa hè dành cho sinh viên học sinh. Ảnh sưu tầm trên internet |
“Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người đệ tử Phật, đặc biệt đối với công tác Hoằng pháp..
Phật pháp không thể xương minh nếu không có hình ảnh tôn nghiêm, khả kính của chư vị tôn đức Tăng già. Tự viện không thể nào phát triển nếu không có những đàn na tín thí thành tâm ủng hộ .
Ai cũng biết rằng: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Tăng tài là pháp khí của thiền gia” Thế nhưng nhìn lại công việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn thanh thiếu niên những người chủ tương lai của dân tộc, những mầm non của đạo pháp đã đến nơi, đến chốn chưa?
Mặc dù trong những năm qua Ban hoằng pháp của giáo hội đã có những thành quả bước đầu trong việc hoằng hóa quần mê thật đáng trân trọng. Tuy nhiên phần lớn chúng ta vẫn chỉ quan tâm đến bộ phận người cao tuổi, còn lớp trẻ mặc dù đã có những trại huấn luyện, trại hè, những khóa tu mùa hè, một ngày tâp tu, một tuần tập tu, khóa tu thiền, niệm Phật v.v…nhưng đa phần thanh thiếu niên vẫn chưa được tiếp cận với Phật pháp. Thực tế này phát xuất từ nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống hiện thực: cha mẹ chưa nhận thức đúng đắn về việc hướng dẫn con cái về với đạo pháp, chưa quan tâm giáo dục, dìu dắt con cháu đi chùa, lễ Phật, tìm hiểu giáo lý Phật đà.
Hơn nữa nội dung hoằng pháp của giáo hội cũng chưa thật sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, chưa đáp ứng nhu cầu tâm S*nh l* của thanh thiếu niên như cần cơm ăn, áo mặc, nước uống… Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nơi công sở, đồng nghiệp, bạn bè, lý tưởng sống , kỹ năng sống…còn nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn nửa.
- Trước mắt Ban Hoằng pháp nên có kế hoạch dài hơi về nội dung, chương trình thường xuyên giáo dục thế hệ trẻ để mưa lâu, thấm dần. Bởi vì: “Thân cận thiện hữu như vũ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận, ác tập ác giã trưởng ác tri kiến” Đó là gần gũi bạn lành như đi trong sương đêm, tuy chẳng ướt áo, nhưng lâu ngày sẽ thấm. Tiếp xúc với người ác sẽ dễ làm theo việc ác.
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Một đứa trẻ nếu còn nhỏ ham bắt bướm, bắn chim, câu cá, lớn lên sẽ dễ dàng giết hại sinh mạng súc vật và con đường dẫn đến phạm tội gần trong gan tất, nếu như không có biện pháp giáo dục tốt kịp thời uốn nắn..
- Vì thế nếu giới trẻ được thường xuyên học tập Phật pháp, được tiếp xúc nhiều với đạo pháp, được Ban hoằng pháp tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục để thế hệ trẻ nên người. Bởi vì trong mỗi con người luôn luôn có đầy đủ hai phần: phần con (bản năng, thú tính) và phần người (lý trí). Nếu thanh thiếu niên được giáo dục chu đáo, phần lý trí vượt trội - con người sẽ thăng hoa, (Thẳng chân mà bước, ngẩng đầu mà đi). Bằng không, con người sẽ trở về với phần con (bản năng, thú tính), sẽ đi bằng bốn chân, tai hại thật không lường!
- Nhà thơ Rasul Gamzatov của Nga đã từng viết trong cuốn “Dagestan của tôi” một câu được đưa lên tầm thành ngữ: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ đáp trả anh bằng đại bác”.
Câu nói như một triết lý luôn nhắc nhở mọi người hãy giáo dục thế hệ trẻ hiểu về những giá trị đạo đức, lịch sử của cha ông, sống đúng truyền thống đạo đức của tiền nhân làm tiền đề để vươn tới tương lai. Nếu ngày nay chúng ta không quan tâm giáo dục thanh thiếu niên đúng mức, nên người, thì tương lai giới trẻ sẽ phụ bạc, tệ hại hơn rất nhiều lần.
Đạo Phật rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Trong Kinh Thiện Sanh, đức Phật đã dành những lời giáo huấn cho chàng thanh niên giàu có Yasa con một trưởng giả.
Đệ tử của đức Phật, ngoài năm anh em Kiều Trần Như là những người cao tuổi và có mối quan hệ đặc biệt với Ngài, thì người thanh niên đầu tiên được Đức Phật hóa độ là chàng thanh niên giàu có Yasa. Đức Phật đã dạy cho Yasa đạo lý: "Đời có những mặt khổ đau và cũng có những mặt mầu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lạc về cuộc đời". Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe Yasa đi tu họ cũng xuất gia, đều là những chàng trai trẻ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, khoảng 54 vị. Như vậy, 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, gồm 55 người là trẻ tuổi. Những vị Tỳ kheo ấy, bắt đầu chuyển bánh xe Pháp, với sức khỏe và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị ấy đã thành công trong việc mở rộng ánh đạo Trí tuệ và Từ bi.
Tóm lại, sự giác ngộ nhanh chóng, mạnh mẽ phải ở thanh thiếu niên. Sự hoạt động truyền giáo hoằng pháp mạnh mẽ và hiệu quả cũng ở nơi tuổi trẻ. Và giáo lý Phật dạy rất phù hợp với thế hệ trẻ. Thanh thiếu niên, giới trẻ ngày nay có thể thực hành giáo lý của Phật dạy để xây dựng bản thân, gia đình, xã hội và đạo pháp… Chúng ta nhớ rằng: “Mạc đãi lão lai phương học Đạo. Cô phần đô thị thiếu niên nhân” (Chớ đợi đến già mới tu học. Mộ phần đầy dẫy kẻ đầu xanh).