Giữa cái nắng oi bức của miền trung, pv thanh niên tìm về ngôi nhà nhỏ của ngư dân trịnh phong (48 tuổi, ở thôn đông tuần, xã tam hải, h.núi thành, quảng nam) khi hay tin ngư dân này mất tích lúc câu mực ngoài biển khơi.
Bà trịnh thị bốn (54 tuổi, chị gái ông phong) cho biết trước khi mất tích, ông phong đi biển trên tàu câu mực qna-91417 ts (công suất 822cv) do ông nguyễn tấn lực (37 tuổi, xã tam giang, h.núi thành) làm thuyền trưởng. tàu xuất bến ngày 27.2, trên tàu có 48 lao động.
Khoảng 17 giờ ngày 19.3, ông phong chèo thúng chai chong đèn câu mực, đến khoảng 19 giờ cùng ngày, các ngư dân trên tàu phát hiện đèn vẫn sáng, đồ đạc trên thúng chai vẫn còn nguyên nhưng lại không thấy ông đâu. sau đó thuyền trưởng liên hệ các tàu cá gần đó tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. đến 8 giờ ngày 21.3, thuyền trưởng báo tin ngư dân phong mất tích về cho gia đình.
Cụ Thắm thắp hương cho đứa con trai xấu số của mình.
ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
“Tôi đang ở đám giỗ nhà chồng thì nhận được điện thoại của vợ chủ tàu báo là em trai tôi đã mất tích. Điện thoại vừa tắt, tôi dường như ngã quỵ. Tôi liền thông báo cho người em trai (anh trai ngư dân Phong - PV) và cả hai đều giấu không cho mẹ biết. Lúc đó, mẹ mà biết chắc cụ ch*t mất”, bà Bốn lau vội nước mắt nói.
Theo bà Bốn, ông Phong từng sống sót kỳ diệu một lần khi vào ngày 10.11.2014, trong lúc dùng thúng chai đi câu cá thì gặp trời mưa to, gió giật mạnh, ông bị sóng cao đánh văng xuống biển và bị cuốn trôi cách chiếc thúng chai khoảng 1km. Cố sức bơi theo chiếc thúng suốt một giờ nhưng không đến được gần, đành bất lực nhìn nó bị nước đẩy ngày càng xa. Không còn cách nào khác, ông đành hụp lặn bơi vào hướng bờ.
“Cố rướn người vượt qua những con sóng lớn, may mắn em trai tôi bám được một mảnh xốp nhỏ bằng cánh tay người. Một tay bám vào mảnh xốp cho đỡ mỏi, anh dùng tay còn lại bơi ngược dòng vào bờ. Đến rạng sáng cùng ngày, Phong dạt vào bờ biển xã Bình Thuận (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi). Sau đó được người dân giúp đỡ, đồng thời liên hệ với gia đình vào đón về”, bà Bốn nhớ lại.
Cũng theo bà Bốn, sau khi vượt qua đại nạn sống sót trở về, ông Phong kể dù vị trí gặp nạn chỉ cách bờ khoảng 2 hải lý nhưng do dòng nước chảy nên ông phải bơi hàng chục hải lý trong 9 giờ đồng hồ.
Là con út trong gia đình nghèo có 6 anh chị em, khi ông Phong vừa tròn 2 tuổi thì bố mất. Những năm tháng sau đó, ông liên tiếp đón nhận những đau thương khi 3 anh chị đầu lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Ông cùng mẹ tảo tần gồng gánh gia đình qua khó khăn.
Bà Trịnh Thị Bốn buồn bã kể về cuộc đời em trai mình
ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Giờ đây, trong căn nhà cấp 4, một bàn thờ được lập lên nghi ngút khói hương. Mẹ ông lại đón nhận thêm nỗi đau từ ngày con trai mất tích. Mỗi chiều, cụ Trần Thị Thắm (82 tuổi, mẹ ngư dân Trịnh Phong) lại ra trước hiên, nhìn về dòng sông Trường Giang như cầu nguyện để kỳ tích một lần nữa sẽ đến với con trai mình. Nhưng hơn 1 tháng trôi qua, mọi mong ngóng của cụ Thắm đã trở thành vô vọng.
Người mẹ già với tâm trí không còn minh mẫn dường như không đủ nước mắt để khóc. "Từ khi hay tin em trai mất, mẹ tôi chỉ biết ngồi một góc trước hiên nhà, thỉnh thoảng lại cười nói một mình. Em trai mất tích, mẹ tôi không hề khóc. Bởi lẽ, bà còn nước mắt nữa đâu mà khóc. Cuộc đời bà đã quá nhiều đau thương rồi!”, bà Bốn nói trong nước mắt.
Ở cái tuổi 48, dường như ai cũng đã có gia đình riêng với con cái đề huề. Nhưng, với ngư dân Trịnh Phong thì lại khác. Vì thương mẹ già, ông quyết ở vậy, bám biển nuôi mẹ.
“Em tôi nó hiền hậu lắm. Ở xóm không làm mất lòng ai và cũng chưa bao giờ làm mất lòng bạn thuyền nào. Thương mẹ nên nó cũng không dám lấy vợ”, bà Bốn nghẹn ngào.
Đôi mắt đượm buồn của cụ Thắm hướng về sông Trường Giang chờ đợi con trai trong vô vọng
ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Theo bà Bốn, nơi mà cụ Thắm và ông Phong đang tá túc không phải nhà gia đình xây mà đó chị là nhà thờ tộc. Sau năm 1980, đi kinh tế mới ở Bình Thuận về, vì không có nơi ở nên cả 4 mẹ con đành mượn căn nhà thờ tộc tá túc cho đến hôm nay. Hiện nay, căn nhà đã xuống cấp, gỗ bị mối ăn, mùa mưa bị dột nên vào mưa bão phải đi tá túc nơi khác.
“Tôi và em trai thì đều khó khăn nên không giúp gì được cho mẹ. Khi Phong mất tích, hai chị em tính đưa mẹ về nhà nuôi, chăm sóc nhưng cụ nhất quyết không chịu, rồi bảo: “Mẹ ở đây để đợi em trai các con về. Mẹ không đi đâu cả”. Giờ mẹ không chịu thì chúng tôi đành phải thay nhau ra vào chăm sóc mẹ thôi. Cuộc sống khó khăn quá cũng là một cái tội”, bà Bốn khóc nức nở.
Ngồi một góc hiên nhà, ánh mắt mờ đục nhìn ra dòng sông Trường Giang, cụ Thắm thỉnh thoảng lại gọi tên con trai mình: “Phong ơi! Con ở đâu, sao không về với mẹ" khiến những ai chứng kiến không khỏi xót xa.