Bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về công việc, cách ăn mặc, tác phong, bạn còn phải biết cách giao tiếp để xây dựng thiện cảm với mọi người. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 8 điều không nên nói trong ngày đầu tiên đi làm, giúp bạn tránh bị “mất điểm” trong mắt cấp trên và đồng nghiệp.
Ở môi trường công sở, dù gắn kết, thân thiết như thế nào thì các mối quan hệ vẫn chỉ nên dừng lại ở mức độ đồng nghiệp, nhất là khi bạn đang là “lính mới”. Do vậy, hãy hạn chế chia sẻ chuyện riêng tư gia đình, tình cảm. Điều này chỉ khiến người đối diện cảm thấy không thoải mái, gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Tương tự, bạn cũng không nên quá tọc mạch đời tư của đồng nghiệp mà nên dừng ở mức độ xã giao. Và nếu muốn tạo mối quan hệ với ai đó trong công ty, bạn nên tỏ thái độ cởi mở, ân cần nhưng hãy để dành những chia sẻ riêng tư lại cho tới khi đã có khi đã có thời gian cộng tác lâu dài với họ, chứ không phải là trong ngày đầu tiên đi làm.
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, sẽ không có môi trường làm việc nào hoàn toàn phù hợp theo mong muốn của bạn cả. Vì thế nếu cơ sở vật chất có thiếu thốn, không hỗ trợ tối đa công việc thì bạn cũng nên học cách thích nghi. Hãy quan sát đồng nghiệp, tìm hiểu cách thức vận hành mọi thứ trong văn phòng để hoàn thành công việc được tốt nhất. Một thời gian sau, bạn sẽ nắm rõ tình hình, lúc đó hãy đưa các ý kiến xác đáng đề xuất lên cấp trên nhằm cải thiện hiện trạng công ty.
Muốn biết thì hỏi, muốn giỏi phải học, nhưng nếu bạn ứng xử thiếu tinh tế, luôn đặt câu hỏi và đưa ra những lời chống chế kiểu: “Cái này tôi không biết, tôi chưa được học” thì rất dễ khiến người khác mất thiện cảm với bạn. Trước hết, bạn hãy tự tìm tòi cách làm, sau đó hỏi đồng nghiệp bằng thái độ cầu tiến. Chẳng ai biết hết mọi thứ nhưng trước khi than vãn, trách móc hay dựa dẫm người khác thì hãy chủ động giải quyết tránh làm phiền đến họ.
Môi trường công sở cũng giống như xã hội thu nhỏ với nhiều thành phần khác nhau. Ở vị thế nhân viên mới thì bạn chỉ nên chuyên tâm vào công việc và tránh tò mò những chuyện “thị phi” hoặc các tin đồn trong công ty. Tốt nhất là bạn nên tận dụng giai đoạn khởi đầu để làm quen nhiều người, tham gia vào những buổi sinh hoạt chung để hiểu rõ hơn về đồng nghiệp và công ty.
Không phải ai cũng may mắn rời nơi cũ trong sự vui vẻ, thực tế nhiều người buộc phải nghỉ việc trong sự “bất mãn” vì những lý do khách quan hoặc chủ quan. Nhưng bất kể công ty cũ, sếp hoặc đồng nghiệp cũ của bạn có “xấu” thế nào, thì bạn cũng tuyệt nhiên đừng nên nói với đồng nghiệp mới, nhất là trong ngày đầu đi làm. Bởi điều đó chỉ khiến mọi người dè chừng và tránh xa bạn vì thói quen tiêu cực, thích “buôn chuyện”.
Khi bạn cống hiến đủ nhiều thì chắc chắn sẽ có những hồi đáp tương xứng. Thêm nữa, ở vòng phỏng vấn chắc hẳn bạn cũng đã được giải thích rõ ràng về phúc lợi và những gì bạn có thể nhận được. Do đó, buổi đầu tiên đi làm thì bạn đừng hỏi các câu kiểu như: “Khi nào được tăng lương?”, “Du lịch năm đi đâu?”, “Thưởng Tết bao nhiêu?”. Điều này chỉ khiến đồng nghiệp nghĩ bạn là kẻ ích kỉ, chỉ biết đòi hỏi hoặc ham vui hơn là một thành viên hữu ích cho tập thể.
Thông thường ngày đầu tiên đi chỉ là thời gian “khởi động” nên rất ít việc và hầu như nhiệm vụ của bạn đơn giản là làm quen với công việc, môi trường và đồng nghiệp. Do vậy, bạn sẽ không bị căng thẳng quá, trừ những trường hợp đặc biệt. Vì thế, bạn nên giữ sự vui vẻ, tập trung chuyên môn và tránh những lời than vãn hay thái độ tiêu cực.
Nếu bạn làm việc ở một công ty có nhiều người trẻ và hòa đồng thì có lẽ bầu không khí sẽ cởi mở, thân thiện và khá thoải mái. Tuy nhiên, đừng thấy mọi người dễ dàng trêu đùa vui vẻ mà bạn cũng “nhập cuộc” một cách quá nhiệt tình. Hãy “giữ ý” vì dù sao bạn cũng là người mới, chỉ nên cười đáp trả với những câu nói vui, và chỉ góp ý nếu được hỏi. Đó là thái độ chừng mực cần thiết giúp bạn tạo ấn tượng tích cực trong mắt cấp trên và đồng nghiệp trong ngày đầu tiên đi làm.