Giá trị lớn nhất của ảnh báo chí, chính là sự phản ánh lại một cách chân thực nhất, sống động nhất hiện thực cuộc sống, cho thấy cả một bối cảnh xã hội, một thời kỳ xã hội với những vấn đề nổi cộm phía sau đó. Bức ảnh mang tựa đề “Cô bé nhà máy sợi” (Cotton Mill Girl) của nhiếp ảnh gia Lewis Wickes Hine là một trong những bức ảnh báo chí như thế. Có lẽ một trong những lý do chính khiến “Cô bé nhà máy sợi” được đánh giá là một trong những bức ảnh mang tầm ảnh hưởng thời đại là việc bức ảnh đã gợi cho nhân loại về một vấn nạn nhức nhối dư luận xã hội những năm đầu thế kỷ 20: Vấn nạn bóc lột sức lao động trẻ em.
Bức hình được Lewis Wickes Hine chụp trong một nhà máy sợi ở Winchendon, bang Massachusetts, Mỹ trong thập niên 1910. “Cô bé nhà máy sợi” là một cô bé chỉ độ 8-10 tuổi, trên người em là bộ đồng phục của một cô công nhân dệt may. Ấn tượng ám ảnh nhất mà bức ảnh của Lewis Wickes Hine đem đến là dáng vẻ non nớt và chiều cao khiêm tốn của “cô công nhân” so với dàn máy khổng lồ.
Bức ảnh càng trở nên ám ảnh khi Lewis Wickes Hine sau đó kể lại về câu chuyện hậu trường bức ảnh. Lewis Wickes Hine không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông là một thầy giáo. Là một người thầy, nỗi niềm đau đáu của ông là những đứa trẻ, là niềm vui, là hạnh phúc, là nụ cười trên gương mặt các em. Nhưng theo cảm nhận của ông, với các học trò của mình cũng như những đứa trẻ nước Mỹ thời ấy, những thứ ấy dường như dần trở nên quá đỗi xa xỉ. Trong chúng, thế vào đó là những lo toan, là những nét già dặn trước tuổi. Nhiệm vụ lớn nhất của chúng không phải là đến trường, là đi học mà là làm việc, trong bốn bức tường của nhà xưởng chật hẹp bụi bặm, làm thế nào để kiếm được tiền, mang cái ăn về cho gia đình.
Đau đáu trước thực tế lớp học của mình ngày càng vắng bóng học sinh, đau xót khi chứng kiến những đứa học trò buộc phải trở thành công nhân một cách bất đắc dĩ, người thầy giáo Lewis Wickes Hine đã quyết tìm mọi cách tìm ra chân tướng sự việc, góp một tiếng nói vào liệc lật tẩy một trong những vấn nạn nhức nhối thời bấy giờ. Tất nhiên, Lewis Wickes Hine đã phải thực thi mong muốn của mình không hề dễ dàng. Bởi ý thức được việc sử dụng lao động của mình là phi pháp, các chủ xưởng không bao giờ cho phép các đối tượng lạ mặt hiện diện trong nhà máy, nhất lại là giương ống kính chụp ảnh. Để có được những bức ảnh đáng giá sau này, Lewis Wickes Hine đã phải nhiều ngày, nhiều lần mục kích, kiên trì, tìm mọi cách như giấu máy ảnh trong áo, đóng giả làm thợ kiểm tra các bình cứu hỏa, đột nhập vào các nhà máy. Và nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã thành công.
Theo “điều tra” của Lewis Wickes Hine, bọn trẻ thường phải làm việc trong môi trường lao động không an toàn, liên tục trong nhiều giờ nhưng chỉ được trả tiền công rẻ mạt, ăn uống kham khổ. Nếu làm việc không chăm chỉ, không đạt sản lượng đã được giao, các em sẽ ngay lập tức nhận được cơn mưa mắng nhiếc, sỉ vả, thậm chí là đòn roi, là quyết định đuổi việc từ chủ xưởng. Tồi tệ hơn nữa là có những gia đình, cả nhà cùng chúm đầu trong một xưởng dệt, con cái theo bố mẹ, em dù còn nhỏ xíu cũng đã theo phụ anh/chị lớn hơn mình chỉ vài ba tuổi.
Để tránh sự soi mói của nhà chức trách, các ông chủ nhà máy đã giấu tiệt tuổi thật của các em. Nhiều em trong số đó còn nhỏ hơn cái tuổi lên tám, lên 10 mà các ông chủ đã khai. Nên nhớ, luật pháp Mỹ lúc đó chỉ cho phép trẻ em từ 12 tuổi được làm việc trong các công xưởng. Ngoài chuyện lạm dụng trẻ em, thời điểm đó, còn chưa có một điều tra rõ ràng về an toàn lao động, độ độc hại trong công việc các em làm…
Ăn uống kham khổ, không đảm bảo dinh dưỡng, không được vui chơi, không được chăm lo về mặt tinh thần, không được giáo dục, học hành, không tuổi thơ, không tiếng cười… Trước mắt các em là cả con đường hầm tăm tối, không tương lai, không hy vọng, không mơ ước… Cuộc đời các em chắc sẽ chẳng khác cuộc đời của cha mẹ các em - những công nhân lao động - nghèo khó, vất vả…
Một điều may mắn duy nhất là về sau này, những bức ảnh mà thầy giáo Hine chụp được đã được dùng làm bằng chứng giúp Ủy ban quốc gia về vấn đề lao động trẻ em Mỹ siết chặt việc thực thi luật lao động cũng như các điều kiện trong việc sử dụng lao động tại các nhà máy, công xưởng tại Mỹ.
Giá trị hơn hết, bức ảnh “Cô bé nhà máy sợi” cũng như hàng loạt bức ảnh xung quanh đề tài trẻ em lao động của Lewis Wickes Hine đã mang lại là việc giúp gióng lên hồi chuông báo động cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, về một vấn nạn cần phải được giải quyết: Nạn lạm dụng lao động trẻ em những năm đầu thế kỷ 20. Những đứa trẻ thấp cổ bé họng, non nớt, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời, chăm chỉ làm việc mà đồng lương nhận được thì quá ít ỏi, là nỗi thích thú vô cùng tận của các ông chủ.
Loạt ảnh, theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về lao động trẻ em Mỹ thời bấy giờ, đã góp phần tích cực vào quá trình cải cách luật lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc tại Mỹ. Năm 1916, nghị viện Mỹ thông qua bộ luật lao động mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi lao động quá sức. Trong đó những người chủ xưởng không được phép thuê các lao động trẻ em dưới 14 tuổi. Năm 1938, độ tuổi này được tăng lên 16 và người thuê mướn lao động không được giao những công việc nguy hiểm hoặc quá nặng nhọc cho trẻ vị thành niên từ 16-18 tuổi.
Lúc sinh thời, thầy giáo - nhiếp ảnh gia Lewis Wickes Hine từng chia sẻ: “Nếu tôi kể được câu chuyện của mình bằng lời nói, tôi đã chẳng phải đụng đến cái máy ảnh”. Thực sự, ông đã kể lại được câu chuyện của mình, ghi lại được hiện thực sống động của một thời, mang lại những thông điệp nhân văn vô giá, bằng chiếc máy ảnh của mình.