Nhiều năm nay có một ấp nhỏ ở Đồng Tháp hầu hết phụ nữ khi có bầu đều sinh đôi. Thậm chí có những người muốn được sinh đôi đã đến ấp này xin ở nhờ
Sinh 2 lần được 4 đứa con
Ấp được hưởng “đặc ân” này ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang). Bà Trần Thị Lan, người đầu tiên trong ấp sinh đôi cho biết: “Không nhớ rõ ràng nữa nhưng lâu lắm rồi. Phải đến hơn nửa thế kỷ. Ngày đó tôi mang bầu 9 tháng rưỡi mới hạ sinh. Ngày sinh phải đưa đi bệnh xá mổ một lúc ra hai đứa trẻ luôn. Đứa nào cũng bụ bẫm và rất khỏe mạnh. Hàng xóm thấy hiếu kỳ nên đến vây kín cả ngôi nhà để thăm hỏi và xem mặt hai đứa bé”.
Sau ca sinh đôi của bà Lan, nhiều cặp vợ chồng khác ở ấp Phước Khánh cứ có bầu là sinh đôi. Chị Nguyễn Thị Chúc vui mừng cho biết: “Tôi chỉ sinh có hai lần mà được tới 4 đứa con. Vui hơn nữa là một lần sinh hai trai, một lần sinh hai gái nên đều có nếp có tẻ cả. Ấp nhỏ này có trên 100 hộ dân nhưng có tới hơn 50 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều sinh đôi cả”.
Khi mới chỉ có một vài cặp sinh đôi mọi người cũng coi là chuyện bình thường. Thế nhưng khi gần như cả ấp đều sinh đôi thì mọi người đều bất ngờ. Có người còn đi mời cả thầy bói về xem thổ nhưỡng xem có điềm gì chẳng lành hay không. Ông Trần Văn Toàn một trong những người già nhất ấp cho biết: “Khi thấy mấy cặp vợ chồng con cháu của tôi đều sinh đôi cả. Những đứa trẻ sinh đôi lại to mập một cách khác thường nên tôi cũng hơi lo. Chính vì thế mà đi mời thầy cúng thổ địa.
Nhưng sau đó vài tháng khi mang các cháu đi khám ở bệnh viện bác sỹ bảo phát triển rất tốt và bình thường nên mới hết lo ngại”. Bà Lụa, người có con gái có hai lần hạ sinh đều là hai cặp con trai thì cho hay: Trước kia cái thời chúng tôi lập gia đình có bói cũng không ra một cặp sinh đôi trong cả cái xã này ấy chứ đừng nói trong ấp này. Hiện tượng sinh đôi chỉ bắt đầu nhiều lên khoảng từ năm 1990 đến nay thôi. Cứ trung bình mỗi năm có 5 đến 7 cặp sinh đôi.
Bí ẩn từ nguồn nước giếng?
Trước kia vào những năm 1980 khi chưa có hiện tượng sinh đôi, đa số người dân ấp Phước Khánh chủ yếu đều dùng nước múc từ sông suối, ao hồ để sử dụng. Thế nhưng từ năm 1990 trở lại đây người ta bắt đầu sử dụng hoàn toàn nước sinh hoạt từ những chiếc giếng tự đào. Mọi điều kỳ diệu cũng bắt đầu từ đó.
Bà Lan cho rằng: “Trong xã này chỉ duy nhất có mình ấp này là nước giếng không hề có vị mặn hay lợ như nơi khác. Giếng chỉ cần đào sâu xuống chừng 5m là có nguồn nước trong vắt và tuôn chảy quanh năm. Đặc biệt hơn nữa, nhiều người dân ở đây chỉ thích để nguyên nước lạnh vừa múc từ giếng lên uống và như thế sẽ có cảm giác mát và ngọt hơn. Bao nhiêu năm vẫn thế, chẳng xảy ra ngộ độc hay nguy hại sức khỏe gì cả. Đặc biệt nước vào những ngày trời lạnh thì lại nóng ấm lên một cách khác thường”.
Ông Nguyễn Huy Tường nhớ như in ngày đứa con ông chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về và ngay lập tức hai năm sau sinh được hai đứa con trai bụ bẫm để nối dõi tông đường. Ông Tường bảo: “Dòng họ nhà tôi vốn hiếm con trai nên được mỗi một thằng duy nhất. Nó lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp từ năm 18 tuổi. Nhưng khi cưới vợ xong trông mong mòn mỏi mà vẫn không thấy vợ chồng nó sinh con. Gần 10 năm sau ngày cưới vẫn vậy. Lo quá tôi bắt chúng nó về quê làm việc. Lạ thay, về quê uống nước giếng và ăn rau trong vườn tự trồng nửa năm sau thì con dâu tôi mang bầu. Vui hơn nữa là ngày sinh nó sinh một lúc hai đứa con trai”.
Cũng theo ông Tường hầu hết những ca sinh đôi ở đây khi mang bầu người phụ nữ thường trải qua 9 tháng rưỡi đến 10 tháng mới hạ sinh. Bà Lan đoán định rằng: “Có thể do cùng lúc cơ thể người phụ nữ phải nuôi hai bào thai cùng một lúc nên thời gian mang thai cũng lâu hơn bình thường. Đây cũng là điều có thể hiểu được, không có gì là lạ lẫm lắm. Uống nước giếng của ấp mình riết rồi thành quen nên khi đi xa hay đến nơi khác nhiều người dân ở đây vẫn mang theo vài lít nước giếng theo.
Bà Hảo, một thương lái ở huyện An Phú cho biết: “Tôi quê ở ấp này nhưng điều kiện buôn bán có khi đi mấy ngày mới về, uống nước ở nơi khác cứ thấy nó nhạt nhẽo thế nào ấy nên mỗi lần đi buôn chuyến dài ngày tôi đều mang theo mấy lít nước giếng ở quê đi theo để uống. Uống nước nơi khác không chịu được. Ngay cả nước tinh khiết đóng chai đôi khi cũng không thích bằng nước giếng này”.
Những nhầm lẫn vì quá giống nhau
Từ những cặp sinh đôi của ấp, cũng có nhiều chuyện dở khóc, dở cười vì nhầm lẫn do anh chị em sinh đôi quá giống nhau. Chẳng hạn như chuyện của chị Trần Thị Thanh. Qua thư từ, chị Thanh ở Cần Thơ yêu anh Nguyễn Văn Tiến ở ấp Phước Khánh. Do điều kiện xa xôi cách trở nên hai người rất ít có điều kiện gặp nhau. Khi anh Tiến có quyết định chuyển công tác xuống Bạc Liêu có tâm sự và nói rõ với Thanh hai năm sẽ quay về và cưới nhau. Nhưng một lần tình cờ đến Phước Khánh chị Thanh thấy anh Tiến vẫn ở Phước Khánh nên chị nghĩ người yêu thay lòng đổi dạ và lừa dối, chị rất đau buồn và thất vọng. Tới ngày anh Tiến về phép đến thăm chị thì mọi chuyện mới được vỡ lẽ. Người chị Thanh vô tình gặp hôm ấy là người em song sinh của Tiến”.
Lại có một trường hợp nhầm lẫn khác cũng khốn khổ vì đánh ghen nhầm người yêu của mình. Năm 2009, chị Nhung ở Cần Thơ yêu một người đàn ông tên Nam ở Phước Khánh khi hai người đang chuẩn đi đăng ký kết hôn thì bỗng Nhung thấy người em sinh đôi của Nam đi với bạn gái mình, Nhung quả quyết đó là Nam nhưng người thanh niên này giải thích mãi chị cũng không hiểu. Người bạn đi cùng em song sinh của Nam còn bị Nhung đánh ghen cho một trận cho tới mãi khi cả hai anh em cùng có mặt thì Nhung mới tin chị đã nhầm lẫn em chồng là chồng sắp cưới của mình”.
Khi nghe đề cập về những chuyện nhầm lẫn này, anh Bùi Quang Trực, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phước Khánh tâm sự: “Cái ấp này là độc đáo nhất xứ miệt vườn này đó. Nguồn nước thì chưa ai lý giải chính xác được nhưng những chuyện thú vị quanh các cặp sinh đôi này thì nhiều lắm. Chính vì thế mà tạo nên nét đặc biệt cho vùng đất này”.
Xin ở nhờ để được sinh đôi
Cưới chồng năm 2007 nhưng chị Mai Thị Hoa ở Tân Uyên (Bình Dương) đến tận năm 2010 mà vẫn không thể sinh con. Khi đi khám bác sỹ chị được chẩn đoán không bị mắc bệnh vô sinh nhưng sinh khó. Đặc biệt nếu sinh nhiều lần thì càng khó khăn hơn. Khi biết có người họ hàng ở “ấp sinh đôi” mách nước chuyển về đó ở một thời gian xem có thể sinh đôi được hay không. Ban đầu chị lưỡng lự và không tin điều đó sẽ thành hiện thực. Nhưng rồi nghĩ đến lời nhắc nhở của bác sỹ nên chị cùng chồng chuyển về nhà người thân ở xã Phước Hưng ở một năm. Trong một năm đó, chị đã mang bầu và sinh đôi hai con gái.
Không giấu được niềm vui, chị tâm sự: “Ngày sinh bác sỹ kêu mổ. Mổ xong thấy hai đứa con khỏe mạnh, hạnh phúc như không thể có gì diễn tả nổi. Hóa ra có những điều không thể phân định rõ ràng được như chuyện về đây sống nhờ để được sinh đôi ấy. Chị Thảo, một người kinh doanh bận rộn ở
đồng tháp khi lấy chồng muốn sinh một lần được hai đứa con luôn nên ngay sau khi cưới chị đã xin gia đình cho chuyển về ở nhà người quen ở xã Phước Hưng và rồi ước muốn của chị đã thành sự thật.
Chị Thảo kể rằng: “Sinh con đòi hỏi rất nhiều thời gian và công phu mà vợ chồng tôi đều có công việc bận rộn nên muốn được sinh một lần luôn cả hai đứa. Ý tưởng chuyển về “ấp sinh đôi” sống nhờ sau khi cưới ban đầu thấy cũng ngồ ngộ nhưng sau rồi cũng quyết định. Dù từ đây qua
đồng tháp đi làm xa hơn tới 50km nhưng khi ước muốn thành sự thật thì niềm vui như xóa hết đi mọi nhọc nhằn”.