Mụn được gây ra chủ yếu bởi nội tiết tố androgen hoạt động tăng mạnh (thường ở tuổi dậy thì), khiến bã nhờn tiết nhiều. Khi da nhờn, những chất bã không thoát ra được mà bị bít lại bởi lớp sừng, sẽ tạo ra mụn đầu trắng. Mụn đầu trắng hở ra, tiếp xúc với không khí sẽ biến thành mụn đầu đen. Trong trường hợp mụn bị viêm bởi vi trùng được gọi là mụn viêm đỏ. Mụn viêm đỏ to được gọi là mụn bọc.
Mụn đầu trắng và đầu đen thường lành tính, chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ, ít có nguy hại, nhưng cần lưu ý với mụn viêm đỏ. Những mụn dạng này hay có mủ, nếu không điều trị, bệnh có thể trở nặng, gây nhiễm trùng máu.
Theo BS Huỳnh Huy Hoàng, mụn viêm đỏ dạng nhỏ cần được điều trị bằng kháng sinh (bôi tại chỗ và uống), vệ sinh da sạch sẽ, tránh tình trạng nhiễm trùng nặng thêm. Đối với những trường hợp bị mụn bọc, thời gian điều trị bằng kháng sinh sẽ dài hơn. Nếu mụn bọc mềm, to, ngoài uống và bôi Thu*c, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để tháo hút mủ.
BS Hoàng đặc biệt lưu ý, nếu bạn bị mụn ở vị trí nằm trong khoảng bàn tay úp từ cằm trở lên thì tuyệt đối không được nặn, sờ mó. Vì đây là vị trí rất nhạy cảm, có những mạch máu, tĩnh mạch đi sâu. Chẳng may mụn ở những vị trí này bị nhiễm trùng, vi trùng có thể xâm nhập vào tĩnh mạch, theo máu di chuyển, đi vòng tới xoang hang sau gáy, gây v, nhiễm trùng máu, dẫn tới Tu vong.
Khi mụn bị viêm sẽ dẫn tới tình trạng tăng sắc tố (thâm), tạo sẹo (sẹo lồi và sẹo rỗ). Trường hợp sẹo lồi sẽ có nguy cơ thành ung thư da tế bào gai. Bị ung thư da tế bào gai, bệnh nhân sẽ nhận thấy vết sẹo không láng bóng mà chai cứng, sùi lên.
Ung thư da tế bào gai phát hiện sớm chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ sẽ khỏi, nhưng để lâu, bệnh di căn sang hạch, điều trị rất khó khăn. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, hoặc vùng mụn hay bị kích thích, đụng chạm... là những nguy cơ khiến mụn chuyển thành ung thư.
Để phòng tránh các nguy hiểm của mụn, hãy vệ sinh chăm sóc da sạch sẽ bằng cách rửa mặt bằng nước sạch hoặc dùng dung dịch do BS chỉ định, tránh đưa tay sờ mó, nặn mụn không đúng cách (gây nhiễm trùng). Cần dùng khăn lau mặt sạch. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân bị mụn nghiêm trọng hơn do dùng khăn lau mặt chung ở các tiệm massage, hớt tóc kém vệ sinh. Những thực phẩm, đồ uống ngọt làm từ sữa bò được khuyên nên tránh với những người đang bị mụn, vì có thể khiến mụn mọc nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Người bị mụn nên tránh thức khuya và tuyệt đối không bôi kem trộn, kem có chất kháng viêm mù mờ về nguồn gốc.
“Đa số mụn rất hay tái phát nên khi điều trị mụn bệnh nhân cần kiên nhẫn. Thấy mụn lâu khỏi, người bệnh cần gặp BS chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị chính xác, thích hợp, tránh làm bệnh thêm nặng. Người bị mụn viêm đỏ, sưng to, kèm theo sốt cao, lạnh run cần tới bệnh viện cấp cứu ngay, bởi đó có thể là dấu hiệu bệnh đã qua nhiễm trùng máu”, BS Hoàng cho biết.
Theo thống kê, tới 85% những người ở độ tuổi từ 15 - 25 gặp rắc rối với mụn, và không phải ai cũng có kiến thức về cách phòng tránh, chăm sóc da lúc bị mụn.
AloBacsi.vn, Theo Trâm Anh - Phụ Nữ Online