Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Nghiên cứu khoa học khẳng định: Vắc-xin Pfizer và Moderna có khả năng tạo ra miễn dịch lâu dài, thậm chí suốt đời

Các nhà khoa học khẳng định, vắc-xin do Pfizer-BioNtech và Moderna sản xuất đã tạo ra phản ứng miễn dịch bền bỉ trong cơ thể, có thể bảo vệ cơ thể chống lại coronavirus trong nhiều năm.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết những người được tiêm phòng Covid-19 bằng vắc-xin mRNA có thể không cần Thu*c tăng cường, trừ khi virus và các biến thể của nó đã tiến hóa nhiều ngoài các dạng hiện tại của chúng.

Những người đã khỏi bệnh Covid-19 trước khi tiêm phòng Covid-19 có thể không cần tiêm nhắc lại, ngay cả khi virus đã có sự biến đổi đáng kể.

Ali Elebedi, nhà miễn dịch học tại Đại học Washington ở Quận St. Louis, Missouri (Hoa Kỳ) người dẫn đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, cho biết: "Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy việc tiêm vắc-xin này có thể tạo ra khả năng miễn dịch lâu bền như thế nào".

Nghiên cứu không xem xét vắc-xin Covid-19 do Johnson & Johnson sản xuất, nhưng TS Elebedi cho biết ông đã dự đoán rằng phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin này sẽ không mạnh mẽ bằng phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin do mRNA tạo ra.

Theo báo cáo tháng trước của TS Elebedy và các đồng nghiệp, ở những người đã mắc Covid-19, các tế bào miễn dịch có thể nhận biết virus này sẽ không hoạt động trong tủy xương ít nhất 8 tháng sau khi nhiễm. Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học khác chỉ ra rằng, những tế bào B (còn được gọi là tế bào trí nhớ) sẽ tiếp tục trưởng thành và phát triển trong ít nhất một năm sau khi bị nhiễm bệnh.

Dựa trên những phát hiện đó, các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng miễn dịch ở những người bị nhiễm SARS-CoV-2 đã tiêm chủng có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí suốt đời. Nhưng vẫn chưa rõ liệu chỉ tiêm vắc-xin có thể có tác dụng lâu dài tương tự hay không.

Nhóm của TS Elebedy đã cố gắng giải quyết câu hỏi đó bằng cách xem xét nguồn tế bào trí nhớ: các hạch bạch huyết, nơi các tế bào miễn dịch được "học cách" nhận biết và chống lại virus.

Sau khi bị nhiễm virus hoặc được tiêm chủng, một cấu trúc đặc biệt được gọi là "trung tâm mầm" hình thành trong các hạch bạch huyết. Cấu trúc này là một tập hợp điển hình của các tế bào B - nơi chúng ngày càng trở nên tinh vi và học cách nhận ra những kiểu biến đổi đa dạng của virus.

Phạm vi hoạt động của các tế bào này càng rộng lớn và lâu dài thì chúng càng có nhiều khả năng ngăn chặn nhiều biến thể của virus.

Marion Pepper, nhà miễn dịch học tại Đại học Washington ở Seattle (Hoa Kỳ) cho biết: "Mọi người luôn tập trung vào các biến chủng của virus và tế bào B cũng làm điều tương tự khi bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể tiến hóa liên tục của virus".

"Trung tâm mầm" được hình thành trong phổi sau khi nhiễm coronavirus. Nhưng sau khi tiêm vắc-xin, việc "đào tạo" các tế bào sẽ xảy ra trong các hạch bạch huyết ở nách, và điều này cũng nằm trong sự kiểm soát của các nhà nghiên cứu.

TS Elebedy và các đồng nghiệp của ông đã tuyển dụng 41 người, trong đó:

- 8 người có tiền sử nhiễm virus, đã được tiêm chủng bằng 2 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech.

- 14 người được trích xuất các mẫu từ các hạch bạch huyết sau 3, 4, 5, 7 và 15 tuần kể từ khi tiêm phòng liều đầu tiên.

Akiko Iwasaki, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Yale, cho biết: "Rất khó để thực hiện loại phân tích định kỳ này cẩn thận ở người".

Nhóm của TS Elebedy phát hiện ra rằng thậm chí 15 tuần sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên, trung tâm mầm đã hoạt động mạnh ở tất cả 14 người tham gia và không có sự suy giảm số lượng tế bào kí ức nhận dạng được coronavirus.

"Thực tế là các phản ứng vẫn tiếp tục trong khoảng 4 tháng sau khi tiêm vắc-xin - đó là một dấu hiệu rất tốt", TS Elebedy nói.

Deepta Bhattacharya, một nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, cho biết: "Thường thì các phản ứng sẽ không còn nhiều nữa sau khoảng 4-6 tuần. Nhưng các trung tâm mầm được cơ thể tạo ra sau khi tiêm vắc-xin mRNA vẫn hoạt động tốt, hàng tháng trời sau khi tiêm và hầu như không suy giảm nhiều".

TS Bhattacharya cho biết phần lớn những gì các nhà khoa học biết về sự tồn tại của các trung tâm mầm dựa trên nghiên cứu trên động vật. Nghiên cứu mới đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các tác dụng trên cơ thể người sau khi tiêm chủng.

Kết quả cho thấy một phần lớn những người được tiêm chủng sẽ được bảo vệ trong một thời gian dài - ít nhất là chống lại các biến thể coronavirus hiện có. Những người lớn tuổi, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu và những người dùng Thu*c ức chế miễn dịch có thể cần được tiêm thêm liều tăng cường. Những người đã từng mắc Covid-19 và sau đó đã được chủng ngừa có thể không bao giờ cần phải tiêm thêm liều tăng cường này.

Khó có thể dự đoán được tác dụng của vắc-xin mRNA sẽ kéo dài trong bao lâu. Các chuyên gia cho biết, trong trường hợp không có các biến thể làm giảm khả năng miễn dịch, về lý thuyết khả năng miễn dịch có thể tồn tại suốt đời. Nhưng rõ ràng virus này vẫn đang tiến hóa.

Những người bị nhiễm coronavirus, sau đó được tiêm chủng sẽ có mức độ kháng thể tăng đáng kể, rất có thể là do các tế bào B nơi tạo ra kháng thể đã có vài tháng để phát triển trước khi tiêm chủng.

"Tin tốt: Một liều vắc-xin tăng cường có thể có tác dụng tạo ra lượng kháng thể lớn như khi một người đã khỏi bệnh được tiêm vắc-xin", TS Alebedi nói. Đề cập đến các tế bào bộ nhớ B, ông cho biết thêm: "Nếu bạn cho những tế bào này thêm một cơ hội tiếp xúc với virus, chúng sẽ có những phản hồi trên cả tuyệt vời."

TS Alebedi cho rằng, nếu chỉ xét về mặt tăng cường hệ thống miễn dịch, tiêm chủng "có lẽ tốt hơn" so với việc hồi phục sau khi bị nhiễm Covid-19. Các nghiên cứu khác đã gợi ý rằng hiệu suất của tế bào B được tạo ra sau khi tiêm chủng đa dạng hơn hiệu suất được tạo ra do nhiễm bệnh. Như vậy, vắc-xin sẽ bảo vệ cơ thể chống lại các biến thể tốt hơn so với miễn dịch tự nhiên.

(Nguồn: NYtimes)


Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-khang-dinh-vac-xin-pfizer-va-moderna-co-kha-nang-tao-ra-mien-dich-lau-dai-tham-chi-suot-doi-20210628211357344.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY