Tâm linh hôm nay

Khuyên người học Phật (P.1)

Hãy thức tỉnh lại chính mình: Tất cả những gì thuộc về Thân, Khẩu, Ý mà chúng ta đã, đang và sẽ làm để rồi điều chỉnh lại sao cho hợp với đạo lý

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!


Phần duyên khởi


Kính thưa quý vị, bà con cùng tất cả các bạn! Ông bà tổ tiên, cha mẹ chúng ta thường dạy: “Gieo gì thì gặt ấy!”, “Cái gì đến rồi cũng sẽ đến”…Và cũng nhờ có được đầy đủ duyên lành nên tôi và gia đình đã gặp được Phật pháp, được thâm nhập vào dòng Kinh tạng và lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ gần hai nghìn sáu trăm năm trước.

Đem những lời dạy trong Kinh áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống để thực nghiệm. Tôi thật sự rất bất ngờ và kỳ diệu thay với những lời Phật dạy! Chưa đầy hai năm mà cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi theo hướng vô cùng tích cực.

Trước kia, khi chưa hiểu được những lời Phật dạy từ cái gọi là Chánh Pháp của Đạo Phật, nên mỗi lần có dịp đến chùa, cũng có lúc tôi cầu mong cái này cái nọ thì lại ít được. Đôi khi còn sanh ra phiền não hơn vì điều mình mong cầu thì lại không đến. Nay hiểu được đạo lý rồi, không còn mong cầu gì nữa cả mà sự may mắn và kỳ vọng từ lâu cũng đã mang lại nhiều niềm vui, an lành và tốt đẹp trong cuộc sống và công việc.


Vì vậy, nay gia đình tôi ước mong được mang hồng đức đã nhận thấy vô cùng to lớn này của Phật pháp đến để chia sẻ với tất cả bà con, bạn bè gần xa và đến với bất kỳ ai muốn tìm hiểu Phật pháp mà chưa có cơ hội tìm đọc nhiều. Với một ước nguyện chân thành không gì hơn là tất cả mọi người ai cũng được may mắn, được tự mình trải nghiệm và sẽ tận hưởng pháp vị thật thậm thâm vi diệu của Phật pháp, để rồi ai ai cũng sẽ phát tâm làm theo lời Phật dạy. Nhất định hiện tại, tương lai quý vị cũng có một cuộc sống thật sự hạnh phúc, an lạc, tự tại và giải thoát.


Tôi tha thiết mong mỏi quý vị, bà con và các bạn hãy cố thử một lần trải rộng tấm lòng mình ra mà đón nhận và tận hưởng pháp vị của Phật pháp thật vi diệu đến thế nào nhé! Và tự mình cũng sẽ cảm nhận được nhiều điều bất ngờ hơn thế nữa! Tôi vô cùng tri ân và cảm niệm đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã Đại từ Đại bi thị hiện ra đời và để lại cho chúng ta một kho báu Pháp bảo vô cùng thậm thâm vi diệu, một nền giáo dục về nhân sinh quan và vũ trụ quan thật tuyệt vời như thế này mà từ lâu tôi chưa một lần được trải nghiệm.


Và bây giờ tôi đã nhận thấy rất rõ câu nói của một vị Hoà thượng vào bậc Cao tăng nổi tiếng hiện nay rằng: “Được học và hành theo Phật pháp là một sự hưởng thụ tối cao nhất trong tất cả mọi sự hưởng thụ trên thế gian…” quả thật là vô cùng chính xác! Trong Kinh điển, đức Phật cũng đã từng dạy chúng ta rằng: “Pháp vị thắng mọi vị, pháp hỷ thắng mọi hỷ”...


Phật là ai? Đạo Phật là gì?

Vậy, Phật là ai? Đạo Phật là gì? Nếu không tìm hiểu những khái niệm này một cách thật thấu đáo thì e rằng sẽ có một số người cho rằng Đạo Phật là quá xa vời mà sanh tâm không muốn tiếp cận. Trước hết, chúng ta cần phải nhận thấy rằng, trước khi thành Phật, đức Phật là một danh nhân có thật trong lịch sử, sinh ra tại Ấn Độ vào năm 624 trước Tây lịch và đã tu hành thành Phật, chứ không phải là một sự hư cấu hay truyền thuyết.

Ngài chính là Thái tử Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Ya, là một người con mà vua cha rất kỳ vọng sau này sẽ nối ngôi. Thuở thiếu thời, Thái tử tỏ ra rất thông minh và tài giỏi hầu như trên mọi lĩnh vực, văn võ song toàn. Nhưng đặc biệt hơn hết là Ngài có một tấm lòng từ bi cao độ. Mỗi lần nhìn thấy chúng sanh bị nạn, Ngài rất thương xót và tìm mọi cách cứu giúp. Một lần nọ, trong dịp tham gia lễ hạ điền (Lễ cày ruộng đầu năm) cùng vua cha, lúc nắng nóng, Thái tử tìm đến bên bóng mát gốc cây ngồi xếp bằng tĩnh lặng như những vị tu sĩ và cảm thấy tâm hồn thật thư thái. Ngài lớn lên trong cung vàng điện ngọc và người hầu kẻ hạ không thiếu gì, chỉ cần đến ngày là lên ngai vàng làm vua.

Nhưng một ngày kia, khi ra ngoài cửa thành dạo chơi cùng với cận vệ, Thái tử gặp phải những cảnh tượng đau khổ của già, bệnh, ch*t đã làm cho Thái tử phải thức tỉnh. Chẳng lẽ ai rồi cũng có một kết cục bi thảm thế này sao? Lần dạo chơi thứ tư, Thái tử gặp một vị tu sĩ đang ngồi an nhiên tĩnh toạ trông rất an lạc. Và thế rồi, một đêm khuya, Thái tử đã quyết định từ bỏ mọi giàu sang phú quý, cung vàng điện ngọc để ra đi xuất gia cầu đạo và quyết tâm đi tìm con đường giải thoát ra khỏi sanh tử. Với sự thông minh nhanh trí của mình, tất cả mọi pháp môn tu hành của các đạo tại Ấn Độ thời đó chẳng bao lâu Ngài đều thực hành đến chỗ thông suốt nhưng chưa có một đạo nào mà có thể giải quyết được nỗi trăn trở của Ngài là thoát sanh liễu tử. Sau đó, Ngài vào rừng tu khổ hạnh sáu năm chỉ còn lại da bọc xương nhưng cũng vẫn không tìm được gì mới hơn.

Cuối cùng, trên Con Đường Trung Đạo, nhớ lại những phút giây tĩnh lặng của nội tâm dưới gốc cây trong lễ hạ điền ngày nọ, Ngài liền đến dưới cội Bồ-Đề phát đại thệ nguyện. Dù cho thân tan thịt nát nếu không thấy Đạo quyết không rời bỏ nơi này. Trải qua 49 ngày đêm thiền định và quán thật tướng các pháp, hàng phục ma quân, cho đến một hôm khi sao mai vừa mọc, Ngài đã viên mãn thành Phật và hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Chứng được Tam minh, Lục thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông: Nghĩa là có thể thấy, nghe và thấu hiểu tất cả những tâm niệm của mọi loài chúng sinh mà không cần phải đi đến chỗ đó; Thần túc thông, Túc mạng thông : Tức là có đầy đủ thần thông tự tại và nhìn thấu suốt tất cả các kiếp về trước của mình. Nhưng cao tột nhất vẫn là Ngài đã chứng được Lậu tận thông, tức là vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi. Lúc đó, Ngài đã thốt lên rằng: “Lạ thay, tất cả mọi chúng sanh đều có Đức tướng, Trí tuệ Như Lai nhưng vì vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc”. Với lời thỉnh cầu của Chư Thiên, Ngài đã chuyển pháp luân và thế là đạo Phật đã ra đời từ đó. Ngài chỉ dạy cho chúng sanh con đường tu hành để khôi phục lại tự tánh, Phật tánh vốn có của mình và cũng sẽ thành Phật. Trải qua 49 năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng Đức Phật đã nhập Niết-bàn ở tuổi 80 và đã để lại cho thế gian, nhân loại một kho báu Pháp Bảo vô cùng thậm thâm vi diệu.


Vậy Phật là gì? Cho đến nay có rất nhiều cách hiểu về Phật như: Phật là Giác ngộ, là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật là Từ Bi Hỷ Xả, là bậc có Đại Trí Tuệ thấu biết tất cả sự vật hiện tượng theo đúng lẽ thật của nó. Là bậc đã giải thoát hoàn toàn ra khỏi sanh tử. Là Thầy của trời người. Là Cha lành của ba cõi, bốn loài.

Tuy nhiên, với những người mới học Phật, trước tiên chúng ta chỉ cần nghĩ đến một ý nghĩa tuy thật đơn giản, dễ hiểu nhưng lại rất thiết thực. Đó là: Phật có nghĩa là Tỉnh Thức, Đạo Phật là Đạo Tỉnh thức và Phật có nghĩa là Người Tỉnh Thức. Tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là Budh, Người Tỉnh Thức là Buddha. Cách nói này, cùng cách xưng hô này của mọi người thời bấy giờ cũng đã được Đức Phật hoan hỷ chấp nhận ngay từ ngày đầu tiên sau khi thành Đạo.


Vậy tỉnh thức là gì? Đó chính là sự thức tỉnh lại toàn bộ thân tâm mình và từ đó tu sửa lại sao cho hợp với đạo lý rồi giác ngộ giải thoát. Trước đây ta làm việc gì (Thân), nói việc gì (Khẩu) và nghĩ việc gì (Ý) thì hầu hết đều làm theo quán tính, cảm tính và tập khí. Vô tình những hành động, lời nói hay ý nghĩ của ta đã để lại cho chính mình, mọi người và cả pháp giới chúng sanh những nỗi buồn và khổ đau khôn lường.

Chúng ta sẽ học được những gì cơ bản nhất từ đạo Phật?


Vậy, đến với Đạo Phật, trước tiên chúng ta cần phải học những gì? Đó trước hết chính là mỗi chúng ta phải học cách sống tỉnh thức của đức Phật. Thức tỉnh lại chính thân tâm mình để tỉa nhánh, rồi dần mé cành và cuối cùng đi đến đốn đổ tận gốc rễ ba cây: Si (Si mê), Tham (Tham lam) và Sân (Sân hận) vốn dĩ đã ăn sâu, bén rễ trong chúng ta đã từ lâu lắm rồi.

Hãy thức tỉnh lại chính mình: Tất cả những gì thuộc về Thân, Khẩu, Ý mà chúng ta đã, đang và sẽ làm để rồi điều chỉnh lại sao cho hợp với đạo lý. Như từ ý nghĩ ác thành ý nghĩ lành; Từ lời nói ác thành lời nói lành; Từ việc làm ác thành việc làm lành và vượt lên trên cả hai thái cực ấy. Đó chính là ý nghĩa của hai chữ Tu Hành mà Đức Phật muốn dạy chúng ta từ gần 2.600 năm trước:


“Từ bỏ các việc ác,

Vâng làm các việc lành.

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy.”


Tu theo Phật là những gì Phật dạy nên làm chúng ta cố gắng làm theo, những gì Phật dạy không nên làm thì nhất định chúng ta không được làm. Nghiệp nào ác, bất thiện thì chúng ta cần phải từ bỏ ngay, nghiệp nào thiện thì chúng ta nên duy trì. Và cũng đừng nên chê việc thiện nhỏ mà không làm và khinh việc ác nhỏ lại làm.

Phật dạy: “Như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn”. Phải luôn luôn Thức Tỉnh lại mình từ thân, khẩu, ý. Đoạn bỏ tham, sân, si. Đạo Phật coi trọng Ý hơn vì ý là gốc, hành động chỉ là cái ngọn. Nếu ý nghĩ sai mới dẫn đến lời nói sai hay hành động sai. Diệt ý ác tức là đã diệt tận gốc của mọi điều ác. Trong Kinh Pháp Cú (HT.Thích Minh Châu dịch), đức Phật dạy:


“Ý dẫn đầu các pháp.

Ý làm chủ, ý tạo.

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động.

An lạc bước theo sau,

Như bóng không rời hình”.


Và cũng như thế, nhưng: “Nếu với ý nhiễm ô, nói lên hay hành động” thì : “Khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo”…

Còn nữa...
Tác giả Quảng Huy
Trích trong cuốn Khuyên người học Phật


Quảng Huy

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/khuyen-nguoi-hoc-phat-p1-d13131.html)
Từ khóa: Học Phật

Chủ đề liên quan:

Học Phật

Tin cùng nội dung

  • Con người phải biết làm Chủ vận mệnh mình, phải biết dùng Trí tuệ để sửa đổi nghiệp lực của mình, và dùng Từ Bi để biết thương mình lẫn thương người - để biến cảnh trần gian đói rách, giết hại lẫn nhau này thành cõi Tịnh độ đầy an lạc và yêu thương
  • Học Phật là để biết ta là người làm chủ vận mệnh mình; biết luật nhân quả bao trùm mọi sinh hoạt của nhân sinh trong vũ trụ; biết ta có trí tuệ để chọn đi con đường sáng; biết từ bi để yêu thương ta cũng như yêu thương mọi người.
  • Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” là những lời bảo đảm có giá trị nhất đối với tất cả chúng ta. Bạn không cần phải nghi ngờ gì nữa mà hãy phát tâm tinh tấn để tu hành.
  • Có rất nhiều cách bố thí khác nhau: Một nụ cười tươi, một lời nói chân thật, dịu dàng, từ ái làm cho mọi người vui vẻ và hoan hỷ cũng là hạnh bố thí. Bố thí niềm vui và an lạc cho mọi người.
  • Biết được hai nghiệp thiện ác thì việc tu hành để chuyển nghiệp ác, nghiệp bất thiện chúng ta đã trót tạo, thành nghiệp thiện và đi đến sạch nghiệp không phải quá khó.
  • Chúng tôi muốn bày tỏ lời chúc mừng nồng nhiệt tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc thông qua nghị quyết để kỷ niệm thường niên, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là đại lễ kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca: ngày Phật Đản sanh, ngày Phật Thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn.
  • Mỗi khi người bạn đến chơi, tôi thường hay dẫn lời kinh Phật để nói về đời và đạo. Thấy vậy, người bạn xía ngang bảo: Đạo Phật yếm thế, yếm ly tìm hiểu làm chi cho mệt. Thấy bạn còn xa lạ với đạo Phật, tôi đem lời của Tổ thầy ra nói: Học Phật là thụ hưởng lợi ích tối thượng của đời người, bởi Phật dạy: Thân người khó được, Phật pháp khó gặp!
  • Sinh mệnh tuần hoàn, ai rồi cũng qua thời trai trẻ tới thời lão niên. Để đối diện với thời gian, tuổi già, hãy học Phật những phương pháp sống vui, sống khỏe, quên đi tuổi tác mà chỉ nghĩ tới sự đáng giá của sinh mạng.
  • (MangYTe) Sống chung với mẹ chồng có lẽ là đề tài sôi nổi không bao giờ có hồi kết của các chị em phụ nữ. Người khen có, người chê có, người than vãn, người trách móc. Không bàn ai đúng ai sai, xin mượn đôi lời Phật dạy để có thêm hướng nhìn về vấn đề này.
  • Tín Phật nhưng chưa học Phật là thói quen của rất nhiều người Việt. Đi chùa lễ bái, cầu cúng xin điều này điều kia không phải là bản chất của việc lễ Phật.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY