Cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới đang bị thay đổi đáng kể khi các quốc gia và chính quyền địa phương sử dụng các phương pháp khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus - đồng thời cho phép xã hội tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó.
Nhiều quốc gia đang thử nghiệm các kỹ thuật mới để giúp giảm bớt các hạn chế mà không gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai còn một số quốc gia khác lại đang thử các chiến lược triệt để nhằm ngăn chặn số ca nhiễm leo thang. Đây là một số chiến thuật khác thường hơn:
Đối với nhiều quốc gia, các trường họ cần mở lại trước tiên. Đơn giản vì khi trẻ đi học thì phụ huynh mới có thể rảnh tay quay trở lại với công việc.
Đan Mạch đang bắt đầu mở lại lớp học dành cho học sinh dưới 12 tuổi. Không gian lớp học được bố trí lại để bàn của các học sinh giữ khoảng cách 2 mét theo tinh thần giãn cách xã hội 2.0. Do chia như vậy nên mỗi lớp không có quá đông học sinh như trước. Các em phải luân phiên thay ca vào học và thời gian nghỉ giải lao được kéo dài. Các vật dụng dùng chung như bồn rửa, ghế vệ sinh và tay nắm cửa được khử trùng hai lần mỗi ngày.
Cộng hòa Séc cũng đã bắt đầu quay trở lại theo từng giai đoạn, với các sinh viên năm cuối tại các trường cao đẳng và đại học sẽ đi tiên phong để từ đó cân nhắc cho học sinh tiểu học, trung học đi học tiếp.
Chile sẽ bắt đầu phát hành thẻ miễn dịch kỹ thuật số trong tuần này cho những người đã khỏi bệnh do coronavirus. Cái gọi là "thẻ COVID" sẽ được cấp cho những người có kết quả dương tính với virus được chữa khỏi và hoàn thành quá trình cách ly thêm 14 ngày.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock cho biết rằng nước này đã "xem xét" ý tưởng về "giấy chứng nhận miễn dịch" hoặc hộ chiếu, để cho phép càng nhiều càng tốt những người có kháng thể chống coronavirus trở lại cuộc sống bình thường.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, cho biết ý tưởng về việc người Mỹ mang giấy chứng nhận miễn dịch để chứng minh rằng họ có kháng thể đối với coronavirus có thể chỉ có giá trị trong một số trường hợp nhất định.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi phong toả chỉ vào cuối tuần – với 48 giờ giới nghiêm áp dụng tại 31 tỉnh chiếm 3/4 dân số cả nước.
Những ngày còn lại trong tuần, lệnh cấm túc chỉ áp dụng cho những người dưới 20 tuổi hoặc trên 65. Tất cả các công dân khác trên lý thuyết được phép ra ngoài, mặc dù nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa, các nhà hàng chỉ bán đồ mang đi.
Tại Libya, người dân chỉ "được phép đi bộ" trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 12 giờ tối và các cửa hàng chỉ được mở trong những giờ này.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quyết định hạn chế di chuyển theo độ tuổi. Ở Thụy Điển, những người từ 70 tuổi trở lên đã được yêu cầu ở nhà. Đầu tháng này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Warwick ở Anh đã đề xuất những người ở độ tuổi từ 20-30 không sống cùng cha mẹ có thể miễn chịu lệnh phong toả.
Tổng thống Peru Martin Vizcarra tuyên bố vào ngày 2.4 việc áp dụng một biện pháp dựa trên giới tính vì nó có thể phát hiện một cách trực quan những người được và không được ra ngoài đường. Cụ thể, vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu, chỉ có đàn ông mới có thể ra đường; vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy, đến lượt của phụ nữ. Cách làm này về lý thuyết giúp số người ra đường giảm một nửa.
Panama đã làm điều này kể từ ngày 1.4 với lập luận rằng biện pháp khuyến khích mọi người ở nhà vì người thân của họ không được phép ra bên ngoài. Một số thành phố ở Colombia, kể cả thủ đô Bogota, cũng chỉ cho phép đàn ông và phụ nữ rời khỏi nhà vào những ngày khác nhau.
Một số nơi của Colombia cũng đã thực hiện các biện pháp bổ sung. Các thành phố gồm cả Cali và Medellin chỉ cho phép công dân rời khỏi nhà của họ vào những thời điểm nhất định tùy thuộc vào số thẻ ID của họ. Tất nhiên, là người làm việc trong ngành thiết yếu được miễn vụ này.
Một số quốc gia đã sử dụng máy bay không người lái để theo dõi các công dân trong thời gian cách ly. Hồi tháng 3, Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc gia Ý (ENAC) cho phép sử dụng máy bay không người lái để theo dõi di chuyển của người dân. Không lâu sau, vào cuối tháng 3, đến lượt Anh công bố các biện pháp phong toả, một đơn vị cảnh sát đã đăng một đoạn video quay từ máy bay không người lái cho thấy mọi người đi bộ qua Công viên ở Derbyshire, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng xung quanh các biện pháp nghiêm khắc từ chính quyền.
Công ty máy bay không người lái thương mại Draganfly trong tháng này đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Úc và Đại học Nam Úc để triển khai "máy bay không người lái ứng phó đại dịch" để "theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và hô hấp, cũng như phát hiện những người hắt hơi và ho trong đám đông".
Trung Quốc và Kuwait đã sử dụng "máy bay không người lái gắn loa" để yêu cầu cho mọi người trở về nhà thực hiện cách ly.