Khoa học hôm nay

Ngọn lửa kỳ bí âm ỉ cháy suốt 6.000 năm tại Australia

Tại công viên quốc gia cách Sydney (Australia) 4h đồng hồ lái xe về phía Bắc, có một ngọn lửa đang cháy âm ỉ. Vấn đề là, nó đã cháy liên tục như vậy trong ít nhất là 6.000 năm qua.

Nằm sâu dưới lòng đất của núi Wingen (bang New South Wales) với tên gọi “Núi Burning - Núi Cháy", nó là ngọn lửa bí ẩn nhất, và cũng cổ xưa nhất hành tinh này. Thậm chí con số 6.000 năm nói trên cũng chưa hẳn chính xác, vì nhiều nhà khoa học cho rằng niên đại của nó còn xa hơn thế.

Núi Wingen là vỉa than cháy chậm tự nhiên duy nhất của xứ sở chuột túi. Đồng thời, nó cũng là mỏ than cháy lâu đời nhất trên thế giới, âm ỉ liên tục suốt 6 thiên niên kỷ ở độ sâu 30 m.

Lời truyền miệng từ xa xưa

Núi Burning là một phần của lãnh thổ rộng lớn thuộc sở hữu của người Wanaruah, trải dài từ Broke đến dãy Liverpool. Từ Wingen có nghĩa là “lửa” trong ngôn ngữ của người Wanaruah. Một số bằng chứng xác nhận từ xa xưa, con người đã sử dụng nhiệt của ngọn núi để làm ấm trong những tháng mùa đông, nấu ăn và rèn các công cụ.

Ngày nay, biệt danh của núi Cháy thậm chí còn nổi tiếng với du khách hơn tên thật của nó - Núi Wingen. Ảnh News NPR.

Thần thoại Wanaruah truyền qua nhiều thế hệ kể rằng, trước kia, người Gumaroi từ phía bắc dãy Liverpool, phái một đoàn đột kích xuống phía Nam để cướp phụ nữ Wanaruah về làm vợ. Được bộ tộc Wiradjuri ở phía tây cảnh báo, những chiến binh Wanaruah tinh nhuệ nhất ra trận đối đầu với kẻ thù.

Một trong những người phụ nữ Wanaruah quyết định ngồi bên một rìa núi trên dãy Liverpool để đợi chồng. Khi chiến binh này mãi mãi không trở về, người vợ vô cùng đau lòng. Cô khóc lóc, cầu xin Biami, vị thần của bầu trời, hãy cho mình ch*t theo chồng.

Thay vì lấy mạng của người phụ nữ tội nghiệp, thần Biami biến cô thành đá. Và nước mắt khóc chồng của cô biến thành lửa, cháy phía dưới ngọn núi Burning vĩnh viễn.

Ngọn lửa 6.000 năm không dập tắt

Lý do có sự âm ỉ nằm ở thềm đất của ngọn núi này là than đá. Một khi đã bắt lửa, sẽ là không thể dập tắt được. Chậm rãi nhưng mãnh liệt, lửa cứ lan dần theo vỉa than, tạo ra một vùng đất đỏ rực.

“Không ai biết được quy mô chính xác của ngọn lửa bên dưới ngọn núi này, chỉ có thể ước tính. Giống như một trái bóng với đường kính 5 – 10 m, và nhiệt độ tầm hơn 1.000 độ C”, Guillermo Rein, Giáo sư khoa học tại ĐH Imperial College London cho biết.

Giáo sư Guillermo Rein chụp ảnh tại núi Burning. Ảnh Science Alert.

Rein ghé đến ngọn núi bùng cháy này vào năm 2014. ông nhận thấy không giống như lửa bình thường, lửa tại đây cháy âm ỉ trong lòng đất. nghĩa là nói chính xác thì nó không có “ngọn”, mà giống như lửa than dùng để nướng thịt.

Theo Rein ước tính, lửa trên núi Wingen đang cháy trong phạm vi 30 m dưới lòng đất, và dịch chuyển với tốc độ 1 m về hướng Nam mỗi năm. Nhìn chung, sự tồn tại của ngọn lửa là không mấy rõ ràng.

Bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của nó là khói và tro xám, với nền đất còn ấm nóng và đá xung quanh chuyển thành màu vàng và đỏ. Dẫu vậy, mảnh đất nơi có ngọn lửa thì khá dễ thấy, vì không thể có cây cối mọc lên.

Trên thực tế, thế giới cũng có khá nhiều ngọn lửa tương tự tại Ấn Độ, Trung Quốc, và ngay cả ở Mỹ. Nhưng chủ yếu nó xảy ra do tác động của con người khiến các vỉa than bắt lửa. Như ngọn lửa tại Centralia (Pennsylvania) đã rực cháy suốt 60 năm.

Bản đồ cho thấy vị trí ngọn núi Burning. Ảnh Science Alert.

Ai đã châm lửa?

Một câu hỏi... không có câu trả lời. đúng hơn là không ai chắc chắn được cả. tài liệu đầu tiên ghi nhận về ngọn lửa này xuất hiện từ năm 1828, khi một nông dân địa phương cho rằng mình đã tìm ra miệng núi lửa tại khu vực núi mount. nhưng 1 năm sau, nhà địa chất học reverend cpn wilton mới kết luận được đây thực chất là lửa vỉ than.

Các tính toán cho thấy con đường ngọn lửa đi qua lên tới 6,5 km, nghĩa là nó đã tồn tại ít nhất là 6.000 năm. Nhưng thông tin chỉ có vậy, vì có rất ít nghiên cứu chính thức được thực hiện. Khu vực này được xem là linh thiêng với người Wanaruah bản địa, được họ sử dụng để nấu nướng và làm vũ khí. Theo Rein, nguyên nhân phát lửa nhiều khả năng là do tự nhiên.

“Cũng không thể bác bỏ khả năng có tác động từ người xưa, nhưng tỉ lệ cao là nguyên nhân tự nhiên. Có thể là do cháy rừng từ một tia sét nào đó đã khiến vỉa than bắt lửa. Hoặc đơn giản là khi nó nóng quá sẽ tự bùng cháy”.

Hiện tượng “tự cháy” xảy ra khi vỉa than nằm quá gần mặt đất, đủ để nó tiếp xúc với oxy. Và rồi khi trải qua chuỗi ngày nắng nóng liên tục, phần than này sẽ nóng đủ để tạo ra ngọn lửa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hiện tượng “tự cháy” với than sẽ rơi vào phạm vi nhiệt độ từ 35 - 140 độ C, nghĩa là không hề khó xảy ra.

Điều gây tò mò nhất hiện tại là niên đại thực sự của ngọn lửa này. Các chuyên gia đang cho rằng nó cổ xưa hơn con số 6.000, thậm chí có thể lên tới hàng trăm ngàn. Một câu hỏi khác là ngọn lửa này sẽ cháy trong bao lâu. Cũng không ai chắc được cả. Chỉ biết rằng hiện tại, oxy cấp cho ngọn lửa này vẫn rất dồi dào.

“Nó có thể cháy tiếp hàng ngàn năm nếu không có sự tác động của con người,” Rein nhận xét.

Mà ngay cả khi con người có can thiệp, để dập tắt nó cũng là rất khó. Sẽ cần rất nhiều nước và nitơ lỏng. Như trường hợp tại Trung Quốc năm 2004 đã cố gắng dập một ngọn lửa cháy suốt 50 năm, để rồi phải chứng kiến nó vẫn tồn tại trong nhiều năm sau đó.

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/ngon-lua-ky-bi-am-i-chay-suot-6000-nam-tai-australia-5677362.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY