Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nghiên cứu từ Nhật Bản: Ăn quá ít tinh bột nguy cơ tử vong sớm

(MangYTe) - Theo một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, hạn chế ăn tinh bột có thể làm tác động tiêu cực tới tuổi thọ và nguy cơ tử vong sớm.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Journal of Nutrition cho thấy các kiểu ăn uống thái quá liên quan đến carbohydrate và chất béo (bao gồm ăn quá nhiều lẫn quá ít) tác động rất tiêu cực đến tuổi thọ.

Nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Takashi Tamura từ Trường Y khoa thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã phân tích dữ liệu của 81.333 người cả nam lẫn nữ, với thời gian theo dõi trung bình là 9 năm.

Họ được khảo sát chi tiết về chế độ ăn uống để đánh giá mức độ tiêu thụ carbohydrate (chủ yếu được cung cấp bởi tinh bột và đường) và chất béo (bao gồm chất béo bão hòa và không bão hòa). nghiên cứu xác nhận lời khuyên rằng tiêu thụ quá nhiều hai thứ nói trên làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Tác động mạnh mẽ nhất đối với việc tiêu thụ quá nhiều carbohydrate được ghi nhận ở những phụ nữ mà carbohydrate chiếm 65% năng lượng tiêu thụ hàng ngày, làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Trong khi đó các quý ông mà chất béo chiếm 35% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày có nguy cơ tử vong do ung thư tăng lên.

Tuy nhiên, ăn kiêng tinh bột, chất béo quá nghiêm ngặt lại đem đến tác hại thậm chí còn lớn hơn, làm tăng cả nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nói chung lẫn nguy cơ tử vong do ung thư. Với carbohydrate, tác động mạnh mẽ nhất ghi nhận ở quý ông. Nam giới tiêu thụ carbohydrate ít hơn 40% tổng năng lượng hàng ngày, làm gia tăng mạnh cả hai nguy cơ.

Ăn ít tinh bột nguy cơ tử vong sớm. Ảnh minh họa

Trong khi đó, tiêu thụ ít chất béo không bão hòa gây hại cho cả hai giới. Đây là loại chất béo "tốt" vẫn được khuyên dùng, thường có trong rau, đậu, một số loại hạt, một số loại dầu thực vật như dầu ô liu, hướng dương, mè, đậu nành...

Theo các tác giả, kết quả này rất quan trọng vì hạn chế carbohydrate và chất béo hiện là chiến lược ăn kiêng được ưa chuộng nhằm cố gắng cải thiện ngoại hình và sức khỏe. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo cho thấy kiêng quá nghiêm ngặt thì lợi ích ngắn hạn - ví dụ như cải thiện ngoại hình - có thể bị lấn át bởi rủi ro dài hạn và nguy hiểm hơn.

Đề cập tới vấn đề tác hại khi ăn ít yinh bột, theo thông tin từ bệnh viện vinmec, tiêu thụ quá nhiều tinh bột (carbohydrate) có thể khiến cho lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng, ngược lại, khi ăn quá ít tinh bột có thể khiến lượng đường huyết giảm xuống quá thấp. trong khi đó, não bộ chúng ta cần một lượng lớn tinh bột để có thể thực hiện các chức năng như bình thường. do đó việc ăn ít hoặc không ăn tinh bột có thể làm tổn thương não bộ và dẫn đến các hệ lụy sức khỏe khác.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, một chế độ ăn uống lành mạnh nên có lượng carbohydrate chiếm khoảng 45 – 65% tổng lượng calo và giới hạn đường bổ sung không nên vượt quá 10% tổng lượng calo. Một chế độ ăn quá ít carbs có thể dẫn đến những tình trạng như táo bón, hôi miệng, nghiêm trọng hơn là bị sỏi thận, suy thận hoặc bệnh gút do tăng lượng chất béo và protein. Ngược lại, nếu tiêu thụ quá nhiều carbs có thể dẫn đến suy dinh dưỡng do giảm lượng protein và chất béo trong cơ thể.

Tuy nhiên, không phải tất cả carbohydrate trong thực phẩm đều góp phần tạo ra năng lượng vì chúng có thể thay đổi theo khẩu phần. Do đó, khái niệm “lượng đường huyết” được đưa ra nhằm phản ánh sự đóng góp năng lượng của carbohydrate trong mỗi khẩu phần ăn một cách chính xác hơn.

Trước hết nên sử dụng thiết bị thông minh hoặc công cụ trực tuyến để có thể ước tính một cách chính xác nhất về lượng carbohydrate hiện tại. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như nền tảng di truyền của mình có thể đưa ra quyết định duy trì, tăng hoặc giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Nhìn chung nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, đồng thời tăng lượng thực phẩm có GI thấp trong chế độ ăn uống của mình để hỗ trợ mức đường huyết luôn khỏe mạnh và duy trì nguồn cung cấp năng lượng liên tục.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. một số loại thực phẩm có chỉ số gi cao, chẳng hạn như bí ngô và dưa hấu, nhưng lại có chỉ số hấp thụ tinh bột vào cơ thể (gl) ở mức trung bình hoặc thấp. nghĩa là tác động của chúng đối với lượng đường trong máu không đáng kể hoặc không gây ra nhiều bất lợi đối với sức khỏe. những loại thực phẩm này cũng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi và đóng vai trò là nguồn thực phẩm cân bằng.

Khi lựa chọn thực phẩm có chỉ số GI thấp nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa carbohydrate phức tạp, cũng như nhiều chất xơ. Những nguồn carbohydrate “tốt” bao gồm ngũ cốc (đặc biệt là những loại được tăng cường chất xơ), ngũ cốc chưa qua chế biến (lúa mạch, bột yến mạch, quinoa,...), đậu, gạo lứt, trái cây và rau.

Cuối cùng, điều quan trọng là duy trì một cân nặng hợp lý. Việc ăn nhiều sẽ dẫn đến nạp quá nhiều calo. Nguồn năng lượng dư thừa, cho dù đến từ ngũ cốc nguyên hạt hay đường tinh khiết trong chế độ ăn uống của bạn sẽ được chuyển hóa thành chất béo và tích trữ trong cơ thể, dẫn đến thừa cân và béo phì.

Ngọc Nga (T/h)

Mạng Y Tế
Nguồn: VietQ (https://vietq.vn/nghien-cuu-tu-nhat-ban-an-qua-it-tinh-bot-nguy-co-tu-vong-som-d213859.html)

Chủ đề liên quan:

cảnh báo tinh bột tinh bột ung thư

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY