Tâm sự hôm nay

Lao xao sóng nước...

Đón nhận đắng cay, thất bát năm nọ chồng lên năm kia trở thành phép thử để những ngư dân tập rèn nghị lực, sáng tạo trên nhọc nhằn. Sống ở các làng chài ai cũng như có một mẫu số chung dù không thấu rõ biển bắt đầu từ đâu, mênh mông cỡ nào nhưng chẳng ai phân biệt quê hương, bản quán mà cùng sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh, xây dựng đời sống yên ấm hơn.

Hy vọng mới

Sau những thiệt hại nặng nề trước bất thường của thiên nhiên, những ngày cuối cùng của năm 2020, làng bè Nha Phu (trên đầm Nha Phu, Nha Trang, Khánh Hòa) lại tấp nập trở lại. Lão ngư Lê Tâm với đôi chân trần bủng nước sau một ngày ngụp lặn thở ra nhẹ nhõm cùng với vẻ mặt hân hoan. Ông bảo: Làng bè Nha Phu này có đến hàng trăm hộ dân sinh sống. Trước đây vài hộ lèo tèo, sau đó thì những thợ lặn, những ngư dân từ Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk... đổ về, quần tụ về đây. Chẳng mấy chốc thành làng. Chẳng khác gì các xóm, làng trên đất liền. Làng trên sóng nước cũng có số phận, có dấu ấn, có những biểu đạt và thổ lộ của riêng mình. Năm 2020, hàng trăm lồng bè gần như mất trắng bởi những trận mưa như trút nước. Nhưng rồi ai cũng tất bật bắt tay gây dựng lại.

Trong mỗi gia đình ở các xóm bè đều có khát vọng đời sống tốt hơn.

Trong mỗi gia đình ở các xóm bè đều có khát vọng đời sống tốt hơn.

Chèo chống, lăn lội qua nhiều lần bão tố, bà Đào Long đúc rút: Mình vừa làm du lịch vừa nuôi cá bè, nghề này nhiều khi như “đánh cược” với thời tiết, có năm yên bình thì thu lời lớn, có năm bất thường thì điêu đứng. Chán nản thì càng thêm bết bát, chỉ có vực dậy chinh phục thiên nhiên thôi. Ở các làng bè, chúng tôi vẫn quy ước với nhau, nếu là chuyện mừng vui, gọi nhau đến nhậu hay họp bàn chuyện gì thì treo con chim én giả bện bằng vải lên chiếc cọc cao nhất quanh căn nhà gỗ. Ai thấy tín hiệu đều tấp vào ngay, không cần do dự. Các làng bè dập dềnh trên sóng nước này đều có chung “mẹ biển”. Cứ nghĩ mình là người cùng một nhà hết. Cuối năm Canh Tý, nhà nào thắng lợi thì treo chim én liên tục để mời anh em trong xóm đến quây quần chung vui. Nhà nào thất bát thì các bè bên cạnh lại mang cá, tôm đến cho.

Hy vọng mới như được thắp lên khi hơn 50.000 lồng bè kéo dài từ Nha Phu, Cam Ranh, Vạn Ninh (Khánh Hòa) đến các làng bè ở Sông Cầu (Phú Yên) đều khẩn trương gia cố, dựng bè, mua thêm hàng triệu con giống. Ngư dân Lê Văn Tùng khét tiếng trong nghề nuôi tôm ở Sông Cầu (Phú Yên) phấn chấn: Mê nghề rồi thì không bỏ được, xa làng bè vài ngày là nhớ. Cuối năm 2020 có nhà thất bát tiền tỷ bởi thời tiết cực đoan nhưng nhà giàu tương trợ nhà nghèo nên không ai lâm cảnh bi đát cả, từ đầu tháng 12/2020, đã có hơn 2.000 lồng bè được gia cố lại. Năm 2021 tôm, cá lại sẽ đầy ắp trên những chuyến xe chuyên chở đi mọi miền đất nước, đời sống rồi lại sung túc lên.

Hàng trăm nhà bè ở Sông Cầu như vừa hồi sinh từ sự ấm cúng của xóm giềng và bình yên trở lại của đất trời. Lão ngư Lê Trình (Xuân Hải, Sông Cầu) chia sẻ: Cũng may có các anh em trong làng bè. Nhà nọ gặp hoạn nạn nhà kia đến giúp. Cuối năm Canh Tý, tôi còn được hỗ trợ từ chính quyền và đồng nghiệp hơn 2.000 con tôm hùm đang trưởng thành rất tốt, xuân mới nhựa sống lại tràn về xua tan đi không khí ảm đạm của những ngày giông gió.

Sống giữa những đồng tôm, bè cá rộng lớn, từ làng bè này sang xóm bè khác ngư dân nhắn nhủ nhau làm quen và hiểu dần “lịch trình” của mưa nắng. Ngư dân Nguyễn Văn Tam ở Cam Ranh (Khánh Hòa) bộc bạch: Vịnh Cam Ranh như là cái vựa thủy hải sản khổng lồ phục vụ cho cả xuất khẩu. Đời nọ truyền đời kia làm nghề nên cách “bắt mạch” thời tiết rất ấn tượng. Ngoài theo dõi sát sao dự báo trên các phương tiện nghe nhìn thì ngư dân còn vận dụng thêm kinh nghiệm được hun đúc từ chính những năm tháng ăn trên sóng, ngủ dưới sương trời. Đôi khi, nhìn nắng, hứng luồng gió cũng có thể nhận biết ra, cảm nhận được sự yên bình hay cuồng phong đang ùa tới.

Nhờ cá bè, nhiều gia đình xây được nhà lầu.

Nhờ cá bè, nhiều gia đình xây được nhà lầu.

Không phiêu dạt

Bỏ lại phía sau những hoài nghi, những tự ti về việc mình là cư dân nhà bè, Nguyễn Thị Hải, Lê Thy ở các làng chài của Cam Ranh quyết vươn lên học giỏi và trở thành cô giáo đoan trang, nhiệt huyết ngày ngày truyền chữ cho những thế hệ con em ngư dân. Họ tâm niệm rằng: Thời gian và cuộc sống chủ yếu trên sóng nước. Nhìn thì nghĩ là phiêu dạt nhưng thật sự không phải thế. Có những sợi dây kết nối rất riêng. Trong mỗi căn nhà ấy ẩn chứa những giấc mơ, những khát vọng cống hiến. Trẻ con lớn lên sẽ được gửi vào đất liền đi học lên các cấp cao hơn, cuối tuần lại về phụ gia đình nuôi tôm cá. Giữa trùng khơi vẫn là những trang vở tràn đầy kiến thức, những cái ngước nhìn về phía ngày mai ngập tràn sự tươi sáng như nắng mai ấm áp.

Cũng như các làng bè khác, các làng bè trong Vịnh Vân Phong (Vạn Ninh, Khánh Hòa) gánh chịu nhiều thiệt hại cuối năm 2020 nhưng không khí mới đã rộn ràng trở lại. Anh Lê Văn Cường lững thững với bàn chân khập khiễng thổ lộ: Tôi bị ngã bè vì sóng mạnh ít hôm trước nhưng vẫn phải thi đua sản xuất. Giờ nuôi theo các mô hình an toàn, tăng năng suất nên hy vọng đời sống hàng ngàn ngư dân sẽ khấm khá. Nhiều gia đình đã mua nhà cửa trên đất liền. Hàng chục gia đình đã có con cái học hành đỗ đạt. Chỉ có tri thức và lòng cần cù, đùm bọc mới giúp con người mở ra tương lai cho chính mình, cho mọi người. Hàng trăm lao động trên đất liền thiếu việc, khó khăn đều được các làng cá bè đón nhận, đưa ra làng bè chăm cá, cho cá ăn, có nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Những lao động bám trụ lâu năm lại chuyển lên đất liền để ổn định cuộc sống và nghề nghiệp mới. Cuộc xoay vần kiến thiết cuộc sống cho nhau như một lẽ sống giản đơn của những ngôi làng trên sóng nước này.

Vượt qua bao chông gai, anh Nguyễn Văn Bình trở thành đại gia ở làng cá bè trên Vịnh Vân Phong bảo rằng: Cứ kiên trì chinh phục gian khó thì thiên tai cũng không hạ gục được mình. Vừa làm vừa sáng tạo nên các kiểu bè có thể thích ứng với biến đổi thời tiết, chuyển đổi cách nuôi phù hợp để hạn chế thất bát. Thay đổi thời gian nuôi, linh hoạt để phù hợp thời điểm thu hoạch. Đó là những yếu tố hạn chế rủi ro.

Năm tháng trôi đi có thể mài mòn nhiều thứ nhưng ký ức của những cư dân ở các làng bè về “mẹ biển” luôn khắc sâu. Những khoảnh biển từng mướt mồ hôi đóng cọc thăm dò, xước rách bàn tay để dựng ván làm nhà trở thành một phần máu thịt của họ. Biển không chỉ là nước, là dòng chảy tự nhiên của hải lưu mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm, trắc trở của những phận người bé nhỏ mà tình sâu. Nhiều người chuyển hẳn lên đất liền định cư, làm nghề khác nhưng những làng bè trên sóng nước chính là nơi để họ thương, họ nhớ như nhớ về nơi thân thiết của chính mình vậy.

Mua được 2 căn nhà ngay thị xã Sông Cầu (Phú Yên), ngư dân Phùng Tuấn Tài quả quyết: Tất cả đều nhờ biển. Nhà nhiều lao động nên phân công nhau, người thì chăm tôm, cá trong các bè, trai tráng, lao động chính thì chèo thuyền thúng đi đánh bắt hải sản tự nhiên. Cứ thế mà tích cóp dần từ những làng chài, làng bè, ngư dân chuyển dần lên các khu phố. Dẫu vậy, lâu lâu lại phải ra ở làng bè ít ngày. Có người thành chủ vựa cá ở đô thị, thuê lại bạn quản lồng bè nhưng nhớ quá lâu lâu vẫn ra sống cùng sóng nước. Mỗi người đều chứa đựng các dự định xây dựng cho đời sống tốt đẹp, chan hòa hơn.

Một mùa xuân nữa lại về trong tiếng lao xao sóng nước. Bao mất mát, thiệt thòi ngày cũ hy vọng bay theo những lời ước vọng về những mùa bội thu để có những đoàn thuyền chuyên chở đầy tôm cá sạch, an toàn rẽ sóng vào đất liền. “Mẹ biển” sẽ mãi hào phóng, ân huệ. Rồi đây, những đoàn xe lại cấp tập nối đuôi nhau chở những sản vật tươi ngon từ biển, từ mảnh đất Nam Miền Trung tỏa đi khắp miền, vươn ra thế giới thông qua xuất khẩu.

Bài và ảnh: Hà Văn Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/lao-xao-song-nuoc-n184978.html)
Từ khóa:

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY