Thận , Tiết niệu hôm nay

Nam thanh niên tăng huyết áp, cụ ông tiểu ra máu do thông động tĩnh mạch thận

Nam thanh niên tăng huyết áp sau T*i n*n giao thông vỡ ruột, cụ ông tiểu máu do thông động tĩnh mạch thận, lão nông suýt lên bàn mổ vì phình động mạch gan… đó là 3 trong 6 ca lâm sàng hiếm gặp được TS.BS Trần Chí Cường can thiệp thành công nhiều năm trước.

Tại hội thảo cập nhật chẩn đoán điều trị can thiệp bệnh lý mạch máu tạng - ngoại biên, được tổ chức ngày 2/4 ở cần thơ, ts.bs trần chí cường đã có bài: “chia sẻ kinh nghiệm can thiệp nội mạch tạng ngoại biên các ca lâm sàng đặc biệt”, lướt qua 6 ca lâm sàng hiếm gặp từ năm 2006.

Ngay tại thời điểm tiếp nhận 6 ca lâm sàng này, một số trường hợp BS Cường cũng chưa từng xử lý trước đó. Tuy nhiên, các bác sĩ đã vận dụng hết kiến thức chuyên môn và phương tiện can thiệp thô sơ, ít ỏi vào 16 năm trước để trả bệnh nhân về với cuộc sống bình thường.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TPHCM, BCH Hội Can thiệp thần kinh Á Úc, Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

8 năm sau T*i n*n giao thông vỡ ruột, nam thanh niên bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân

Ca lâm sàng đầu tiên BS Cường chia sẻ là một bệnh nhân nam 30 tuổi, nhập viện do bị đau đầu, tăng huyết áp. 2 tuần trước khi nhập viện anh đau khắp đầu mức độ trung bình, không nôn ói, không thay đổi tri giác, không yếu liệt, không tiểu máu, không đau bụng. Thế nhưng huyết áp lại ở mức cao 180mmHg.

Hỏi kỹ bệnh sử thì anh có chấn thương bụng cách đó 8 năm do T*i n*n giao thông: vỡ ruột, phẫu thuật nối ruột phải nằm viện 5 tháng.

Hình CT có gì đó bất thường ở thận phải, chưa biết có liên quan tới chấn thương cũ hay không vì bệnh nhân không ghi nhận tiểu máu. Đây là điều bất thường vì đa số các vấn đề: bướu máu trong thận, rò động tĩnh mạch thận sau mổ nội soi, ung thư trong thận thường gây chảy máu, và bệnh nhân sẽ thấy tiểu ra máu

Hình ảnh DSA cho thấy có một vị trí thông động tĩnh mạch, làm cho lưu lượng tưới máu đến nhu mô thận giảm đáng kể, từ đó có thể giải thích tại sao bệnh nhân tăng huyết áp dù tuổi còn trẻ

Kết quả siêu âm bụng tổng quát không ghi nhận bất thường, siêu âm động mạch thận: Nghi ngờ rò động mạch thận. Xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường. Bác sĩ chẩn đoán: tăng huyết áp người trẻ - rò động tĩnh mạch thận.

Câu hỏi đặt ra cho các bác sĩ là phải làm gì? Nếu can thiệp không thành công thì phẫu thuật, nhưng năm 2006 phẫu thuật thận cũng rất khó khăn. Các bác sĩ quyết định cố gắng can thiệp nội mạch, dùng keo, dùng bóng, dùng tất cả phương tiện có trong tay lúc đó, cuối cùng đã bít được chỗ thông nối động mạch thận và tĩnh mạch chủ.

Sau can thiệp, huyết áp bệnh nhân trở về bình thường, hết sức vui vẻ vì không cần uống Thu*c hạ huyết áp nữa, và chi phí phải thanh toán cho ca can thiệp cũng rất thấp.

Cụ ông tiểu ra máu do thông động tĩnh mạch thận, sau can thiệp 24 giờ nước tiểu trong vắt

Ca lâm sàng thứ 2 là một bệnh nhân nam 63 tuổi, vào viện vì đau bụng, tiểu máu từng đợt… trước đó, ông đã đi khám từ Bắc chí Nam mà không nơi nào tìm ra hướng giải quyết cho tình trạng của mình.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tìm thấy nguyên nhân là bệnh nhân có rò động tĩnh mạch thận lưu lượng rất cao. Để khắc phục tình trạng này, BS Trần Chí Cường đã can thiệp, dùng bóng để giảm dòng chảy vào động mạch thận để có đường vào sâu hơn, bơm keo gây tắc vị trí thông động tĩnh mạch.

Kỹ thuật dùng bóng kiểm soát dòng chảy và bơm keo

Sau gây tắc bằng keo và bóng

Chỉ trong 24 giờ sau can thiệp, nước tiểu của bệnh nhân trong vắt, trở lại cuộc sống bình thường.

Lão nông 75 tuổi suýt lên bàn mổ vì túi phình khổng lồ ở động mạch gan

Trường hợp thứ 3 là một lão nông 75 tuổi ở Tiền Giang, 1 năm trước ông sờ thấy một khối gì đó căng ở vùng trên rốn, không đau, đi khám nhiều nơi vẫn chưa biết chính xác đó là gì, cũng không có tiền căn chấn thương vùng bụng.

Lần đó ông nhập viện BV Đại học Y dược TPHCM vì đau bụng vùng thượng vị. Các bác sĩ nhìn vùng thượng vị bệnh nhân thấy có khối phồng lên da, sờ thấy căng chắc, có mạch đập, kích thước khoảng 7cm, không di động, ấn đau, không nghe thấy âm thổi. Bụng dưới mềm, xẹp, không điểm đau.

Hình ảnh CT cho thấy túi phình mạcn máu khổng lồ trong gan, sát thành bụng

Hình ảnh CT cho thấy một túi phình động mạch gan chung dọa vỡ. Các bác sĩ hội chẩn, nhận định trường hợp này bệnh nhân tuổi cao, vị trí và kích thước túi phình cũng gây khó nếu mổ. BS Cường được mời can thiệp, quyết định gây tắc động mạch gan chung. Sau đó bệnh nhân không bị suy gan hay triệu chứng gì bất thường.

Hình ảnh sau can thiệp, túi phình "biến mất"

Bệnh nhân hết đau bụng, chức năng gan bình thường và tránh được ca phẫu thuật gan ở độ tuổi 75.

(Còn tiếp)

Kim Quy - Benhdotquy.net


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 07:51 12/04/2022 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/nam-thanh-nien-tang-huyet-ap-cu-ong-tieu-ra-mau-do-thong-dong-tinh-mach-than-n421778.html)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY