Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Mất niềm tin là mất tất cả

(MangYTe) Diến biến dịch nCoV, nhiều chuyên gia y tế đã đánh giá rằng: dịch chưa tới thì truyền thông đã vỡ trận. Và lúc này, việc dẹp tin giả về tình hình lây nhiễm virus, tránh gây hoang mang, đảo lộn đời sống xã hội được xem là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quản lý, truyền thông và cộng đồng.

1. Trung Quốc là quốc gia khổng lồ về diện tích và dân cư (khoảng 1,43 tỷ người, chiếm 18,5% dân số thế giới), nhưng lại cách biệt với thế giới ở khía cạnh thông tin (chặn Facebook, Google,...).

Liên quan tới dịch cúm do virus corona chủng mới gây ra, thế giới vẫn không tin tuyệt đối các con số từ Trung Quốc vì những khó khăn trong tiếp cận, xác minh, kiểm chứng thông tin từ các vùng dịch. Trước đó, vào năm 2002, Trung Quốc cũng từng trả giá nặng nề và khiến thế giới lãnh hậu quả vì che giấu dịch SARS. Đó là cơ hội cho hoài nghi, cho tin giả bùng phát.

Việt Nam, quốc gia đầu tiên dập SARS thành công được WHO công nhận, cho thấy kinh nghiệm về phòng chống dịch khi chưa có Thu*c/vaccine. Việt Nam cũng đã có hàng loạt các bước đi được xem là bài bản: Công bố dịch - Cấm bay - Thiết lập khu vực cách ly,...

Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn hoang mang, bởi: 2020 khác xa 2002, khi hợp tác kinh tế, việc làm toàn cầu như không có giới hạn; số lượng người Trung Quốc làm việc, du lịch tại Việt Nam và các nước (và ngược lại) rất lớn, khiến khả năng kiểm soát, dập dẹp dịch khó khăn hơn;...

Lúc này, người Việt còn nháo nhác về "tỷ lệ 2,1%" người ch*t vì nCoV. Và số người ch*t mỗi ngày, ở Trung Quốc, tăng quanh quẩn ở mức 2%, tạo hoài nghi về việc con số Tu vong vì virus bị "kiểm soát". Nhưng theo Reuters, tỷ lệ Tu vong do nCoV có thể bị thổi phồng. Các chuyên gia ước tính tỷ lệ dưới 1% chứ không phải 2% như hiện nay. Và nếu vậy, với số ca Tu vong trên 600, thì số ca nhiễm phải trên dưới 60.000 chứ không phải hơn 30.000 như công bố.

Về lý do dẫn tới nguy cơ sai lệch tỷ lệ Tu vong, theo các chuyên gia, có thể ở các vùng dịch Trung Quốc, nhiều người bệnh có thể không được nhập viện điều trị, hoặc phải tự cách ly.

2. Báo chí vừa đăng tin bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, 34 tuổi), một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán qua đời vì chính căn bệnh này.

Đây là thông tin gây chấn động dư luận quốc tế, bởi vị bác sĩ này được ví là "chim báo bão" đối với tình hình dịch bệnh đang diễn tiến khó lường hiện nay.

Theo đó, từ cuối tháng 12/2019, bác sĩ Lý theo dõi một số bệnh nhân nhiễm virus giống SARS, đã cảnh báo trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán. Lúc này, bác sĩ Lý vẫn chưa biết đây là virus corona chủng mới.

Ngày 3/1/2020, cảnh sát Vũ Hán triệu tập bác sĩ Lý và một số đồng nghiệp, kêu gọi ông dừng lại với cáo buộc "tung tin đồn thất thiệt".

Một tuần sau, bác sĩ Lý điều trị cho một phụ nữ nhiễm virus corona chủng mới. Bác sĩ Lý lúc này không mặc đồ bảo hộ. Bệnh nhân nữ lúc đó không có biểu hiện sốt.

Tới 10/1, bác sĩ Lý xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và phải nằm viện. Trên giường bệnh, ông kể lại câu chuyện trên Weibo. Rồi 10 ngày sau, Trung Quốc công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp.

Cái ch*t của Bác sĩ Lý gây hoang mang trong dư luận Trung Quốc và quốc tế, là điểm trừ của quốc gia này với thế giới trong phòng/chống dịch và sự minh bạch.

3. Việt Nam từ khi Trung Quốc công bố dịch do virus corona gây ra đã thực hiện hàng loạt các biện pháp khẩn cấp, là các công điện khẩn, cấm bay, thiết lập khu vực cách ly,...

Mạnh mẽ nhất là việc ngày 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam từ 31 tỉnh có dịch của Trung Quốc, kể cả người nước ngoài đến hoặc đi qua 31 tỉnh này trong 14 ngày qua.

Tại "địa bàn nóng" - cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thậm chí đã trực tiếp kiểm tra khu vực làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra thân nhiệt. Trao đổi với người dân đang chờ để đưa về khu vực cách ly 14 ngày ở TP. Móng Cái, Phó Thủ tướng chia sẻ những vất vả của người dân, đồng thời đề nghị người dân nêu cao trách nhiệm trong phòng, chống nCoV.

Xem xét toàn diện chiến dịch phòng chống dịch, về chuyên môn, có thể thấy Việt Nam đã và đang có các bước đi bài bản, quyết liệt, ngăn chặn tốt sự lây lan nCoV.

Về truyền thông, đến lúc này, các thông tin chính thống, có trách nhiệm hoàn toàn lấn át tin giả, tin thất thiệt trục lợi. Cũng bởi các nguồn phát tán tin giả không có trải nghiệm thực tế tại vùng dịch, không có chuyên môn y khoa, nên ít hoặc không được tin tưởng, ít gây hoang mang, sợ hãi.

Từ những hậu quả nặng nề do che giấu dịch SARS, hay việc chưa xem trọng cảnh báo của các chuyên gia y tế tại Vũ Hán của ngành chức năng Trung Quốc, có lẽ đã là bài học đắt giá đối với tất cả chúng ta trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, giữ vững niềm tin của người dân.

Lúc này, quốc tế đã có những đánh giá rằng Việt Nam minh bạch và làm tốt công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Đó là một điểm tựa mạnh mẽ trong cuộc chiến chống nCoV còn cam go phía trước.

Kiên Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/mat-niem-tin-la-mat-tat-ca-post73422.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY