Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ngày về nhà của sản phụ từng chia đôi chiếc máy ECMO cuối cùng

TP HCM-Trên đường từ bệnh viện về nhà, sản phụ Thảo Trinh nhờ xe đưa sang nhà ông bà để được từ xa nhìn con trai đang say giấc, trong chốc lát.

Đây là lần đầu tiên người mẹ 29 tuổi được gặp con, sau hơn một tháng sinh, sau đó hôn mê do covid-19 chuyển nặng. chồng trinh cũng dương tính ncov, điều trị tại nhà. bé chào đời, may mắn âm tính, được xuất viện về nhà ông bà khi 5 ngày tuổi. tròn tháng, bé cân nặng 4 kg. bé là quả ngọt của hai vợ chồng sau 4 năm cưới nhau, đúng lúc hai vợ chồng tưởng chừng hết hy vọng do bệnh buồng trứng đa nang.

Sau phút hội ngộ ngắn ngủi với con hôm 3/9, ở khoảng cách 2 m, người mẹ lau nước mắt dưới kính chắn bảo hộ và lớp khẩu trang, quay ra xe về cách ly tại nhà 14 ngày. Trinh đã được Bệnh viện 175 điều trị khỏi Covid-19, sau những lúc tưởng chừng không thể qua khỏi.

"Tôi hạnh phúc tột cùng vì có thể chiến thắng tử thần để về gặp con, nhưng lại chỉ đứng từ xa chưa thể ôm con được, cảm giác rất khó tả", Trinh chia sẻ.

Thảo Trinh không kìm được nước mắt khi đứng cách xa nhìn con, sau hơn một tháng nằm viện điều trị Covid-19. Ảnh: Chính Trần

Thảo Trinh là ca can thiệp ECMO đầu tiên xuất viện trong số 7 ca sử dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Quân y 175, sau 1,5 tháng nơi này thiết lập đơn vị tuyến cuối điều trị Covid-19. Cô cũng là một trong hai cặp bệnh nhân được bệnh viện lần đầu áp dụng kỹ thuật "tách đôi" ECMO. Thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể này là vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.

Hơn một tháng trước, ngày 23/7, Trinh tự test nhanh dương tính sau vài ngày ho, sốt. Đến trạm y tế khai báo, hai vợ chồng được lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhận đều mắc Covid-19. Về cách ly tại nhà hai ngày, Trinh sốt cao, khó thở, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 rồi sang Bệnh viện Hùng Vương.

Ngày 29/7, cô trở dạ sinh thường bé trai nặng 2,8 kg. Em bé vừa chào đời đã trở thành F1, được nằm trong lồng kiếng, đặt ở chiếc nôi cạnh giường mẹ vài phút, trước khi chuyển sang cách ly tại khoa Nhi nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ.

Vượt cạn thành công, Trinh cảm thấy người nhẹ nhàng, khỏe khoắn hơn. Tuy nhiên, sau đó cô diễn tiến nặng, lần lượt thở oxy mũi, oxy qua mask, thậm chí oxy dòng cao vẫn không đáp ứng. Nhìn một thai phụ nằm ở giường kế bên qua đời khi chưa kịp sinh con, Trinh sợ hãi, nghĩ mình khó lòng vượt qua, sẽ phải vĩnh viễn không còn được gặp con. Điều an ủi duy nhất với Trinh lúc này là đã sinh được con an toàn.

"nếu em có mệnh hệ gì hãy thay em nuôi con", trinh nói với chồng qua điện thoại, rồi chìm vào mê man. tỉnh lại, nhìn thấy dòng chữ bệnh viện quân y 175 trên chiếc gối gác chân, trinh không nhớ đã được chuyển viện từ lúc nào. qua lời y bác sĩ, cô mới biết mình vừa trải qua một hành trình sinh tử nhiều chông gai, được may mắn dùng chiếc máy ecmo cuối cùng của thành phố khi nguy kịch, đêm 1/8.

Trong những tháng ngày vợ mê man trong viện, anh Huỳnh Tâm, 30 tuổi, phải cách ly tại nhà do dương tính. Không ghi nhận triệu chứng, anh chỉ ước ao được ở bên vợ. Từ một người ngủ rất sâu, anh chập chờn khó thành giấc, chỉ cần điện thoại rung nhẹ trong đêm là giật mình tỉnh dậy.

"Mỗi lần thấy số lạ gọi điện là tôi muốn đứng tim vì lo sợ phải nghe những tin không tốt", anh Tâm nói. Tìm hiểu về ECMO, anh biết rằng đây là phương pháp cuối cùng để cứu vợ, nếu không đáp ứng thì không còn cách nào khác. Nghĩ phải sẵn sàng chấp nhận sự thật với tình huống xấu nhất, anh vừa cầu mong phép màu, bởi "chưa từng nghĩ căn bệnh này đáng sợ đến mức như vậy".

Đến khi được bác sĩ gọi video cho nhìn thấy vợ sau 10 ngày "hoang mang đứng ngồi không yên", anh Tâm mới thở phào. Khi ấy, Trinh còn đang đặt ống thở, chưa nói chuyện được, nhưng có thể vẫy chào chồng. Những ngày sau đó, không ít lần Trinh mệt, khắp người toàn dây nhợ chằng chịt. Anh động viên vợ cố gắng mạnh mẽ để còn gặp chồng con, không phụ công sức của y bác sĩ đã tận tình cứu chữa.

Trinh chia tay các bác sĩ khi xuất viện, ngày 3/9. Ảnh: Chính Trần

Trong thời gian giành giật sự sống tại viện, Trinh còn được bác sĩ "chia đôi" ECMO, chia sẻ cơ hội với một sản phụ tình trạng nguy kịch khác. Sáng kiến này được thực hiện trong bối cảnh số lượng bệnh nhân cần can thiệp ECMO rất lớn, nhưng bệnh viện chỉ 3 máy ECMO.

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung, Bệnh viện Quân y 175, cho biết khi hai bệnh nhân liên kết với nhau qua một hệ thống, gây nhiều khó khăn hơn trong điều trị, đòi hỏi ê kíp càng phải nỗ lực. "Vấn đề về chống đông trong bệnh lý Covid, đặc biệt là với sản phụ là một thách thức lớn", bác sĩ Chung nói.

Chia sẻ về lý do quyết định tách đôi ECMO, điều chưa từng có tiền lệ, bác sĩ Chung cho biết trong hoàn cảnh nếu không làm gì thì chắc chắn bệnh nhân sẽ Tu vong, các y bác sĩ đã loay hoay tìm cách với nỗ lực "còn nước còn tát". "Chúng tôi không cho phép bi kịch xảy ra khi mà còn có thể làm điều gì đó để thay đổi kết cục", bác sĩ Chung nói.

Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhận định đây là một trong những bệnh nhân nặng nhất được cứu sống tại viện, nhờ vào nỗ lực không bỏ cuộc ngay cả những lúc hy vọng sống của bệnh nhân tưởng chừng mong manh nhất. "Bệnh viện đang tiếp tục trang bị thêm máy móc, trang thiết bị, nâng công suất giường, để cứu chữa thêm được nhiều bệnh nhân, dù biết rằng sẽ vất vả, tốn kém, mệt mỏi, nguy cơ cao hơn", ông Sơn nói.

Vợ chồng Trinh khi gặp lại nhau sau hơn một tháng. Ảnh: Chính Trần

Ngày 4/9, trong ngôi nhà nhỏ ở huyện Bình Chánh, Trinh được ăn những món ưa thích như canh chua, cá sốt cà do chồng nấu. Đã hết Covid, hồi phục sức khỏe nhưng Trinh vẫn còn hơi yếu cơ tay chân, phải tự tập vật lý trị liệu thêm.

"Trước đây hai vợ chồng ước mong kiếm được nhiều tiền để có cuộc sống sung túc. Sau đợt dịch này, mới thấy rằng sức khỏe là quan trọng nhất, chỉ cần được sống khỏe mạnh bên gia đình, chồng con là không hạnh phúc nào bằng", Trinh nói.

Lê Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/ngay-ve-nha-cua-san-phu-tung-chia-doi-chiec-may-ecmo-cuoi-cung-4350612.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY