Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Người phụ nữ phố núi có con trai bệnh tật nhưng vẫn nhận chăm sóc cậu bé khoèo chân, mồ côi mẹ

MangYTe – Chị đã có 2 con trai, nhưng vẫn mở lòng đón bé trai bị tàn tật, đang là học sinh ở Nậm Khòa (Hà Giang) về chăm sóc với mong muốn giúp bé có lại những bước đi bình thường.

Thông tin chị Trần Mai Vy (phố Đoàn Thị Điểm, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) "một nách hai con" nhưng mới đây lại nhận bé trai 8 tuổi, người dân tộc Nùng, bị tàn tật về nuôi khiến nhiều người thán phục.

Đôi chân của bé Chiến trước khi được các nhà từ thiện đưa sang Úc phẫu thuật.

Chị Mai Vy tâm sự, cuộc đời chị có 3 lần sống chậm. Lần đầu là khi con trai Trần Trung Đức ra đời, bác sĩ báo con bị vàng da nhân – nhiễm trùng máu. 15 ngày trong bệnh viện, chị vật vã với tận cùng đau khổ.

Nhưng rồi chị nhận ra không nên né tránh bất cứ điều gì trong cuộc sống này, chị nghĩ cách để cứu con trai. Tìm đọc nhiều cuốn sách liên quan đến bệnh của con, gặp nhiều bác sĩ đông - tây y có tiếng xin chữa bệnh cho con, có lúc chị thấy bất lực và đau khổ khi nghe bảo "đứa bé sẽ sống không quá 12 tuổi".

Con trai Trung Đức với em trai và bé Chiến.

Trở về, chị quyết dạy dỗ con trai như một người bạn và cùng chia sẻ mọi việc để con trai hiểu rằng phải sống và cố gắng mọi thứ như một người bình thường, không tật nguyền. Thấm thoắt bé Đức ngày ấy đã 17 tuổi, là niềm hãnh diện của chị dù vẫn mang trong mình bệnh cũ, nhưng với chị con trai Trung Đức thật hoàn hảo.

Bé Chiến bây giờ đang được chị Mai Vy chăm sóc hàng ngày. Ảnh gia đình cung cấp.

Cuối năm 2019, chị lại một lần sống chậm trong bệnh viện ở Melbourne (Australia) trong thời tiết lạnh 4 - 5 độ C. Chị nhận lời với các nhà từ thiện để đưa bé Lù Văn Chiến sang Úc phẫu thuật đôi chân khoèo tàn tật khiến bé từ khi sinh ra tới giờ phải lết đi bằng tứ chi.

Chị không sinh ra con nhưng suốt 9 giờ ngồi ngoài phòng mổ mà trái tim chị như bị bóp nghẹt. Bé Lù Văn Chiến là người dân tộc Nùng, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khòa (Hà Giang). Hoàn cảnh bé thật xót xa, mẹ thì mất sớm, bố mắc vòng lao lý, bản thân thì tật nguyền, chỉ có bà nội nuôi ở tận vùng núi Hà Giang.

3 anh em ở nhà chơi và học với nhau trong 21 ngày giãn cách xã hội. Ảnh gia đình cung cấp.

Những giây phút sống thật chậm ấy, chị chợt nghĩ, với đôi chân vừa phẫu thuật, bé Chiến trở về vùng cao không có người thân có kiến thức để chăm lo hậu phẫu, rồi dạy bé bỏ xe tập đi… thì uổng công các anh chị đã tìm cách đưa bé đi Úc chữa bệnh, uổng phí công Giáo sư Tôn phẫu thuật cho bé. Vì vậy, chị xin với các nhà từ thiện đưa bé về Kon Tum để tiện chăm sóc.

Đến hôm nay chị đã dạy bé bỏ xe và bé đã tự đạp xe dạo quanh nhà, líu lo ca hát. Bé đã trở thành con chung của rất nhiều ân nhân và đang là cậu con trai út ít trong nhà chị.

Chị Mai Vy giúp bé Chiến tập phục hồi chức năng cho đôi chân. Ảnh gia đình cung cấp.

Tạm thời bây giờ bé Chiến cứ ở với "mẹ Mai Vy", sau này ba bé đi làm và có điều kiện sống tốt hơn sẽ đón con về sau. Cũng may là bé Chiến đã học lên lớp 2, các thầy cô giáo ở trường Nậm Khòa đã dạy bé có vốn tiếng Kinh ít ỏi. Hàng ngày chị dành thời gian dạy cho bé nhớ mặt chữ để vào năm học mới có thể đi học tiếp.

Bé Chiến tập đi xe. Ảnh gia đình cung cấp.

Trong đợt cách ly toàn xã hội 21 ngày, bé Chiến và hai con trai của chị Vy vui vẻ học tập, chơi đùa trong trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn ở TP Kon Tum. Nhiều người kêu cách ly buồn chán nhưng với 4 mẹ con chị thì rất vui, trò chuyện, học bài, nấu ăn, vui chơi, ca hát... Chị chuẩn bị kỹ cho các con 21 ngày ở nhà, tuy công việc khó khăn hơn, thu nhập giảm nhưng cả xã hội đều vậy.

Niềm vui của chị Mai Vy là thấy được những nụ cười trong mắt các con. Ảnh gia đình cung cấp.

Chị Mai Vy hạnh phúc vì có tới 3 công việc mà chị vô cùng yêu thích, đó là đi dạy học, làm tư vấn viên cho một dòng mỹ phẩm và làm từ thiện. Mỗi ngày chị nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của những bà mẹ đang sống trong bế tắc vì bệnh tật của các con và cái nghèo đeo đẳng, chị đã trò chuyện và gieo cho họ hy vọng vào tương lai rộng mở hơn.

Những biến cố trong đời và những ngày sống thật chậm đã cho chị Mai Vy có những suy nghĩ tích cực dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sống thật chậm để thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ so với những người đang ở tuyến đầu đang căng mình ngày đêm để chữa trị, chăm lo cho các bệnh nhân COVID-19.

Cuộc sống này đáng quý và ý nghĩa biết bao khi sống là để cho đi, để thấy được niềm vui và nụ cười trong mắt những đứa trẻ. Mỗi ngày trôi qua dù biết bao điều phải lo lắng, phải suy nghĩ, phải phiền lòng... nhưng vẫn thấy mình may mắn vì được làm việc và chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Sự (Tổ trưởng Tổ 5, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chị Mai Vy là giáo viên, có cách sống hòa nhã với mọi người xung quanh. Mấy tháng trước thấy chị đưa bé Chiến đau ốm bệnh tật đi chữa bệnh. Giờ bé đã khỏe mạnh hơn, mấy mẹ con đang giúp bé Chiến tập phục hồi chức năng ở nhà.

Ngọc Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nguoi-phu-nu-pho-nui-co-con-trai-benh-tat-nhung-van-nhan-cham-soc-cau-be-khoeo-chan-mo-coi-me-20200429104637079.htm)

Tin cùng nội dung

  • Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Parkinson
  • Tài liệu này đựơc biên soạn tiếp theo Tài liệu hướng dẫn tập vận động cho bệnh nhân yếu nửa người giai đoạn sớm, nhằm mục đích cung cấp cho bệnh nhân và người nhà những thông tin cần thiết cũng như cách tập luyện tại nhà sau khi bệnh nhân được xuất viện
  • Các liệu pháp dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện, duy trì chất lượng cuộc sống và tăng khả năng hồi phục bệnh.
  • Việc ăn uống bằng miệng luôn là tốt nhất nếu có thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có đủ dinh dưỡng qua đường miệng vì các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư. Một số loại Thu*c giúp tăng cảm giác thèm ăn có thể được sử dụng.
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Tại sao phụ nữ luôn lép vế hơn ở chốn công sở dù đã nỗ lực rất nhiều. Có thể bởi phái đẹp vẫn mắc phải những sai lầm phổ biến sau đây.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Cài đai an toàn bảo vệ bạn và em bé khỏi thương tích hoặc Tu vong trong trường hợp bị T*i n*n xe hơi. Bạn nên cài đai an toàn dù ngồi ở bất cứ vị trí nào trong xe.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY