hát karaoke bằng loa “kẹo kéo” bất chấp thời gian, với âm lượng “đinh tai nhức óc”. Cũng từ tình trạng này mà dẫn đến mâu thuẫn láng giềng, thậm chí xảy ra một số vụ án mạng.
Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo thì vấn đề không phải do loa “kẹo kéo”. Bởi từ trước khi xuất hiện loa “kẹo kéo”, thực trạng karaoke vô ý thức cũng đã “tra tấn” nhiều người. Vấn đề then chốt là cơ quan chức năng phải xử lý được những hành vi vô ý thức, gây ô nhiễm tiếng ồn.
"Chợ loa kéo" Sài Gòn trước đề xuất chấm dứt mặt hàng này |
Ngay chính trong cuộc họp trên của HĐND TP.HCM, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, phản ánh tình trạng UBND các phường, xã, thị trấn và các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn.
Nói cách khác thì có tình trạng một số cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm, và viện dẫn nhiều lý do để thoái thác trách nhiệm. Như Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dẫn chứng thực tế cho thấy trách nhiệm giữa các sở, ngành chưa thống nhất, trong đó có tình trạng “khi tiếp cận sự việc, cán bộ văn hóa của quận lại nói rằng trách nhiệm thuộc về ngành TN-MT và công an”.
Như vậy, sự kiên quyết của cơ quan chức năng mới là yếu tố then chốt để giải quyết ô nhiễm tiếng ồn vì hát karaoke thiếu ý thức.
Khi có đủ sự quyết tâm, lực lượng chức năng có thể chủ động đề xuất lên trên những giải pháp để giải quyết các hạn chế. Ví dụ như thiếu thiết bị đo độ ồn âm thanh thì có thể thay thế bằng việc sử dụng ứng dụng tương tự trên điện thoại thông minh (có thể nhờ ngành khoa học - công nghệ thẩm định tính chính xác của ứng dụng).
Trong thực trạng ô nhiễm tiếng ồn trên, loa “kẹo kéo” vô can mà nguyên nhân cốt lõi vẫn là ý thức của một số người và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu cấm loa “kẹo kéo” mà xử lý không kiên quyết thì những người vô ý thức vẫn có thể tiếp tục “tra tấn” hàng xóm bằng các loại loa cố định.
Xử phạt loa kéo gây ô nhiễm tiếng ồn thế nào? |
Đã đến lúc, phải quy trách nhiệm cụ thể và thống nhất cho một đơn vị cơ quan chức năng xử lý tình trạng hát karaoke, mà cụ thể ở đây thì có thể là lực lượng cảnh sát khu vực ở các phường xã - vốn dĩ luôn nắm bắt sát sao tình hình an ninh trật tự địa phương.