Hô hấp hôm nay

Hội chứng ngừng thở khi ngủ

Hội chứng ngừng thở khi ngủ thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên, tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ (HCNTKN) là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở hoàn toàn khoảng 10 - 30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm dẫn tới tình trạng thiếu ôxy máu.   Phân loại HCNTKN
HCNTKN gồm 3 loại:
- Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn: biểu hiện sự ngừng luồng khí thở do tắc nghẽn đường hô hấp trên nhưng các cử động lồng ngực - bụng vẫn được duy trì.
- Ngừng thở trung tâm: ít gặp, biểu hiện sự ngừng hoạt động điều khiển của trung tâm hô hấp, luồng khí qua miệng mũi ngừng lại và không có cử động lồng ngực và bụng.   - Ngừng thở hỗn hợp: kết hợp cả hai loại trên.
Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn được nhiều người biết đến và cũng có tỉ lệ mắc cao nhất, chiếm 84%; Loại ngừng thở trung tâm chiếm khoảng 0,4%; loại hỗn hợp chiếm 15%.   Nguyên nhân HCNTKN tắc nghẽn
Ở vùng hầu họng, có các tổ chức phần mềm xung quanh đường thở gồm: lưỡi, amidan, vòm miệng mềm, lưỡi gà. Các phần mềm này được các cơ vận động vùng hầu họng nâng đỡ. Khi ngủ say, các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở gây ra tiếng ngáy, cũng có khi làm tắc đường thở gây ngừng thở. 
HCNTKN có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên, tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Những người có nguy cơ cao là:
- Béo phì: có nguy cơ gấp 3 lần người bình thường.
- Đối tượng có bất thường về đường hô hấp trên như: Amidan quá phát, khẩu cái mềm và lưỡi gà quá lớn, ...
- Tiền sử nghiện rượu, dùng Thu*c an thần, Thu*c gây nghiện, …
- Đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp…
Tác hại của HCNTKN tắc nghẽn
HCNTKN được coi là một bệnh lý nguy hiểm, vì nó làm giảm đột ngột lượng ô xy trong máu. Khi ô xy trong máu giảm đột ngột gây tăng huyết áp và tạo ra gánh nặng cho hệ tim mạch. Khoảng một nửa số người bị HCNTKN tắc nghẽn sẽ mắc bệnh cao huyết áp, và có nguy cơ xuất hiện biến chứng đột quỵ (tai biến mạch máu não) và suy tim.
Chẩn đoán
Với những đối tượng nghi ngờ có HCNTKN do tắc nghẽn cần phải hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng cẩn thận. Chẩn đoán hội HCNTKN tắc nghẽn không khó vì các triệu chứng điển hình và các yếu tố nguy cơ thường rõ rệt.   Một trong những dấu hiệu thường gặp nhất là bệnh nhân có tiền sử ngủ ngáy nhiều năm, ngáy to,  thở phì phò, thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngừng thở. Điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ bằng máy thở áp lực dương.
Điều trị    Có nhiều phương pháp điều trị HCNTKN, việc chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, các bất thường của đường hô hấp và các bệnh lý phối hợp.
- Giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì.
- Bệnh nhân nên tập thói quen ngủ đủ thời gian và đúng giờ (thường 07 giờ/ngày).
- Không uống rượu, uống Thu*c an thần vì gây ức chế hô hấp, làm giảm phản xạ cơ vòm họng, làm cho bệnh trầm trọng hơn.
- Nằm nghiêng khi ngủ: hầu hết các bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ trong tư thế nằm ngửa. Có người đính một quả bóng tennis vào chính giữa lưng áo pijama mặc khi ngủ để lúc ngủ say cũng không nằm ngửa được do vướng.
- Dùng Thu*c nhỏ mũi để làm giảm chứng nghẹt mũi. Mũi được khơi thông cũng làm giảm hiện tượng tắc nghẽn khi ngủ.
- Sử dụng thiết bị trong miệng (giúp đưa hàm ra trước và là hệ thống trụ nâng khẩu cái; dụng cụ giữ lưỡi) là biện pháp điều trị hiệu quả ở các trường hợp bệnh nhân có bất thường giải phẫu vùng hàm và lưỡi dày, tụt ra sau.
- Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: với mục đích làm đường thở mở rộng hạn chế tình trạng tắc nghẽn trong khi ngủ… Tuy nhiên các phương pháp phẫu thuật có tỷ lệ thành công khác nhau.
- Phương pháp chính điều trị HCNTKN là dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Phương pháp thở máy CPAP có hiệu quả cao, cải thiện được 95 - 98% trường hợp.
  Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, ThS.BS Phan Thu Phương -  Sức khỏe & Đời sống
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-n407.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY