Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến ngày 24-6-2020, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) trên địa bàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ giảm so với cùng kỳ. T

Từ đầu năm đến ngày 24-6-2020, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) trên địa bàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, huyện không chủ quan, vẫn tiếp tục chủ động triển khai chiến dịch phòng, chống SXH, TCM, tiêu chảy.

Cộng tác viên y tế xã Trường Long đổ lu nước có lăng quăng ở nhà dân. Ảnh: Trung tâm Y tế cung cấp

►Số ca bệnh giảm

Theo Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, từ đầu năm đến 24-6-2020, toàn huyện có 22 ca SXH, giảm 39 ca so với cùng kỳ; 13 ca TCM, giảm 27 ca so với cùng kỳ 2019. Số ca rải rác ở các xã, thị trấn. Toàn huyện không có ổ dịch SXH. Bác sĩ Lê Văn Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, cho biết, số ca mắc SXH giảm do nhiều nguyên nhân: theo chu kỳ dịch (hai năm 2018, 2019 tăng thì năm 2020 giảm). Năm 2019, tình hình SXH tăng cao, diễn biến phức tạp, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng y tế đã triển khai nhiều hoạt động ở cộng đồng nên đầu năm nay số ca bệnh giảm dần.

Ngay từ đầu năm, huyện Phong Ðiền đã phát động toàn dân thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch chủ động vào tháng 1-2020. Toàn huyện đã đồng loạt ra quân từ ngày 13 đến hết 15-1-2020 với hai hoạt động chính: tuyên truyền (băng-rôn trên các tuyến đường chính), phát thanh và đi vãng gia tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh môi trường, dụng cụ chứa nước... Thêm vào đó, đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xảy ra, người dân có ý thức phòng bệnh hơn nên họ vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 cũng vừa phòng SXH.

►Triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh

Tuy số ca bệnh SXH và TCM đều giảm nhưng ngành Y tế không chủ quan trong phòng, chống dịch. Bác sĩ Lê Văn Phương cho biết thêm: Năm nay mưa trễ, đến tháng 5 mới có mưa. Mưa xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Nếu có mầm bệnh trong cộng đồng sẽ dễ lây lan. Chưa kể, người dân với thói quen trữ nước mưa sử dụng, nếu không vệ sinh, đậy nắp lu, tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng, muỗi.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH (15-6), Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của huyện triển khai kế hoạch diệt lăng quăng, phòng, chống SXH và phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Thời gian thực hiện từ 15-6 đến hết tháng 9-2020.

Theo đó, các hoạt động cụ thể của chiến dịch gồm: hoạt động tuyên truyền. Với hoạt động này, huyện tổ chức 1 xe treo băng-rôn diễu hành trên các tuyến đường và phát thanh. Tại cộng đồng, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, truyền thông phòng, chống SXH tại các xã, thị trấn. Thời gian thực hiện tại cộng đồng chia làm 2 lần: lần 1 từ 15-6 đến 17-6; lần 2 từ 26-6 đến 28-6-2020. Chiến dịch được triển khai ở tất cả các xã, thị trấn. Trong đó xã Mỹ Khánh, với 7 ca SXH, cao nhất của huyện được chọn là xã trọng điểm triển khai chiến dịch. Xã trọng điểm được hỗ trợ kinh phí đi vãng gia (1.500 đồng/hộ x 2 lần vãng gia). Các xã còn lại thực hiện từ nguồn kinh phí địa phương.

Bác sĩ Lê Văn Phương cho biết: thuận lợi của công tác phòng, chống dịch là nhiều nơi, chính quyền các cấp quan tâm, cử lực lượng tham gia cùng ngành Y tế và cấp kinh phí vãng gia tuyên truyền. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bên chưa đồng bộ, một bộ phận người dân đi làm ăn xa, hoặc đi làm từ sớm đến tối mới về nên khó khăn cho công tác tiếp cận, tuyên truyền.

Trong chiến dịch đợt này, Trung tâm cũng phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực hiện chiến dịch ở các xã, thị trấn. Mỗi đơn vị 1 người giám sát với các nội dung cụ thể: kiểm tra hành chính (kế hoạch, biên bản, danh sách, bảng phân công nhóm vãng gia); kiểm tra thực tế tại 50 hộ gia đình/2 ấp chọn ngẫu nhiên.

Ngoài các hoạt động trên, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm... cho giáo viên. Ðồng thời, tổ chức lớp tập huấn về nước sạch và vệ sinh môi trường cho các ban, ngành, đoàn thể và cộng tác viên y tế tại các xã có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh thấp.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết: Qua kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, lăng quăng có nhiều trong vật phế thải xung quanh nhà và dụng cụ chứa nước. Mùa mưa, người dân nên kiểm tra môi trường xung quanh nhà, dọn dẹp vật phế thải, khơi thông nơi ứ đọng nước; xem dụng cụ chứa nước có lăng quăng không để diệt ngay, tránh phát triển thành muỗi. Con muỗi gây SXH hoạt động mạnh vào 6-7 giờ sáng và chiều tối chạng vạng. Người dân nên diệt muỗi, ngủ mùng để phòng bệnh.

HUỆ HOA

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/khong-chu-quan-voi-sot-xuat-huyet-a122788.html)

Tin cùng nội dung

  • Để phòng ngừa sốt xuất huyết, khuyến cáo của y tế dự phòng là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.
  • Tam thất còn có tên điền tam thất, sâm tam thất. Một số dược liệu mang tên tam thất: Tam thất Nam là thân rễ của cây Stahlianthus thoreli Gagnep, thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
  • Trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
  • Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh báo cáo, mỗi năm có hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu, Ch?t do các bệnh mà muỗi gây ra. Muỗi không chỉ gây khó chịu, mà còn là một trong số những sinh vật nguy hiểm nhất thế giới.
  • Những năm trước đây, bệnh tay-chân-miệng (TCM) chỉ gặp ở các tỉnh phía Nam nước ta, nhưng mấy năm gần đây, bệnh này có xu hướng tiến ra phía Bắc và hiện tại...
  • Trong y học cổ truyền, sốt xuất huyết được xếp vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc sử dụng các kinh nghiệm dân gian.
  • Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đang tăng cao, đặc biệt ở khu vực các tỉnh phía nam. Và nhiều người muốn biết đối với loại bệnh này, có thể dùng đông y, Thu*c nam để phòng ngừa, chữa trị hay không?
  • Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một loại bệnh truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) xảy ra ở những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới
  • Trong Đông y không có bệnh danh bệnh tay-chân-miệng nhưng căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng có thể thấy bệnh phát sinh là do phong thấp nhiệt thời độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng, kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng Phế và Tỳ.
  • Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus (siêu vi) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi loét miệng và nổi hồng ban trên bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus coxsackie.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY