Kinh tế xã hội hôm nay

Lo ngại dịch bệnh virus corona, Nam Định dừng tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần

MangYTe - Trước các diễn biến mới của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Canh Tý 2020.

Nội dung văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài ký ngày 1/2 nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến mới của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; thực hiện Thông báo của Tỉnh ủy Nam Định và xét đề nghị của UBND TP Nam Định, của Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch, UBND tỉnh Nam Định đồng ý dừng tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Canh Tý. Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định giao UBND TP Nam Định thực hiện việc dừng tổ chức theo quy định...

Dù chưa ngày khai ấn, nhưng ngay từ đầu năm, dòng người đã nườm nượp đổ về đền Trần dâng hương, xin lộc.

Ông Hoàng Nguyên Dự, Chủ tịch UBND TP Nam Định cũng cho biết: "Chúng tôi đã nhận được văn bản của UBND tỉnh về việc chính thức dừng lễ hội khai ấn đền Trần năm 2020 để đối phó với dịch bệnh. Chúng tôi thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tổ chức tụ tập đông người nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm virus corona. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách".

Trước đó, ngày 11/1, UBND TP Nam Định tổ chức họp báo công bố chương trình lễ hội khai ấn đền Trần năm 2020. Theo đó, ban tổ chức thông tin, lễ hội được tổ chức từ ngày 4 - 9/2 (ngày 11 - 16 tháng Giêng). Lễ khai ấn diễn ra vào 23h15 (giờ Tý) đêm 7/2, rạng sáng 8/2 (tức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng), dự định phát 30 vạn ấn cho nhân dân, du khách thập phương.

Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) thường thu hút rất đông người tham gia...

Đền Trần là nơi thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Lễ khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch được xem là một trong những lễ hội đầu Xuân lớn nhất nước. Hàng năm, tối ngày 14, bắt đầu nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường... sau đó khách thập phương vào đền tế lễ, xin lá ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài. Sáng sớm 15, lễ phát ấn cho người dân sẽ diễn ra.

Theo TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc tạm dừng lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, địa phương đối với tính mạng và sức khỏe của người dân. Việc tập trung đông người ở lễ hội là môi trường thuận lợi phát tán bệnh tật, vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh chúng ta muốn dập dịch nhanh.

Trung Quốc, Thái Lan dừng một số lễ hội rồi, đó là sự quan tâm của các quốc gia tới sức khỏe nhân dân. Việt Nam cũng có Nghị định 110 về việc tạm dừng lễ hội, cho nên chúng ta không cần băn khoăn nên hay không nên. Phần lớn lễ hội của ta là lễ hội truyền thống, việc dừng do bệnh dịch, chiến tranh, mất mùa là chuyện từng xảy ra. Không phải vì tạm dừng mà lễ hội mất đi hay mai một.

Chuyên đề: DỊCH CÚM CORONA (nCoV): CẬP NHẬT LIÊN TỤC TẠI ĐÂY

Nhật Tân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lo-ngai-dich-benh-virus-corona-nam-dinh-dung-to-chuc-le-hoi-khai-an-den-tran-20200201214952616.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY