Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Mẹ bầu thích thú khi siêu âm thấy con hay đưa tay lên mặt, ai ngờ đây lại là dấu hiệu đáng lo ngại

Hình ảnh siêu âm không chỉ thể hiện tình hình sức khỏe của em bé mà còn phản ánh cả trạng thái tâm lý của mẹ bầu khi mang thai.

Theo một nghiên cứu của hai trường đại học Durham và Lancaster (Anh), nếu người mẹ căng thẳng trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng tạm thời đến thai nhi bằng cách các em bé sẽ thường xuyên chạm vào mặt của mình bằng tay trái.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp siêu âm 4D để quan sát 57 lần siêu âm của 15 thai nhi khỏe mạnh từ 24 đến 36 tuần thai. Kết quả họ thu được là 342 lần các em bé tự sờ mặt mình. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng hỏi thăm các bà mẹ này rằng họ đã trải qua bao nhiêu lần căng thẳng trong 4 tuần giữa mỗi lần siêu âm.

Kết quả cho thấy các bà mẹ càng căng thẳng thì thai nhi càng thường xuyên chạm vào mặt của mình bằng tay trái.

Vì sao thai nhi lại sờ mặt mình khi bị mẹ căng thẳng trong thai kỳ?

Tác giả chính, Tiến sĩ Nadja Reissland, công tác tại Khoa Tâm lý của trường Đại học Durham (Anh), cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những thai nhi có mẹ bị căng thẳng thường chạm vào mặt mình bằng tay trái nhiều hơn so với những thai nhi có bà mẹ vui vẻ. Điều này liên quan đến việc làm dịu sự căng thẳng vì trẻ sơ sinh sờ mặt hoặc mút ngón tay nhằm xoa dịu chính mình. Như vậy, chứng tỏ căng thẳng của người mẹ có thể ảnh hưởng đến hành vi của đứa trẻ ngay từ khi còn ở trong bụng. Do đó, bạn nên giảm căng thẳng trong suốt thai kỳ".

Tiến sĩ Nadja cũng cho biết thêm: "Mặc dù nghiên cứu cho thấy khi mẹ căng thẳng các em bé dùng tay trái chứ không phải tay phải để chạm mặt nhưng điều này không có nghĩa là việc căng thẳng của mẹ dẫn đến việc trẻ sẽ thuận tay trái sau khi chào đời".

Bên cạnh đó, Giáo sư Brian Francis làm việc tại trường Đại học Lancaster (Anh), nhấn mạnh rằng: "Nhìn chung, không có cơ sở nào để khẳng định thai nhi thuận tay trái hay phải, bởi hầu hết các bé đều đổi tay ít nhất 1 lần trong 4 lần siêu âm".

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự căng thẳng của người mẹ trong thai kỳ dẫn đến sự gia tăng nồng độ cortisol – một loại hormone giúp mẹ chống lại căng thẳng nhưng lại làm tăng nguy cơ sẩy thai sớm, tiền sản giật, thai nhi chậm phát triển, sinh non và chậm phát triển sau sinh.

Vậy làm thế nào để giảm căng thẳng trong thai kỳ?

Bác sĩ Whitehouse - Giám đốc y tế của CIGNA Behavioral Health ở Bloomfield, Connecticut (Mỹ) cho biết sự căng thẳng kéo dài là một trong những yếu tố chính gây ra những ca sinh non này.

Vì vậy, Bác sĩ Whitehouse đã gợi ý một số việc mà các mẹ bầu có thể làm để có một thai kỳ thoải mái, vui vẻ.

- Chăm sóc tốt cho bản thân: Ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi nhiều, tập thể dục vừa phải, tránh uống rượu bia, cà phê, hút Thu*c lá.

- Đừng căng thẳng vì căng thẳng: Căng thẳng trong khi mang thai là điều khó tránh khỏi, nhưng thay vì lo lắng quá mức, bạn nên thực hiện những bước cần thiết để giải quyết những việc mà bạn có thể kiểm soát.

- Tập thể dục thường xuyên: Các mẹ bầu có thể tậo thể dục hoặc làm những gì mình thích để thư giãn như: tập yoga, thiền định, massage, đọc sách, nghe nhạc…

- Nhờ giúp đỡ: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, buồn bã,… thì hãy nói với đồng nghiệp, bạn bè, người thân để được giúp đỡ. Đừng cố quá sức của mình. Trong trường hợp sau 2 tuần mà các tình trạng này không chấm dứt, bạn đừng ngần ngại liên hệ với các chuyên gia vì có thể bạn đang bị trầm cảm.

Nguồn: ABC, Parent, WebMD

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/me-bau-thich-thu-khi-sieu-am-thay-con-hay-dua-tay-len-mat-ai-ngo-day-lai-la-dau-hieu-dang-lo-ngai-20200821174946992.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY