PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết: “Thải chì chỉ là "chiêu trò" câu khách cơ sở làm đẹp hiện nay, không có chuyện chì được hút đen đầy mặt như các spa đang quảng cáo".
Theo chuyên gia da liễu, từ hàng trăm năm trước, người ta cho chì vào mỹ phẩm để làm đẹp gây ra tình trạng ngộ độc ảnh hưởng đến thần kinh, nội tạng nên chì đã bị cấm. Hiện các loại mỹ phẩm chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thường không có chì. Vậy nên những người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm không cần thiết phải chì. Chỉ những trường hợp ngộ độc chì mới cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
"Còn việc xuất hiện màu đen trên mặt khi thực hiện phương pháp thải độc tại các spa cần được hiểu cho đúng bản để tránh bị lừa dối. Bởi lẽ việc sử dụng phương pháp bôi một chất không rõ nguồn gốc lên mặt, kết hợp mồ hôi, mỡ thải ra qua da và khi gặp nhiệt độ tạo phản ứng hóa học dẫn đến xuất hiện màu đen trên mặt là bình thường và đó không phải là chì. Đây chính là các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín sử dụng để câu kéo khách hàng” - PGS.TS Nguyễn Văn Thường nói rõ.
Một bác sĩ da liễu khác cho biết thêm, trên bề mặt da còn có chất nhờn, mồ hôi nên phản ứng hóa học tạo màu là bình thường. Khách hàng sẽ lầm tưởng đây chính là chì được ra khỏi cơ thể nhờ công nghệ làm đẹp này!
Hút chì thải độc cho da được quảng cáo khá rầm rộ, khiến nhiều người tin theo nhưng thực chất chỉ là "chiêu trò" của các cơ sở làm đẹp.
Trước đó, trên mạng xã hội facebook đăng nhiều quảng cáo về phương pháp hút chì thải độc cho da, hút sạch chì trên da, ngay cả những nguyên tố chì có sâu trong da. Da trở nên trắng mịn, hồng hào tự nhiên. Đẩy lùi các vấn đề về da như: sạm nám, mụn hay nếp nhăn. Trẻ hóa da, tăng cường độ đàn hồi cho da, các nếp nhăn giảm một cách rõ rệt...(?).
Tại các spa, thẩm mỹ viện, hút chì thải độc đang là dịch vụ khá hút khách hàng, nên họ đã "thần thánh hóa" việc hút chì thải độc cho da. Các tư vấn viên cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến da bị nhiễm chì. Môi trường, bụi bẩn, công việc, thoái quen sinh hoạt là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Chất độc sẽ tích tụ dần trên da và lâu ngày sẽ gây ra các vấn đề về da...
Hậu quả của da nhiễm chì lâu ngày là: Da trở nên sạm màu, xỉn màu và có nhiều đốm đen xuất hiện; Da bị lão hóa, độ đàn hồi kém dễ bị chảy xệ và nhăn nheo; Mụn mủ, mụn bọc, mụn cám và da sần sùi, khô ráp... Do đó họ khuyến khích khách hàng nên đi spa hút chì thải độc đều đặn 2 lần/tháng để đảm bảo da bạn luôn sạch và khỏe mạnh.!
Tuy nhiên, chuyên gia da liễu khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo và tìm đến bác sĩ chuyên khoa tư vấn trước khi định thực hiện một phương pháp làm đẹp nào để tránh "tiền mất tật mang".
Để có được làn da đẹp, khỏe mạnh, PGS.TS Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, chị em cần chú ý chăm sóc da ngay từ khi còn trẻ (khoảng 26 - 27 tuổi).
Đối với nam giới quá trình lão hoá chậm hơn nên việc chăm sóc da có thể bắt đầu khi 31 - 32 tuổi.
Việc chăm sóc da hàng ngày đơn giản nhất là uống nhiều nước, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngủ đủ giấc và bôi kem chống nắng từ 2 - 3 tiếng/lần, bôi trước khi đi ra ngoài đường 30 phút.
Đặc biệt, vào thời điểm mùa hè cần hạn chế ra ngoài trời nắng, nếu phải ra ngoài nên mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Theo các chuyên gia chống độc, việc nhiễm chì qua da tuy kém hơn so với đường hô hấp và tiêu hóa nhưng vẫn gây ngộ độc, đặc biệt khi tiếp xúc kéo dài. Ôxít chì (thường gặp ở dạng hồng đơn, được dùng trong các Thu*c nam lưu hành bất hợp pháp) hấp thu dề dàng qua da. Tỷ lệ diện tích da cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ em cũng lớn hơn người lớn nên hấp thu chất độc cũng nhiều hơn.
Sau khi được hấp thu, chì vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì vào các tổ chức mềm (nồng độ không ổn định) và vào xương (ổn định hơn). Về lâu dài, chì tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%. Chì tích luỹ ở xương trong suốt cuộc đời, bắt đầu ngay từ khi là bào thai đến tất cả các hình thức tiếp xúc về sau này. Điều này đặc biệt quan trọng khi có thai, cho con bú, người cao tuổi có loãng xương và trẻ em bị bất động do gãy xương hoặc bệnh lý thần kinh. Chì tích luỹ ở răng, đặc biệt ngà răng trẻ em. Đây là nguyên nhân gây ngộ độc kéo dài và việc điều trị tốn thời gian.
Nhiễm độc chì có ảnh hưởng đến thần kinh, nội tạng, các bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày, toàn bộ ruột, theo dõi nồng độ chì trong máu, truyền máu và sử dụng Thu*c điều trị phức tạp khác.
Sau khi có kết quả xét nghiệm về nồng độ chì trong máu, bác sĩ sẽ kết hợp với tình trạng bệnh thực tế của bệnh nhân để đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Nếu nồng độ chì máu tăng, bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc chì rõ thì cần điều trị toàn diện. Nếu nồng độ chì máu thấp dưới 10mcg/dL thì không cần điều trị hay can thiệp gì, chúng vẫn có khả năng tự đào thải qua thận và bài tiết.
Dương Hải