Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đêm 30/7 Bộ Y tế đã quyết định thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này.
Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - người lần thứ hai tới Đà Nẵng kể từ khi phát hiện ra ca dương tính đầu tiên tại địa phương này hồi cuối tuần trước.
Đội thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế bao gồm 65 người là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ.... từ các đơn vị của Bộ Y tế như Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Tim Hà Nội, và các trường Đại học như Đại học Y Dược Huế, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.
Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng bao gồm 4 đội hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật bao gồm: Đội Điều tra giám sát dịch gồm 10 thành viên do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đội trưởng.
Đội Điều trị gồm 30 người do Th.s Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản ký Khám chữa bệnh làm đội trưởng cùng thành viên là những bác sĩ giỏi của các Bệnh viện Bạch Mai, Chợ rẫy, BV Tim Hà Nội.
Đội Xét nghiệm gồm 13 người do PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đội trưởng.
Đội Truyền thông bao gồm 7 thành viên do ông Ngô Anh Văn, Trưởng Ban Xã hội - Bạn đọc Báo Sức khoẻ và đời sống làm đội trưởng.
Đây là lực lượng phòng, chống dịch tinh nhuệ của Bộ Y tế đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận; nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2 và điều trị thành công các ca bệnh Covid-19 nặng trong thời vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Trong hai ngày 29 và 30/7, Bộ Y tế đã tập huấn cách lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 cho gần 400 cán bộ, giáo viên và sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, tập huấn cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 cho 400 học viên của Trường Quân sự Quân khu 5.
Bộ Y tế cũng huy động 5 giảng viên và 150 sinh viên của trường Đại học Y Dược Huế vào Đà Nẵng. Toàn bộ lực lượng này sẽ hỗ trợ giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và một số hoạt động phòng, chống dịch khác.
Trong một diễn biến khác, nhiều địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng chống COVID-19, như dừng các hoạt động đông người, tạm dừng dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar...
Chiều 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, bàn về một số giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. |
Theo báo cáo Sở Y tế TP Hải Phòng, số ca nghi nhiễm trên địa bàn thành phố tính đến 17h00 ngày 29/7/2020 có 449 ca, đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện toàn thành phố có 608 người đang cách ly tập trung; 3.219 người đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Tổng số người đi từ Đà Nẵng về Hải Phòng trong khoảng thời gian từ 8/7 đến nay là 2.291 người (đang tiếp tục thống kê; dự kiến con số khoảng 5.000 người).
Bà Phạm Thị Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết hiện tại thành phố còn 2 triệu khẩu trang y tế, hơn 700.000 khẩu trang vải phục vụ phòng chống dịch. Theo bà Xanh, hiện Hải Phòng đang có 1 máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, căn cứ tình hình thực thế, ngành y tế sẽ thực hiện các thủ tục để mua thêm 1 máy xét nghiệm nữa phục vụ phòng chống dịch.
Tại cuộc họp Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị lãnh đạo chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, yêu cầu các đồng chí chí bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, các ngành địa phương chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu đầu tư trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất sát trùng; từ ngày 1/8, thực hiện đeo khẩu trang, không tụ tập quá 30 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; người dân không đến vùng dịch. Các cấp, ngành, đơn vị không tổ chức đi thăm quan, du lịch, tạm dừng các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập trung đông người chưa thực sự cần thiết.
Ngày 30/7, Trường ĐH Kinh tế TP HCM vừa thông báo cho sinh viên các bậc, hệ đào tạo của trường nghỉ học và thi kết thúc học phần để phòng chống dịch COVID-19.
Trường ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh cho sinh viên nghỉ học. |
Theo đó, trường thông báo đến người học của các hệ/bậc và giảng viên toàn trường được nghỉ học từ ngày 3/8 đến hết 9/8.
Sau thời gian nghỉ học, người học và giảng viên thực hiện việc giảng dạy và học tập theo đúng thời khóa biểu như đã thông báo. Các buổi học trong thời gian nghỉ, giảng viên giảng bù bằng hình thức online hay tập trung phải có sự đồng thuận giữa giảng viên và người học.
Đối với việc thi kết thúc học phần, các trường hợp người học từ Đà Nẵng đến TP HCM từ ngày 18/7 phải tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày.
Trong thời gian này, người học có lịch thi kết thúc học phần được làm đơn vắng thi có phép theo hướng dẫn của trường.
Hoài Thu - Hoàng Hưng- Nam Phong