Thận , Tiết niệu hôm nay

Hỏi đáp về lọc màng bụng - giải pháp cho bệnh nhân suy thận mạn trong đại dịch COVID-19

Trong chương trình đào tạo liên tục trực tuyến diễn ra chiều ngày 18/8, BS.CK2 Tạ Phương Dung và TS.BS Đào Bùi Quý Quyền đã giải đáp nhiều thắc mắc của đồng nghiệp liên quan đến vấn đề lọc màng bụng - một giải pháp hữu hiệu để điều trị thay thế thận trong đại dịch COVID-19.

BS.CK2 Tạ Phương Dung hiện là Cố vấn chuyên môn Khối Nội - Khối Thận Niệu Bệnh viện Nhân Dân 115 - Phó Giám Đốc Bệnh viện Gia An 115 và TS.BS Đào Bùi Quý Quyền là Trưởng khoa Nội Thận - Bệnh viện Chợ Rẫy. AloBacsi xin được đăng tải phần trao đổi này để bạn đọc hiểu thêm về phương pháp lọc màng bụng:

Câu 1: Theo quan điểm của BS Dung, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì một bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối nên lựa chọn phương pháp điều trị thay thế thận nào?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều đồng nghiệp khác trong và quốc tế đã có những khuyến cáo, trong bối cảnh gia tăng ca mắc COVID-19 như hiện nay nên lựa chọn phương pháp lọc màng bụng. Thậm chí, bệnh nhân trước đó đã được chạy thận nhân tạo, giờ có thể chuyển sang phương pháp lọc màng bụng. Đây là vấn đề cần cân nhắc.

Câu 2: Theo quan điểm của BS Quyền, khi xây dựng một trung tâm lọc màng bụng mới nên có nhóm lọc màng bụng chuyên biệt hay không?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Rất nên có nhóm chuyên về lọc màng bụng, bao gồm bác sĩ Nội thận là người chịu trách nhiệm chính về mọi mặt chăm sóc cho người bệnh, bác sĩ Ngoại phối hợp cùng bác sĩ Nội thận để thăm khám và xác định tình trạng màng bụng của người bệnh trước phẫu thuật, chọn kỹ thuật đặt catheter giúp catheter ổn định lâu dài và điều dưỡng. Như vậy sẽ chuyên sâu hơn vì đã được huấn luyện, đào tạo về lọc màng bụng, khi đó quản lý sâu sát hơn cho bệnh nhân khi theo dõi, nâng cao chất lượng điều trị.

Câu 3: Tiên lượng Tu vong của một bệnh nhân lọc màng bụng mắc COVID-19 và bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc COVID-19 có cao không?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Khi đã mắc COVID-19 thì vẫn phải đối mặt với tỷ lệ Tu vong. Vì vậy, điều quan trọng là làm sao đừng để mắc COVID-19 và hạn chế đến bệnh viện là một giải pháp trong giai đoạn này. Với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, để đáp ứng được các yêu cầu này thì chỉ có phương pháp lọc màng bụng, vì nếu chạy thận nhân tạo vẫn phải đến bệnh viện 3-4 lần/ tuần, không thể thay đổi được.

BS.CK2 Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia An 115

Câu 4: Với tình hình quá tải như hiện nay, các bệnh viện sẽ không đủ cơ sở vật chất để làm riêng cho phòng huấn luyện, phòng thủ thuật... cho quy trình lọc màng bụng. Vậy có thể giảm thiểu những yêu cầu bằng cách kết hợp một khu vực có nhiều chức năng không?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Có thể kết hợp một số phòng với nhau. Nhưng một số phòng thì nên dùng tách biệt. Chẳng hạn phòng huấn luyện nên có không gian đủ lớn để dành cho điều dưỡng, người bệnh và tập trung, đồng thời cần được che kín để giữ sự riêng tư. Trong phòng nên có phương tiện nghe nhìn, hình ảnh để việc huấn luyện tốt hơn. Phòng thực hiện trao đổi dịch có thể dùng chung không gian với phòng thực hiện các thủ thuật trong lọc màng bụng (thay bộ chuyển đổi, khám chỗ thoát catheter...) và dành cho nhân viên để tiếp xúc trao đổi với người bệnh.

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Thực tế, lọc màng bụng ít tốn diện tích hơn so với triển khai chạy thận nhân tạo. Trừ khi chúng ta không làm gì cả, không lọc màng bụng và cũng không chạy thận nhân tạo, chứ nếu không thì việc phát triển 1 giường chạy thận nhân tạo đã cần đến 5-6m2, trong khi đó căn phòng này có thể xây dựng để trở thành phòng huấn luyện lọc màng bụng được.

Câu 5:Chương trình đào tạo về lọc màng bụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ cần học trong bao lâu và nội dung đào tạo sẽ bao gồm những phần nào dành cho bác sĩ Nội thận - Điều dưỡng và bác sĩ Ngoại khoa? Khóa học này có thể đăng ký bất kỳ lúc nào hay phải đợi mở khóa?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ, điều dưỡng Nội thận khi có nhu cầu học có thể đăng ký học bất cứ lúc nào. Thời gian học là 2 tháng, gồm 2 phần, lý thuyết và thực hành. Lý thuyết sẽ bao gồm những phần cơ bản về S*nh l* lọc màng bụng, cơ chế hoạt động, các qui trình trong lọc màng bụng, chăm sóc catheter, quản lý cân bằng dịch, chẩn đoán và điều trị các biến chứng, cách kê đơn, điều chỉnh thừa dịch, thiếu dịch, quản lý kết quả lâm sàng, tư vấn bệnh nhân mới… Về thực hành gồm những phần: qui trình thay dịch, qui trình thay transfer set, qui trình lấy mẫu dịch lọc, chăm sóc catheter, chăm sóc bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện, vận hành máy lọc màng bụng tự động…

Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mở lớp đào tạo liên tục cho các bác sĩ Ngoại khoa, chương trình học khoảng 3 tháng, về lý thuyết vẫn là cơ bản về S*nh l*, giải phẫu học lọc màng bụng, các phương pháp, kỹ thuật đặt catheter, các loại catheter, các biến chứng có thể gặp, sau đó sẽ được thực hành trên mô hình và trên bệnh nhân.

Câu 6:Khi phát triển một trung tâm mới, việc xây dựng quy trình kỹ thuật lọc màng bụng sẽ dựa vào những tài liệu nào?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Hiện chúng ta đã có rất nhiều quy trình về lọc màng bụng. Cụ thể là Bộ Y tế - đơn vị chủ quản cao nhất của ngành y tế nước ta đã có cuốn hướng dẫn lọc màng bụng từ năm 2014. Trong đó nêu ra rất nhiều vấn đề nổi bật, từ cách lựa chọn bệnh nhân, bật catheter, hướng dẫn bệnh nhân những ngày đầu mới lọc màng bụng, kê toa cho bệnh nhân khi về nhà đến những biến chứng, rắc rối có thể gặp trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, các đồng nghiệp có thể tham khảo những cuốn tài liệu được đúc kết từ kinh nghiệm trong quá trình làm việc của các trung tâm lớn như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Nhân dân 115… Hay Hiệp hội lọc màng bụng thế giới cũng có rất nhiều tài liệu, các đồng nghiệp có thể truy cập trang mạng để tải tài liệu về tham khảo thêm.

Câu 7: Quy trình tập huấn dành cho bệnh nhân mới về lọc màng bụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy mất thời gian bao lâu?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Khi hoàn tất việc đặt catheter, 2 tuần sau bệnh nhân bắt đầu vô dịch. Trong thời gian này, bệnh nhân và thân nhân sẽ được phát các tài liệu để tìm hiểu thêm về phương pháp lọc màng bụng, song song đó là được huấn luyện kỹ càng từ việc tắm, chăm sóc chân ống catheter, thay băng catheter, đến vấn đề thay dịch, theo dõi dịch, phân biệt dịch đục - dịch trong, nhận biết những bất thường về nhiễm trùng chân ống catheter, cách ghi sổ về theo dõi dịch vào-ra, theo dõi nước tiểu…

Tất cả những bước này sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn thuần thục và rõ ràng, chi tiết để làm sao bệnh nhân, thân nhân có thể tự tin mang kiến thức đã được huấn luyện về thực hành tại nhà.

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Trước đây không có dịch COVID-19 nên chúng tôi vì muốn huấn luyện cho bệnh nhân thuần thục kết hợp với việc chờ vào dịch nên mới cần 2 tuần. Nhưng thực tế, khi bệnh nhân đặt catheter xong mà chưa có nhu cầu thì vẫn có thể về nhà được, gần tới chu kỳ 2 tuần thì mời bệnh nhân đến.

Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy đa số các bệnh nhân không cần đến 2 tuần, chỉ mất 4-5 ngày là thành thạo các thao tác rồi, vì nó khá đơn giản, hơn nữa ngoài việc được nhân viên y tế hướng dẫn,hiện nay bệnh nhân còn rất nhiều tài liệu khác như sách, video… nên hầu như ai cũng làm được trong thời gian ngắn.

Câu 8: Chi phí lọc màng bụng là bao nhiêu? So với phương pháp chạy thận nhân tạo có thực sự thấp hơn hay không? Đặc biệt lọc màng bụng bằng máy, chi phí rất cao so với lọc màng bụng bằng tay, BHYT đã không còn chi trả cho cassette và túi xả.

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Chi phí điều trị mỗi bệnh nhân mỗi khác nhau. Ngay cả bệnh nhân cùng chạy thận nhân tạo nhưng người có biến chứng nhiều, người biến chứng ít và sự lựa chọn các phương pháp khác nhau như chạy thận nhân tạo thường, HDF Online hay màng lọc hấp phụ thì việc chi trả cũng đã thay đổi.

Tuy vậy, chi phí lọc màng bụng đồng đều hơn, vì đa phần bệnh nhân ổn định. Theo thống kê của BHYT, việc chi trả cho lọc màng bụng không thấp hơn nhiều so với chạy thận nhân tạo.

Thực tế, qua nhiều nghiên cứu cho thấy chi phí để lọc màng bụng thấp hơn, bởi khi chạy thận nhân tạo người bệnh còn tốn rất nhiều khoản phí khác, từ việc đi lại, ăn uống, công làm từ người bệnh đến thân nhân đi cùng… Điều này vô tình trở thành gánh nặng trên vai người bệnh, gia đình. Đó là chưa nói đến tính hiệu quả cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.

Lọc màng bụng bằng máy đúng là chi phí cao hơn so với bằng tay, vìbệnh nhân phải tự bỏ tiền để mua máy với giá khoảng 190 triệu đồng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế thì có thể cân nhắc vì những lợi ích nó mang lại. Lọc màng bụng bằng máy được chứng minh duy trì chất lượng sống cao hơn bằng tay vì nó ít kết nối, chủ động lấy được dịch không tồn lưu trong ổ bụng... Hiện, BHYT chưa chi trả cho cassette và túi xả, tuy nhiên trong các cuộc họp gần đây, BHYT đã cân nhắc sẽ chi trả trong tương lai gần.

Lọc màng bụng là một giải pháp hữu hiệu để điều trị thay thế thận trong đại dịch COVID-19

Câu 9: Việc quản lý bệnh nhân lọc màng bụng trong mùa dịch COVID-19 khi lãnh dịch 2 tháng có gì khó khăn không? Chia sẻ kinh nghiệm quản lý của BS Dung cho đối tượng lọc màng bụng?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Không phải bây giờ bệnh nhân mới được lãnh dịch 2, thậm chí là 3 tháng. Khi dịch bùng phát vào nước ta ở thời điểm tháng 2, 3, 4 nhiều đơn vị đã cấp dịch 2 tháng rồi và may mắn chưa bệnh nhân nào phải đến bệnh viện khi chưa hết thời hạn này. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải dặn dò bệnh nhân trong khoảng thời giannhận dịch dài hơn nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra thì cần điện thoại cho nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng, nếu không thể giải quyết ở nhà vẫn phải tới bệnh viện.

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Trung tâm PD (lọc màng bụng)- Bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm lọc màng bụng lớn nhất nước, hiện đang quản lý gần 400 bệnh nhân. Trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi đã cấp dịch lọc 2 tháng thấy bệnh nhân rất ổn định. Hiện bệnh nhân vẫn xin cấp dịch dài ngày. Đây là điều đáng mừng và cũng là thuận lợi trong mùa dịch, vì cho thấy bệnh nhân đủ tự tin khi xa bệnh viện 2 tháng nhưng các chỉ số theo dõi bệnh vẫn ổn định.

Câu 10: Theo BS trình bày mùa dịch này nên hạn chế các thủ thuật. Vậy nếu trong mùa dịch này mà bệnh nhân đến thời hạn phải thay transfer set (bộ chuyển đổi) . Vậy chúng ta nên dời thời gian hay vẫn thaytransfer set cho bệnh nhân?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Đối với tình huống này, chúng ta đẩy lịch thay transferset sớm hoặc dời lại 1-2 tuần cũng không gây ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đến lãnh Thu*c và chỉ còn 10-15 ngày là đến lịch thaytransferset thì chúng ta sẽ tiến hành thay luôn cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân lãnh 2 tháng rồi mà còn 40-50 ngàythìcó thể lùi lại đến 60 ngày, không sao cả.

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Với trường hợp này, nhân viên y tế có thể thêm yếu tố dịch tễ xem bệnh nhân đến từ vùng nào. Ví dụ, bệnh nhân đến từ vùng có yếu tố dịch tễ thì chúng ta có thể kéo dài thêm thời hạn 1 tháng nữa, còn nếu ngược lại chúng ta vẫn có thể tự tin thay transferset như bình thường.

Câu 11: Tại các bệnh viện trong vùng dịch COVID-19, việc chuyển bệnh nhân từ chạy thận nhân tạo qua lọc màng bụng có khó khăn do thời gian nằm viện sau mổ đặt catheter lọc màng bụng lâu trước khi vào dịch. Xin bác sĩ cho ý kiến khắc phục vấn đề này?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Việc chuyển bệnh nhân từ chạy thận nhân tạo qua lọc màng bụng trong thời điểm này hoàn toàn không khó khăn.

Theo khuyến cáo, bệnh nhân sau khi đặt catheter cần thời gian khoảng 2 tuần để vết mổ lành và catheter được cố định tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những phương pháp cho bệnh nhân lọc màng bụng sớm, thậm chí sau khi đặt catheter 24 giờ là có thể lọc màng bụng, với điều kiện bệnh nhân lọc màng bụng bằng máy.

Nếu Trung tâm nào chưa có máy hoặc bệnh nhân chưa đủ điều kiện kinh tế để mua máy vẫn có thể cân nhắc cho bệnh nhân về nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian 2 tuần, chờ ổn định để vào dịch. Song song đó, chúng ta cần dặn bệnh nhân về vấn đề ăn uống, nên hạn chế nhận nước, hạn chế thực phẩm gây tăng kali…

Thực sự, bệnh nhân vẫn có khả năng xảy ra nhiều biến chứng, trong đó sợ nhất là bệnh nhân bị quá tải dịch, tăng kali máu… Trong trường hợp này, chúng ta phải cho bệnh nhân tiếp tục chạy thận nhân tạo. Nhưng nói chung, chúng ta nên tư vấn kỹ để bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ những hướng dẫn này là tránh phải nhập viện thì bệnh nhân sẽ thực hiện tốt hơn.

Câu 12: Theo BS Quyền, lý tưởng nhất là 1 điều dưỡng phụ trách 20-30 bệnh nhân lọc màng bụng nhưng khi trung tâm có số bệnh nhân quá lớn (khoảng 300 bệnh nhân) nhưng chỉ có 2-3 điều dưỡng. Xin BS Quyền chia sẻ kinh nghiệm quản lý bệnh nhân như thế nào cho hiệu quả?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Một số thời điểm Trung tâm PD - Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 500 bệnh nhân, khi đó đúng là một điều dưỡng phải chăm sóc hơn 100 bệnh nhân. Đây là áp lực thực tế có thể xảy ra ở các trung tâm PD. Với tôi, quả thực những nhân viên y tế, điều dưỡng gia nhập vào đội chăm sóc bệnh nhân lọc màng bụng phải có niềm yêu thích nhất định thì mới có thể trụ vững và chấp nhận được công việc của mình nhiều hơn người khác.

Bởi bệnh nhân lọc màng bụng sẽ được chăm sóc 24/7, tức là bất kỳ thời gian nào trong ngày, dù sáng sớm hay nửa đêm bệnh nhân cũng có thể gọi điện thoại để hỏi về các vấn đề họ gặp phải, đây cũng là ưu điểm của phương pháp này đối với bệnh nhân. Người điều dưỡng phải luôn túc trực để không bỏ sót các cuộc gọi. Mặc dù đây không phải là quy chế của bệnh viện, điều này có thể là gánh nặng với bác sĩ, với điều dưỡng nhưng vì tâm của người làm nghề, khi yêu đủ nhiều thì sẽ thấy cái vui, cái được nhiều hơn so với sự vất vả.

Hơn nữa, bây giờ công nghệ đã rất phát triển, bệnh nhân có thể truyền tải hình ảnh đến điều dưỡng, bác sĩ để được tư vấn nhanh chóng, rõ ràng.

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Tôi thường hay nói với bác sĩ, điều dưỡng là nên chịu khó trả lời câu hỏi của bệnh nhân. Nếu nói chỉ vài phút với các bạn có thể cứu mạng sống của bệnh nhân thì to lớn quá nhưng nhờ có thời gian ngắn ngủi đó sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức để đến bệnh viện. Vì vậy, đừng ngần ngại, xin hãy luôn sẵn sàng trả lời bệnh nhân. Và thực sự thì cũng chưa có điều dưỡng nào vì những câu hỏi của bệnh nhân mà bỏ ngành, bỏ nghề cả.

Câu 13: Theo buổi tọa đàm ngày 12/8 của Bộ Y tế có thảo luận về "trao đổi kinh nghiệm và chính sách điều trị bệnh thận giai đoạn cuối". Quan điểm của BS Dung - BS Quyền như thế nào về vấn đề này? Hướng phát triển và chuẩn bị ra sao để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Trong buổi thảo luận về "trao đổi kinh nghiệm và chính sách điều trị bệnh thận giai đoạn cuối", PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhận định, lọc màng bụng cho bệnh nhân cả nước sẽ là xu hướng phát triển, đồng thời sẽ có thay đổi chi trả BHYT trong tương lai. Theo tôi, đây là đường lối, chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chia sẻ thông tin, cha của ông cũng được điều trị suy thận mạn bằng phương pháp lọc màng bụng, sức khỏe hiện tại rất ổn định.Đây là một thông tin ngoài lề thú vị, đồng thời cũng mở ra hướng cân nhắc lựa chọn, để làm sao bệnh nhân nào khi điều trị đều được “khen” là ổn định, chất lượng cuộc sống tốt.

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Tôi rất vinh dự được tham gia buổi tọa đàm này. Bộ Y tế Mỹ cũng rất quan tâm về phương pháp lọc màng bụng máu tại nhà trong thời điểm dịch bệnh. Thậm chí, họ vẫn đặt ra các vấn đề để xem hướng giải quyết cho bệnh nhân của chúng ta, từ đó họ chia sẻ quan điểm để cùng rút kinh nghiệm trong điều trị.

Câu 14: Xin hỏi ý kiến của BS Dung, việc phát triển lọc màng bụng sẽ có lợi gì cho bệnh viện so với việc phát triển chạy thận nhân tạo?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Đối với chạy thận nhân tạo, một điều dưỡng phụ trách tối đa là 6 máy, chưa kể làm nhiều ca kíp trong ngày. Còn với lọc màng bụng, lý tưởng nhất là một điều dưỡng chăm sóc cho 12-20 bệnh nhân, nhưng thực tế hiện nay 2-3 điều dưỡng có thể chăm sóc đến 200-300 bệnh nhân. Tại Trung tâm của chúng tôi quản lý gần 300 bệnh nhân lọc màng bụng và và chỉ có 4 điều dưỡng nhưng công việc vẫn rất trôi chảy. Như vậy, thuận lợi thứ nhất là tiết kiệm được nhân lực.

Thứ hai, thận nhân tạo phải đầu tư rất nhiều, từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, và máy móc phải có tuổi thọ giới hạn không phải làm việc được mãi, hệ thống nước cũng phải bảo trì, bảo hành, kiểm định nước theo quy định… Với lọc màng bụng thì chỉ cần có một căn phòng để huấn luyện, thậm chí nếu thiếu cơ sở có thể dùng dung các phòng với nhau, để làm sao bệnh nhân vừa được huấn luyện về lý thuyết, vừa được hướng dẫn thay dịch. Miễn là căn phòng đó thoáng, sạch sẽ, vệ sinh hàng ngày theo quy định.

Như vậy, rõ ràng về vật tư tiêu hao thì chạy thận nhân tạo chiếm nhiều hơn, do đó chắc chắn lọc màng bụng sẽ có lợi điểm nhiều hơn cho bệnh viện.

Câu 15: Theo quan điểm của BS Dung nếu bệnh nhân có mong muốn ghép thận thì trong thời gian điều trị nên tư vấn lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Hiện đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân lọc màng bụng nếu sau này tiến hành ghép thận thì sẽ kéo dài đời sống hơn từ 3-8% thời gian so với chạy thận nhân tạo. Mặt khác, những vấn đề thường gặp sau ghép gọi là trì hoãn chức năng thận ghép hồi phục thìngắn hơn, chất lượng sống tốt hơn.

Như vậy, nếu trước khi ghép chúng ta tiến hành cho bệnh nhân lọc màng bụng thì rõ ràng không phải chỉ lợi một đường mà là đôi, ba đường.

Câu 16: Tại Trung tâm lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 với số lượng bệnh nhân lọc màng bụng hơn 300 bệnh nhân thì chiến lược phát triển tăng số lượng bệnh nhân và quản lý bệnh nhân đảm bảo chất lượng điều trị nên như thế nào?

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Theo tôi, chiến lược phát triển tăng số lượng bệnh nhân và quản lý bệnh nhân đảm bảo chất lượng điều trị thì đầu tiên cần nâng cao kiến thức, nhận biết cho bệnh nhân, thân nhân về các phương pháp điều trị thay thế thận (chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận). Vì hiện nay, đa phần bệnh nhân, nhất là ở vùng xa, khi đến với các bệnh viện tuyến trên đều chỉ biết đến phương pháp chạy thận nhân tạo mà hoàn toàn không nắm thông tin về các phương pháp khác như lọc màng bụng.

Do đó, việc nâng cao sự hiểu biết về lọc màng bụng là rất quan trọng, để làm sao khi bệnh nhân đến với bệnh viện tuyến trên đã có thể lựa chọn cho mình một phương pháp điều trị, các bác sĩ sẽ không tốn thêm nhiều thời gian để giải thích từ đầu, nghĩa là từ cơ sở y tế địa phương phải giải thích, tư vấn để người bệnh hiểu đầy đủ về ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp điều trị.

Về bác sĩ và điều dưỡng thì phải liên tục cập nhật kiến thức, phác đồ điều trị mới, chăm sóc bệnh nhân, tự nâng cao chất lượng bản thân, để từ đó huấn luyện cho người bệnh tốt hơn, giúp họ nắm vững kiến thức để tuân thủ tốt y lệnh của bác sĩ. Khi phối hợp nhịp nhàng tất cả những yếu tố này sẽ đảm bảo được chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Câu 17: Vậy có cơ hội hay chiến lược nào để đẩy mạnh PD trong giai đoạn này?

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Như TS Quyền vừa nói, trong giai đoạn này càng có cơ hội để chúng ta đẩy mạnh lọc màng bụng, không chỉ ở các bệnh viện tại thành phố lớn mà các bệnh viện quận, huyện, tỉnh đều có thể thực hiện. Chúng ta không thể từ chối bệnh nhân đến điều trị được, người bệnh vẫn sẽ tiếp tục suy thận đến giai đoạn cuối và cần điều trị thay thế thận.

Vì thế, thay vì chúng ta phải đề nghị với lãnh đạo mua máy, trang bị hệ thống nước để chạy thận nhân tạo thì hiện chỉ cần đề nghị mở 1 phòng huấn luyện và hướng dẫn cho bệnh nhân bằng nhiều cách khác nhau (tờ rơi, TV, áp phích…). Từ đó sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về ưu và khuyết điểm của mỗi phương pháp để lựa chọn.

TS.BS Đào Bùi Quý Quyền: Khác với các quốc gia khác như Mỹ đã tiến hành chạy thận nhân tạo tại nhà. Trong lọc máu tại nhà, Việt Nam hiện chỉ áp dụng lọc màng bụng. Thực tế, trong dịch COVID-19 hiện nay chúng ta chỉ có thể chọn cách “sống chung với lũ” chứ không thể nào triệt hạ nó hoàn toàn trong thời gian ngắn được.

Vì ở một trung tâm lớn, giả sử nếu có một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 thì có thể trung tâm hoặc đôi khi cả bệnh viện phải ngừng hoạt động. Như vậy sẽ rất khó khăn cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đồng thời họ cũng chính là đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm và Tu vong do COVID-19. Do đó, xét trên nhiều phương diện thì theo tôi phương pháp lọc màng bụng là hướng đi phù hợp nhất trong giai đoạn này.


Nguồn: Phương Nguyên (ghi) - AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 01:23 24/08/2020 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/hoi-dap-ve-loc-mang-bung-giai-phap-cho-benh-nhan-suy-than-man-trong-dai-dich-covid-19-n411847.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY