Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ngại đẻ

Bé Bi vào lớp một, hết ốm vặt, tự ăn uống được, chị Nguyên ở quận 7, thấy như được sống lại nên không muốn đẻ nữa.

Con gái hiện 12 tuổi, vợ chồng chị Nguyên vẫn không thay đổi quyết định "chỉ sinh một con". Từ lúc chào đời, bé Bi đã khó nuôi, khi thôi nôi chỉ đạt 8,8 kg. "Mỗi lần cho con ăn uống là một lần đánh vật, ít ra có hai người lớn tham gia, một người cho ăn một người làm trò, lúc thì bố mẹ, lúc thì bà nội hay bà ngoại nên ai cũng ngán", chị Nguyên nhớ lại. Ba năm đầu đời, hầu như tháng nào bé Bi cũng phải đi viện một lần. Bé gầy gò, "hai bà nội ngoại không thèm nói chuyện với nhau luôn vì ai cũng nghĩ người kia là lỗi khiến đứa bé gầy ốm".

Những cái Tết khi con một hai tuổi, vợ chồng chị Nguyên không thể đi đâu chỉ vì con ăn ít và bày bẩn, dễ đổ bệnh khi ra ngoài. Đến khi con vào lớp một, vợ chồng chị mới có thể đi đây đi đó, cảm giác như được hồi sinh. Việc mang bầu, nghỉ thai sản, bắt nhịp trở lại với công việc nhiều áp lực khiến chị Nguyên ngại đẻ.

Vấn đề kinh tế cũng khiến chị ngại sinh thêm. Bé đang học trường công, vợ chồng chị muốn xin vào trường bán công chi phí con học khoảng 4 triệu đồng một tháng mà chưa xin được. Mỗi tháng bé học thêm tiếng Anh tốn 3 triệu đồng, bơi lội vui chơi cuối tuần, quần áo, ăn sáng tầm 3 triệu một tháng nữa. "Đấy là chưa học nhạc, vẽ, nhảy vì không có thời gian đưa đón, sắp tới còn phải học thêm Toán, Lý, Văn. Vợ chồng thường cãi nhau việc ai đưa con đi học thêm", chị nói.

Một em bé ngủ gục trên xe máy của mẹ trong cảnh tắc đường ở TPHCM. Ảnh: Quỳnh Trần. 

Còn vợ chồng chị Mai kết hôn đã 3 năm, quyết tâm "không đẻ con", mặc dù năm nay chị 29 tuổi. Ban đầu anh chị định sẽ có con sau cưới. Mẹ chồng đi xem thầy bảo năm đó không được tuổi nên chị Mai trì hoãn mang thai. Sau một năm, chị Mai bắt đầu suy nghĩ về việc mình có nên đẻ hay không.

"Tôi sợ hãi việc sinh và nuôi một đứa bé lớn lên với quá nhiều rủi ro", chị Mai nói. Môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Ở nhà, bố mẹ có thể dạy dỗ con, nhưng một đứa trẻ khi bước chân ra đường là gặp nhiều hiểm họa, cám dỗ, tư tưởng xấu. Chị lo ngại: "Không chịu nổi việc con trở thành một đứa trẻ hư hỏng". 

Nhận thấy xung quanh có quá nhiều trẻ con hoàn cảnh thiệt thòi, chị Mai mong dành thời gian, tiền bạc cho những em bé đã được sinh ra hơn là tạo ra thêm trẻ nhỏ. "Có con chắc chắn là một niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng đi cùng với nó là nỗi lo lắng không bao có giới hạn", chị Mai chia sẻ.

Gia đình chồng thấy đôi trẻ cưới nhau đã 3 năm không có con nên khá sốt ruột. Không dám nói thẳng nhưng mọi người hay ám chỉ con dâu vô sinh. Chị Mai không sống cùng gia đình chồng nên vững vàng với quyết định của mình. Vợ chồng chị đưa ra kế hoạch cho việc kiếm tiền, nghỉ ngơi du lịch sau này thay vì lao vào lo cho một đứa trẻ.

TP HCM hiện ở trong nhóm 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Tỷ suất sinh của thành phố 1,33 con cho một phụ nữ tuổi sinh đẻ, rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. 

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM, cho biết học viện đang thực hiện các nghiên cứu để cùng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa TP HCM đưa ra các giải pháp cho tình trạng mức sinh thấp. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều người có quan điểm dành tuổi trẻ, thanh xuân để hưởng thụ thay vì sinh đẻ. 

"Không ít bạn trẻ chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản, chưa hiểu rằng phụ nữ càng lớn tuổi càng khó sinh, nhiều nguy cơ cho mẹ và em bé, ảnh hưởng chất lượng thế hệ mới", tiến sĩ Trang chia sẻ. 

Một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng mang tới kết quả là với nhiều người trẻ, mục đích số một của hôn nhân là có người để chia sẻ cuộc sống, sau đó mới hướng đến việc sinh sản duy trì nòi giống, thỏa mãn chuẩn mực xã hội...

Theo các chuyên gia, tình trạng mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong tương lai. giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. sau này một đứa trẻ sẽ phải đối diện vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.

Sản phụ sinh con tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

như miễn giảm viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với người có hộ khẩu thường trú, tăng thời gian nghỉ thai sản bố và mẹ, hỗ trợ vay, mua nhà với vợ chồng sinh hai con, miễn giảm chi phí giáo dục trẻ em...

Theo tiến sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM, thành phố cần mạnh dạn bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch dù nhiều năm trước đã dày công vận động. Cần có chính sách "dịch chuyển dân số", đưa các khu dưỡng lão ra khỏi TP HCM một cách hợp lý, giải quyết một loạt bài toán ăn ở, đi lại, sinh đẻ, đào tạo... Tăng cường "lấy chất lượng bù số lượng", sàng lọc trước sinh, đầu tư chăm sóc trẻ sau sinh, khám sức khỏe trước khi kết hôn...

Bác sĩ nguyễn hữu hưng, phó giám đốc sở y tế tp hcm, cho biết sở sẽ cân nhắc các đề xuất của chi cục dân số, làm việc với một số sở ngành để có được sự đồng thuận rồi trình ubnd tp hcm xem xét giải quyết tình trạng mức sinh thấp hiện nay.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, "hưởng ứng và đồng thuận với những đề xuất của TP HCM". Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 22/11 cũng đề cập nhiều đến tình trạng mức sinh thấp.

"TP HCM nên có nghị quyết đặc thù về khuyến sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân để góp phần nâng cao chất lượng dân số", bác sĩ Phương nói.

Với vợ chồng chị Nguyên, cả hai đã quen và hài lòng với cuộ sống ba người như hiện nay. Nếu được thành phố hỗ trợ để sinh con thứ hai, chị "còn phải cân nhắc đã". 

Còn với Mai, cô cho biết sẽ không thay đổi quyết định "dù biết sẽ chịu nhiều điều tiếng vì không sinh con". 

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Lê Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/nhieu-phu-nu-tp-hcm-ngai-de-4018931.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY