Đến chợ Hoàng Mai 1, cạnh cổng trường Tiểu học Hoàng Ninh số 1, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hỏi thăm bà Nguyên chuyên nấu cháo từ thiện thì không ai là không biết.
Bà Nguyên - 55 tuổi, một người phụ nữ nhanh nhẹn, dáng người mảnh khảnh, công việc chính của bà là làm phụ bếp trong một công ty điện tử gần nhà. Ngoài ra, sáng thứ hai và thứ năm hàng tuần bà đều đi nấu cháo từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên - Bắc Giang. Đã tròn 3 năm kể từ khi làm công việc này, bà tham gia rất tích cực vào các Câu lạc bộ thiện nguyện và quyên góp mọi người ủng hộ cho các em nhỏ vùng cao, cũng như các hoàn cảnh éo le khác. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Câu lạc bộ thơ Việt Nam huyện Việt Yên và có nhiều đóng góp tích cực về thơ ca. Những bài thơ của bà khiến bạn đọc không thôi vấn vương về hình ảnh một người phụ nữ luôn ngập tràn tình yêu và niềm tin.
Bà Nguyên luôn nhiệt tình, sẵn lòng vì người khác và được mọi người rất yêu quý. Như một nhà tâm lý học, bà sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người khác từ vật chất đến tinh thần. Vốn dĩ là một người hoạt ngôn nhưng ít ai nghĩ bà lại là một phụ nữ kém may mắn, làng xóm luôn yêu mến gọi bà bằng cái tên thân thuộc - “Bà Nguyên” - không ai khác chính là mẹ!
Nếu kể về mẹ, có lẽ phải viết thành một cuốn tiểu thuyết vì cuộc đời mẹ quá nhiều gian truân. mẹ như hoa thơm giữa vũng lầy, như ánh hào quang giữa hầm tối, với mẹ còn sống là còn cống hiến, đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời của một đời người.
Con được nghe kể lại về tuổi thơ của mẹ, một cô bé mồ côi mẹ từ khi còn học mẫu giáo, sống với ông ngoại cùng dì và các em. Đến khi lập gia đình riêng, cuộc sống khó khăn, bố mẹ bươn trải nuôi các con bằng nghề đánh cá.
Tháng 4 năm 2014, con vẫn nhớ như in, vừa bước chân xuống chặng xe bus cuối cùng để lên Hà Nội tham dự sinh nhật của cô bạn thân thì mẹ gọi điện: “Con học xong lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngay nhé, mẹ phải nhập viện”. Lòng con như có lửa đốt vì xưa nay có bệnh mẹ cũng chẳng bao giờ đi viện, vậy mà lần này lại khác. Linh tính mách bảo con điều chẳng lành, chưa kịp gặp bạn, con sang đường bắt xe về ngay với mẹ.
Về đến Bệnh viện, con được bác sĩ thông báo mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn 3, có 6 hạch nên phải mổ để cắt bỏ hoàn toàn dạ dày. Nghe đến đó thôi, tim con như thắt lại, luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng và sống mũi cay cay. Ung thư - người ta vẫn gọi là căn bệnh mang án tử, cơ hội sống gần như không có. Con vẫn nhớ, có một người bạn của bố mới mất do căn bệnh quái ác này chỉ sau 2 tuần phát hiện ra bệnh.
Đang mơ màng trong viễn cảnh tang tóc thì dì bước ra từ phòng khám và nói mẹ giấu cả nhà đi khám ở Bệnh viện Quân y Bắc Ninh đã phát hiện ra bệnh. Sau đó, lặng lẽ ra Bệnh viện K Trung ương khám lại và kết quả cũng không thay đổi. Dì kể rằng, mẹ về nhà ông ngoại, ngồi sau đống rơm khóc một mình, các dì hỏi mãi mẹ mới nói: “Sắp ch*t rồi, thương mấy đứa con, chưa đứa nào đến nơi đến chốn”. Con thương mẹ! Cả đời lo lắng cho gia đình, vậy mà giờ khi bệnh tật lại sợ mọi người biết, sợ các con lo lắng cho mình.
Con hỏi dì sao không cho mẹ lên Bệnh viện K Trung ương, dì nói: “Mẹ mày muốn thế, viện K mổ hết 80 triệu, viện Bắc Giang mổ 20 triệu, về đây cho rẻ”. Chúng con vẫn đang đi học, vẫn tiêu những đồng tiền xương máu của mẹ, giờ chỉ nhờ cậy hết vào anh em họ hàng. Dì còn bảo phải cắm sổ đỏ nhà của ông ngoại đi cho mẹ chữa bệnh, rồi trả nợ sau. Con đứng giữa lan can tầng 3, Khoa Ung bướu Bệnh viện Bắc Giang, sao thấy mình nhỏ bé quá, chưa dám gặp mẹ, một cô sinh viên trẻ không biết phải làm gì tiếp theo để giúp mẹ chữa bệnh.
Khi những suy nghĩ hỗn độn đó cứ hiện lên trong đầu, thì có bàn tay đen sạm, nhăn nheo đặt lên vai, mẹ vẫn cười hiền hậu và nắm lấy tay con. Mẹ nói: “Vào trong đi con, tối thế này con gái sao lại đứng ngoài này, nay ngủ ở đây, mai đưa mẹ đi mổ”. Con nói mẹ ra Hà Nội mổ nhưng mẹ bảo Bệnh viện đây cũng tốt, gần nhà để mọi người tiện chăm sóc, ở ngoài kia phải ở trọ vất vả lắm. Cuộc đời sương gió tần tảo, vậy mà sắp tới mẹ phải gánh chịu những cơn đau thấu xương. Mẹ ơi! Nhất định con sẽ luôn đồng hành cùng mẹ trên cuộc chiến giành lại sự sống này.
Kết thúc ca mổ, bác sĩ tiếp tục chỉ định phác đồ điều trị tiếp theo là truyền hóa chất. Sau những đợt truyền tóc mẹ rụng, thân hình tiều tụy, sụt cân rất nhanh từ 50kg xuống chỉ còn 36kg. Nhìn mẹ con xót xa lắm! Dù ăn uống khó khăn nhưng mẹ vẫn cố gắng nhấp từng thìa, chia nhỏ bữa ăn, hy vọng mau chóng khỏi bệnh để về nhà. Các bệnh nhân ung thư ở đây ai cũng xanh xao, nhợt nhạt, chứng kiến những bệnh nhân khác cùng khoa ra đi vì hóa chất nhưng mẹ không nản chí vì với mẹ vẫn còn nhiều điều chưa thực hiện được lắm.
Thời gian dần trôi qua, sau điều trị, sức khỏe ổn hơn, mẹ đã có thể đi làm nhưng phải đội tóc giả. Còn con, đã ra trường và trở thành một giáo viên Tiểu học xa nhà với đồng lương bèo bọt nên không thể giúp đỡ gia đình. Nhớ lại những tháng ngày nằm viện, nhận được những hộp cháo từ thiện và sự quan tâm của mọi người, mẹ đã xin vào Hội nấu cháo từ thiện của Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên để nấu hàng tuần và giúp đỡ những bệnh nhân nơi đây. Dù những giọt mồ hôi đang rơi nhưng nụ cười hạnh phúc luôn hiện lên khuôn mặt mẹ, lòng con cảm thấy thật bình yên.
Vì là con của mẹ, mang trong mình dòng máu của mẹ và sống trong chùa từ nhỏ nên con luôn có ước mơ có cơ hội sẽ đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Con quyết định thành lập và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Búp Sen Xanh, kêu gọi những tấm lòng vàng ủng hộ quần áo, sách vở cho các em nhỏ vùng cao, những chuyến đi thiện nguyện của nhóm luôn có mẹ đồng hành. Mẹ vẫn luôn nói với con rằng “làm ơn không phải để được trả ơn”, con thành lập Câu lạc bộ đó là vì mẹ, là vì ước nguyện của thầy dạy con, là tâm trong trái tim con và bởi con đã có 16 năm được người đời bao bọc mà khôn lớn.
Những tưởng cuộc sống bình yên cứ thế trôi, thì đến năm 2019, từ khi khỏi bệnh bại liệt vì cơm áo bố vẫn thường xuyên đi đánh cá, bây giờ bị thêm bệnh xương khớp, gãy đốt sống lưng và thoát vị đĩa đệm nên bố không thể đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà. Dù mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng vẫn là một tay mẹ lo toan cho gia đình hiện tại. Nhìn thân hình gầy gò của mẹ mà con cứ suy nghĩ mãi không thôi.
Lập gia đình riêng ở xa, con cũng không có nhiều thời gian về thăm gia đình. Khi con vừa sinh em bé cũng là lúc nhận được tin bố bị ung thư thực quản. Tin sét đánh như trời giáng xuống gia đình mình, không được gặp mẹ nhưng con biết tim mẹ như đang thắt lại, những đau đớn của mẹ chưa hết bây giờ bố cũng phải chịu thêm đau đớn đó.
Gặp những thăng trầm của cuộc sống, con sợ mẹ gục ngã. Nhưng không, mẹ của con vẫn mạnh mẽ chiến đấu, đưa bố ra Hà Nội xạ trị và động viên các con rằng bố bị ung thư giai đoạn 1 nên có nhiều cơ hội chữa khỏi, mẹ sẽ cùng bố vượt qua tất cả. Thân làm con, lại không thể giúp được bố mẹ lúc này nhưng con tin mẹ sẽ làm được, cũng bởi đến nay, dù 6 năm làm bạn với ung thư, mẹ làm việc như người bình thường và luôn ngập tràn năng lượng.
Tháng 12 năm 2019, trong một buổi chiều se lạnh, con gửi cháu tranh thủ cùng chồng lên Bệnh viện K - Tân Triều thăm bố. Mới hơn một tháng nằm viện mà nhìn bố gầy đi nhiều, bố nằm co quắp trên giường sắt hai tầng trong một căn nhà trọ nhỏ có chiều dài 2m, rộng 1,5m chỉ đủ để kê đúng một chiếc giường. Thương lắm bố ơi, con quay mặt ra ngoài, lặng lẽ gạt nước mắt đang trực trào ra. Vậy mà bố vẫn trêu: “Thủy mà lên sớm hơn, bố sẽ dẫn con đi khám phá nơi này”, tôi cười và nói: “Bố cứ khỏe mạnh rồi con sẽ đi khám phá cùng bố”. Trong căn nhà trọ nhỏ, 3 con người, tiếng nói, tiếng thở cứ khe khẽ ngân vang…
Hơn bao giờ hết, chỉ cần nghĩ về mẹ là con biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời. Như bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, ngọn lửa khao khát sống lúc nào cũng bùng cháy trong mẹ. Mẹ luôn là chỗ dựa, là động lực và là niềm tự hào của con và gia đình. Qua đây, con mong tất cả bệnh nhân ung thư hãy mạnh mẽ chiến đấu giành giật sự sống bằng mọi giá, chúc mọi người luôn mạnh khỏe và lạc quan.