Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Người dân có nhu cầu thực gặp khó khi mua nhà giá rẻ

Năm 2018 nguồn cung phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%

"Siết" bất động sản sẽ đẩy giá nhà đất lên rất cao

Hiện trên cả nước có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho bất động sản (BĐS) khoảng 104.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel (căn hộ du lịch),...

Đánh giá về nguồn cung nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đ/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

Thị trường BĐS năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 xuất hiện tình trạng thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc trung, cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Vì vậy, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS. Đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường.

Trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, giao dịch “đóng băng”, thủ tục hành chính kéo dài, nếu Bộ Xây dựng dùng một mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường như nói trên là đang được nhiều chuyên gia cho là bất hợp lý, việc này sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao và người dân nghèo càng khó mua được nhà đất. Hãy để thị trường tự vận hành, để các doanh nghiệp tự quyết định đầu tư vào phân khúc nào họ thấy phù hợp.

Nếu đầu tư sai lầm, giá cao sẽ không bán được và doanh nghiệp sẽ bị lỗ vốn và tự đào thải. Mỗi một phân khúc đều có chức năng, phục vụ các đối tượng có nhu cầu. Việc Bộ cấm đoán sẽ làm thị trường phát triển lệch lạc, không theo quy luật cung - cầu.

Vấn đề quan trọng nhất là các quan chức năng cần thực hiện tốt khâu hậu kiểm. Đơn vị nào làm sai, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.

Nếu “siết chặt” mà không có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đang bị “ngâm” thủ tục cấp phép là đi ngược lại quy luật của thị trường. Điều này sẽ khiến số lượng sản phẩm nhà ở (căn hộ) khan hiếm, giá nhà đất bị đẩy lên rất cao.

Thị trường sẽ càng khan hiếm và người dân có nhu cầu thực không còn cơ hội mua nhà giá rẻ, số lượng dự án căn hộ đầy đủ pháp lý đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó là những lo lắng về việc xuất hiện nhiều hơn các “dự án ma”, “dự án bánh vẽ” gây mất an ninh trật tự, tác động xấu đến thị trường bất động sản.

P.V

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/nguoi-dan-co-nhu-cau-thuc-gap-kho-khi-mua-nha-gia-re-post77721.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY