Dinh dưỡng hôm nay

Hướng dẫn loại bỏ chất độc trong măng

Măng là món ngon dễ ăn, nhiều chất xơ hưng nó vẫn làm nhiều người ngần ngại về độ độc hại. Vậy làm sao để yên tâm ăn măng mà không độc

Ăn măng có độc?

Măng là một trong những thực phẩm quen thuộc và được nhiều người ưu thích. Ở nước ta, tre nứa rất nhiều cho nên măng tre càng quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Măng được chế biến thành các món xào, nấu, ngâm dấm, cho vào phở, miến… Về thành phần dinh dưỡng, măng chứa hàm lượng lớn chất xơ và một phần rất ít lipid, đường, chất béo. Có lẽ vì vậy mà trước đây nhiều người nghĩ ăn măng chỉ ngon miệng chứ chẳng có lợi gì, thậm chí còn có hại. Vậy ăn măng độc hay không độc? Câu trả lời là cả hai.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông... Măng khá giàu các loại vitamin như A, B1, B2, C…

Với hàm lượng chất xơ cao, măng là loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, phòng chống có hiệu quả tình trạng béo phì, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, bệnh táo bón, bệnh ung thư đại tràng và ung thư vú.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, với hàm lượng Mg khá phong phú và một loại đường đa có trong thành phần, măng có khả năng nhất định trong việc phòng ung.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thành phần có lợi cho sức khỏe thì măng cũng chứa nhiều chất độc hại. Trao đổi về các thành phần có măng tươi, BS. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM cho biết: Trong măng có chứa những độc tố mà ít người biết tới, tên gọi là glucozit. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng axit xyanhydric. Ở người lớn, chỉ cần ăn phải 20mg axit xyanhydric đã có thể bị ngộ độc. Những người bị ngộ độc do măng gây ra thường có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở…

Loại bỏ chất độc trong măng

Để tận hưởng những món ăn ngon từ măng mà vẫn an toàn, bạn cần nắm được bí quyết sơ chế măng và chế biến các món ăn từ măng. Theo bác sĩ Thuỷ, nếu biết chế biến và ăn với lượng vừa phải thì những món từ măng vẫn an toàn. Trước khi ăn măng tươi, phải luộc, bỏ nước vài lần để tránh ngộ độc. Axit xyanhydric là chất hòa tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng.

Ngoài ra, bạn có thể làm theo 1 trong 6 cách sau đây:

Cách 1: Bóc hết vỏ măng (bẹ lá) rửa sạch đất cát rồi tùy theo từng loại măng độc nhiều hay ít, măng thường hay măng đắng mà có cách xử lý khác nhau. Có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.

Cách 2: Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi, luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.

Cách 3: Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.

Cách 4: Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, bạn có thể đem chế biến món ăn.

Cách 5: Với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong, sau đó luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi.

Cách 6: Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua với tỏi, ớt cũng là một biện pháp là giảm tính độc của măng.

Cẩn thận với măng chua ngoài thị trường

Một nghiên cứu trên 3 loại măng cho thấy: măng trắng (được bào từ củ măng), măng trắng ngâm nước nửa ngày (măng đã ra nước hơi chua) và măng vàng là măng đã qua luộc và ngâm nước bán trên thị trường đều có hàm lượng xyanua rất đáng lo ngại. Chất xyanua có sẵn trong măng sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước.

Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzyme hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Do đó, khi chế biến măng, bạn nên làm theo kinh nghiệm dân gian là rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1-2 lần trước khi ăn để tránh bị ngộ độc.

Hiện nay, măng chua không đảm bảo chất lượng trên thị trường rất nhiều, đặc biệt là tại các chợ. Đối với một số món ăn, măng chua là một thành phần không thể thiếu. Do đó, chúng ta thường nhắm mắt mà mua, hoặc có chọn cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm quan sát. Nên cách tốt nhất để có măng chua an toàn, sử dụng cho món ăn hàng ngày là tự làm lấy.

Nguyễn Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/huong-dan-loai-bo-chat-doc-trong-mang-19712/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY