Mỗi ấn phẩm Tết, mỗi chương trình Tết luôn là “bữa tiệc thông tin đặc biệt”, mang đến dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái nhắc về kỷ niệm một thời làm báo Tết với rưng rưng cảm xúc. Những ký ức về “báo Tết” trong câu chuyện của ông rất dễ khiến người khác cảm động bởi ở đó có những đắn đót, công phu và nhiệt huyết của những con người say mê nghề đến độ, như ông nói, “mỗi đêm con chữ như lăn vào giấc ngủ”.
Ông kể: Thời của chúng tôi những ngày làm báo Tết là những ngày hạnh phúc vô cùng. Không khí đổi mới của đất nước lan tỏa khắp muôn nơi, tràn một hình nền tươi mới, thắm đỏ, rạng ngời trên mặt báo. Vì thế, không thể tưởng tượng rằng trong gia đình ngày Tết ngoài bánh chưng xanh, bó hoa lớn, cỗ bàn truyền thống, lại có thể thiếu vắng sự hiện diện của một tờ báo Tết ảnh đẹp tràn trang bìa, chữ thì ít, ảnh thì nhiều. Nó không chỉ là thông tin chắt chiu của một năm, mà còn như một bức tranh trang nhã, nhiều màu sắc trang trí sang trọng trong từng gia đình. Đến nhà nào, ngoài cành đào, cây quất,... thì trên kệ sách, bàn làm việc, bàn tiếp khách mà có một tờ báo Tết là như thấy hơi thở của mùa Xuân. Một điều thú vị là, thời đó, người ta đánh giá “tri thức” gia đình này khác so với gia đình kia khi nhìn thấy tờ báo Tết ấy. Tôi cảm giác như báo Tết đã trở thành “người đồng hành” cùng gia đình trong những ngày thưởng thức Tết, đó là nét mới của báo chí Việt Nam hiện đại, trở thành truyền thống của những gia đình thành phố có điều kiện trong những ngày đón Tết cổ truyền. Giá sách nhà tôi vẫn còn lưu giữ một số tờ báo Tết như thế, cứ như là bảo vật vậy. Đến bây giờ tôi vẫn đi xin, đặt hàng những tờ báo Tết để “khuân” về nhà mình. Để làm gì ư? Để ai đến thì khoe thôi!
Có lẽ cũng vì thế, trong ký ức của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái, áp lực đến với những người làm báo Tết là không nhỏ, vì những tin yêu và trân trọng của bạn đọc. Đã là sản phẩm của trí tuệ, của tinh hoa nên trong những ngày làm báo Tết lúc nào trong lòng cũng tâm tư “thai nghén” về đề tài, ý tưởng cho báo Tết. “Đặc biệt là giai đoạn tôi làm Trưởng Ban Thư ký tòa soạn báo Công an Nhân Dân năm 2009 - 2012, và trước đó là những năm tôi làm Phó ban Kinh tế - Văn hóa – Xã hội từ năm 2003 – 2008 đều là những năm làm báo Tết sôi nổi, rộn ràng. Đó cũng là thời mà báo in vẫn còn ở “đỉnh cao”. Tâm lực dành dụm cả năm trời như chắt lọc vào số báo Tết. Chúng tôi phải lên một chủ đề của số báo theo từng năm, bám sát thành tựu đổi mới của Đảng, những đổi thay, thành tích của ngành Công an. Sau khi lên được khung cho số báo, tôi đề xuất lựa chọn phóng viên thực hiện các bài trên số báo Tết rất kĩ càng, đề tài đăng ký được xét duyệt rất công phu. Phóng viên, thậm chí phải được Ban Biên tập “chọn mặt gửi vàng” đến mức, ai được một bài đăng trên báo Tết, cũng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Đặc biệt nên không bao giờ có chuyện viết hời hợt, qua loa mà bất cứ cây bút nào được “tuyển chọn”viết bài Tết cũng nhìn thấy trách nhiệm của mình, sự kỳ vọng của bạn đọc trong đó.” – Nhà báo Hồng Thái nhớ lại.
Nói về kỷ niệm ấn tượng nhất, nhà báo Hồng Thái kể về một bài báo Tết ông cùng một đồng chí Phó Tổng Biên tập thực hiện bài phỏng vấn Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. “Bản thảo được bà trực tiếp ngồi sửa từng chữ một, bà giải thích cặn kẽ cho chúng tôi vì sao lại sửa như vậy. Tôi ngồi nghe bà giảng về câu chữ giống như một học trò. Báo vừa in xong, chúng tôi chưa kịp đến biếu báo thì Phó Chủ tịch nước đang đi công tác ở nước ngoài gọi điện về nhắc “Nhờ các em mua giúp cho chị 10 số báo Tết để làm kỷ niệm và tặng bạn bè nhé... Dường như chỉ vì những điều rất nhỏ ấy mà mỗi lần chạm vào kỷ niệm lại thấy tim mình ấm áp. Hạnh phúc của người cầm bút chỉ cần có thế. Cầm tờ báo Tết bây giờ, tôi vẫn rất xúc động, nâng niu, cảm giác như vẫn luôn nhìn thấy mình của một thời say mê ấy. Nếu được tặng 1 tờ báo Tết, tôi rất trân trọng và sẽ đặt tờ báo đó vào 1 vị trí trang trọng trong gia đình mình. Bởi tặng nhau một tờ báo Tết là tặng một món quà văn hóa đầy trí tuệ và tinh tế” – Nhà báo Hồng Thái chia sẻ.
Nếu nói về làm báo Xuân, gặp nhà báo Đình Chúc quả đúng là gặp may vì ở ông có một “đặc khu” về câu chuyện làm báo Tết một thời. Giờ ông ngồi ghế Phó Tổng Biên tập báo Lao Động, ông vẫn chép miệng tiếc nuối bảo rằng: Ngày nay, dù vẫn coi tờ báo Tết là một phần không thể thiếu nhưng vì ảnh hưởng của báo điện tử quá lớn nên câu chuyện báo Tết bây giờ có đôi phần đã nhạt dần... Ông bảo, từ cái thời ông còn làm ở báo Thương Mại (nay là báo Công Thương), ông đã được giao làm chủ biên báo Tết, năm 2003 chuyển sang báo Lao Động đến năm 2006 là Trưởng Ban Thư kí tòa soạn, chủ trì báo Xuân. Và ông say sưa kể về cái cách làm báo Tết ngày trước như thể đâu đó ngoài kia Tết đang về. Câu chuyện của nhà báo Đình Chúc cứ liền một mạch, tôi cũng không “chen ngang” hỏi thêm được nhiều vì với những năm tháng làm báo Tết đầy háo hức ấy dường như đang kéo ông về một thời thanh xuân sôi nổi với nghề.
Nhà báo Đình Chúc tâm sự: Ngày ấy chúng tôi trang trọng gọi đứa con tinh thần của mình là “Giai phẩm báo Xuân”, “Giai phẩm báo Tết”. Đó là món quà Tết để mỗi cán bộ phóng viên, nhà báo mang về biếu gia đình, bạn bè, người thân. Báo Xuân không chỉ là thương hiệu của tờ báo mà còn là danh dự của người đứng tên (chủ biên) vì báo Xuân thường ghi tên người chủ biên. Để có được một ấn phẩm Xuân ấy, chúng tôi phải chuẩn bị gần nửa năm trời. Đầu tiên sẽ thành lập Ban làm báo Xuân, Ban lo hậu cần, phát hành. Tất cả các công việc đều được xây dựng từ tháng 10 Dương lịch (tức tháng 9 âm lịch) hàng năm.
Ban Báo Xuân có thể thay đổi liên tục, sau khi báo Xuân ra, toàn bộ tòa soạn góp ý, đánh giá, điểm mạnh, điểm yếu. Người mất nhiều uy tín sẽ không được làm chủ biên nữa, thay vào người khác, người khác lên thay là rất “run” vì áp lực, có làm tốt được hơn người cũ hay không? Ý tưởng của “Giai phẩm báo Xuân” hằng năm rất quan trọng, người được giao chủ biên đó tập hợp các nhà báo có tên tuổi nhất trong báo để nghĩ ra ý tưởng xuyên suốt giai phẩm là gì. Thường thì Tết phải có cái mới, tươi vui, xác định chủ đề báo xuân phải mang tính thời sự. Ví dụ báo xuân năm 1996 sẽ lấy chủ đề xuyên suốt là 10 năm đổi mới, năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO thì chủ đề xuyên suốt lại là Việt Nam ra biển lớn... Dựa vào đó sẽ làm đề cương rồi tập hợp những cây bút phù hợp nhất. Người có ý tưởng được chọn phải làm đề cương cụ thể, phải bảo vệ đề cương, báo cáo Ban Biên tập và cuối cùng sẽ quyết định chủ đề chính để thực hiện.
Báo Xuân khác ở chỗ là dù các chủ đề có màu sắc chính trị nhưng phải có không khí tươi vui, có phát hiện ra những cái mới hoặc mới trên nền cũ. Việc lựa chọn tác giả viết lại càng quan trọng. Hầu hết phóng viên bình thường không được viết, chỉ chọn những cây bút đã thành danh của báo, đội ngũ cộng tác viên cũng phải rất nổi tiếng. Những cây bút đặc biệt sẽ được “chiêu dụ” chứ những người trẻ thường không có cơ hội. Cái chất của báo Xuân còn có dấu ấn riêng của từng tác giả. Nếu nhóm làm báo Tết không tạo ra được bản sắc riêng thì coi như thất bại.Thậm chí ngay cả chuyện tìm nhân vật để phỏng vấn cũng rất “đau đầu” vì tìm những người có chức vụ nhưng cũng phải dám ăn dám nói, làm sao cho hấp dẫn nhất có thể. Ngày ấy, phải lê la, ngó nghiêng hỏi han báo bạn để nhân vật phỏng vấn tránh bị trùng nhau.
Cách thể hiện trên báo Xuân cũng quan trọng lắm, phải được cân nhắc trong từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi hạn chế tối đa độ dài thay vào đó là tăng cường các cửa sổ để có độ giãn mắt cho người đọc, xây dựng các box thông tin với các câu đắt giá nhất, ảnh thông tin (không dùng ảnh minh họa). Việc chọn bìa báo cũng phải mất hàng tuần, ảnh bìa báo luôn có tính chất đại diện, có sức gợi, sát chủ đề, ảnh càng đơn giản càng quan trọng. Việc trình bày bài báo luôn thể hiện sự trân trọng của tòa soạn đối với tác giả, tên người viết thường hay để trên cùng, dưới tít bài, thậm chí có những năm có ảnh nhỏ của tác giả nữa. Các trang quảng cáo đóng thành tập riêng, không lẫn vào trang nội dung, đính vào giữa, các trang nội dung đều liền mạch nhau, màu nền của báo để vàng nhạt, hoặc xanh nước biển hoặc xanh nhạt, giấy mềm, giở báo ra thấy mềm mại, dai, dễ lật... Họa sĩ báo Tết của chúng tôi thường có 3 người, làm việc cận ngày đưa vào nhà in nên phải làm ngày làm đêm cùng với người chủ biên hàng ngày phải xem xét từng trang báo, chỉnh sửa cho phù hợp... Khi gói ghém các nội dung báo Tết xong chúng tôi sẽ có một “tỉnh táo viên”, là người khách quan nhất, có trình độ đánh giá, bao quát và tinh tường nhất. Người này sẽ đọc lại tất cả các trang báo, nhặt sạn phát hiện lỗi, nhằm đảm bảo độ hoàn thiện cho tờ báo, không để xảy ra sai sót gì trước khi vào nhà in. Phía họa sĩ cũng vậy, sẽ có một họa sĩ được thuê thời vụ ở nơi khác về trong vài ngày, nhìn các bản phối màu của các trang báo, rà toàn bộ hình thức... Đặc biệt, khi bắt đầu in, chúng tôi chỉ in 3 cuốn, 1 cho chủ biên đọc, 2 cuốn nữa cho lãnh đạo báo đọc, sau đó mới chốt cho đi in hàng loạt.
Cả quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với làn sóng phát thanh, là gần như từng ấy năm nhà báo Đồng Mạnh Hùng đón giao thừa trên làn sóng, vì ông và các đồng nghiệp Ban Thời sự năm nào cũng tổ chức các chương trình phát thanh đặc biệt chào đón giao thừa. Và là chương trình trực tiếp kéo dài từ 18h chiều 30 Tết đến 1 giờ sáng mùng Một nên ông và cả ekip luôn đón giao thừa tại cơ quan... “Làm Chương trình phát thanh Tết vui lắm, vì được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức biến những chương trình đầy chất chính trị mềm mại hơn, có tính giải trí cao và “thắp lửa trong tim” người nghe” – ông nói.
Ông cho biết: Chương trình Giao thừa của VOV là chương trình truyền thống, nên Ban Thời sự luôn dành nhiều tâm huyết để tạo ra một tuyệt phẩm trên sóng thật sinh động, hấp dẫn... Mỗi năm một chủ đề, nhưng năm nào cũng vậy trên sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam đêm giao thừa đều có thơ Bác, có thư chúc Tết của Chủ tịch Nước, những bài hát về mùa Xuân. Đặc biệt những tùy bút, bút ký của các nhà báo... như một đặc sản không thể thiếu. Tết đến, sau ngày ông Công, ông Táo về trời - khi báo Tết đã được in ra, bạn bè đồng nghiệp báo in bắt đầu được nghỉ ngơi lo sắm Tết cho gia đình thì lúc đó Ban Thời sự mới bắt đầu vào chiến dịch “làm Tết” đầy háo hức, sôi động. Dưới phố Bà Triệu, mọi người tấp nập bán mua đào, quất, mứt Tết, loa đài ầm ĩ... còn trên tầng 4 tòa nhà VOV ở 43 Bà Triệu, mọi người đang cắm cúi tập trung làm chương trình. “Khó nhất là nghiên cứu và tìm chủ đề, nội dung để gắn với những vấn đề của đất nước nên không khí Tết trong các chương trình Phát thanh dường như được hòa vào không khí Xuân của cả dân tộc” - Nhà báo Đồng Mạnh Hùng nói và cho biết thêm: Để đầu tư chương trình đó nhất định phải lựa chọn một ekip là những người gần như giỏi nhất, có nhiều sáng tạo nhất, phù hợp nhất với công việc (ngoài tư tưởng chính trị ra phải có 1 chút tư duy kiến thức văn hóa, văn nghệ, giọng nói hay, truyền cảm).
Vất vả và được đầu tư nhiều nhất là chương trình đêm giao thừa. Truyền thống năm nào chúng tôi cũng có 1 vị khách đặc biệt đến “xông đất” của VOV1 thời sự. Những năm qua, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã từng đến chúc Tết chiến sỹ cả nước trên sóng phát thanh như đồng chí Lê Khả Phiêu; Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh; Nguyễn Sinh Hùng; Nguyễn Thị Doan, Phạm Thế Duyệt; Trần Đình Hoan... Tôi còn nhớ, chương trình giao thừa “Vững một niềm tin” nhân dịp Tết Nhâm Thìn 2012, tôi là người dẫn chương trình chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham gia trò chuyện với các cán bộ chiến sĩ Trường Sa... Qua làn sóng phát thanh trực tiếp, Chủ tịch đã thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ... Rất xúc động, các cán bộ chiến sỹ đã hát tặng Chủ tịch và thính giả cả nước bài hát “Đất nước” như một lời hứa luôn vững tay súng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Họ hát quá xúc động khiến nhiều người trong khán phòng không cầm nổi nước mắt. Nhiều thính giả, sau đó viết thư về kể lại rằng, họ đã khóc khi nghe chương trình đó. Có thể bây giờ, việc trò chuyện với Trường Sa đã quá dễ dàng, nhưng thời đó nối được máy trực tiếp với Trường Sa quả là một kỳ công và việc nối máy để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trò chuyện với Trường Sa trong đêm Giao thừa như vậy là “độc quyền” của VOV.
“Làm Giao thừa” là cách gọi của các BTV Thời sự VOV khi làm các chương trình phát thanh đêm Giao thừa. Còn có một điều thú vị là tại cơ quan, xong việc mọi người được thụ lộc từ bàn thờ thắp hương Bác Hồ, được lãnh đạo mừng tuổi và nâng ly chúc nhau năm mới nhiều thành công... Đêm giao thừa, có những phóng viên hiện trường ở vùng sâu, vùng xa phản ánh không khí đón năm mới, có phóng viên đến các bệnh viện để ghi nhận tình hình T*i n*n giao thông, đi đến các con ngõ để gặp gỡ công nhân vệ sinh xem họ làm công việc trong đêm giao thừa như thế nào...
Và sáng mùng Một Tết khi mọi người còn chưa thức dậy thì phóng viên Thời sự đã có mặt ở khắp nơi ghi nhận không khí sáng đầu năm mới hoặc không khí lao động đầu năm tại các công trường, hải cảng... “Dù vất vả là thế, nhưng những cánh thư của thính giả, những cuộc điện thoại, tin nhắn khen ngợi, bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn... lại giúp chúng tôi thêm động lực để mỗi năm Tết đến ai ai cũng háo hức chờ được phân công làm chương trình Tết”- nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.