Dinh dưỡng hôm nay

Là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng các chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng: cung cấp chế độ ăn thường và chế độ ăn uống tuỳ theo bệnh lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú, phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng, tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân,….

Người tăng huyết áp cần tránh thực phẩm nào

Tăng huyết áp là bệnh phổ biến, và là một yếu tố, nguy cơ rất quan trọng, trong bệnh lý của tim và các mạch máu.

Phát hiện và điều trị sớm, đúng cách tình trạng tăng huyết áp, sẽ góp phần giảm được rõ rệt, tỷ lệ các biến chứng về tim mạch như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, vân vân. Một chế độ ăn hợp lý, khoa học, là một nhân tố quan trọng, để phòng và chống tăng huyết áp hiệu quả.

Yêu cầu dinh dưỡng đối với người bệnh tăng huyết áp là: ăn uống hợp lý, đủ chất, bảo đảm cho tim mạch hoạt động tốt, tránh hoặc hạn chế các bệnh gây tăng huyết áp như: vữa xơ động mạch, cholesterol máu cao, tiểu đường, suy gan, thận, vân vân. Muốn thế, cần thực hiện việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm như sau:

1. Năng lượng: 35Kcal/Kg cân nặng/ngày. Người thừa cân và béo phì thì cần ít hơn, để giảm cân, vì giảm cân là một yếu tố hạ huyết áp rất có hiệu quả.

2. Chất đạm, protein: 0,8 đến 1g/kg cân nặng/ngày: Cá là thức ăn tốt đối với hệ tim mạch, vì có những chất bảo vệ tim hiệu quả. Tuy nhiên, để thay đổi khẩu vị, nên dùng cả thịt và cá cho bữa ăn hằng ngày. Nên dùng thịt nạc của gia súc gia cầm như: thịt trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan ngỗng, vân vân. Chú ý dùng nhiều các loại đạm thực vật như: đậu nành, đậu đen, đậu xanh, vừng, lạc, vân vân. Nếu đã có biến chứng suy thận, thì cần giảm xuống 0,4 đến 0,6g/kg cân nặng/ngày.

3. Chất bột đường, glucid: Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cần ăn đủ theo nhu cầu lao động và sinh hoạt. Tránh ăn nhiều quá sẽ tăng cân, nhưng cũng không nên ăn ít quá, không đủ năng lượng để sống và làm việc, sẽ bị gầy sút, suy dinh dưỡng, dễ mắc nhiều bệnh khác. Nên dùng các hạt ngũ cốc như: gạo tẻ, gạo nếp, khoai củ. Cần hạn chế các loại đường, vì có thể gây hại cho răng, cho tụy, nhất là ở người bệnh đái tháo đường. Mật ong cũng nên hạn chế như các loại đường khác, chỉ dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Chất béo, lipid: 15 đến 20% năng lượng. Ăn ít mỡ, bơ dùng dầu từ cá, đậu tương, lạc, vừng là tốt nhất. Bỏ thức ăn chứa nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, ăn ít trứng.

5. Rau và trái cây: Là những thức ăn rất cần thiết cho người bị tăng huyết áp, cũng như bị các bệnh tim mạch khác, nhờ các ưu điểm: chứa nhiều kali và hầu như không có natri, rất có lợi cho tim mạch, rau, trái cây tươi chứa nhiều vitamin thiên nhiên, và nhiều chất chống ôxy hóa, góp phần chống lão hóa, có nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, và giúp thải trừ cholesterol ra ngoài.

6. Muối khoáng: Có lợi cho sức khỏe như kali, magiê, canxi, trừ natri. Nếu ăn nhiều natri sẽ gây tăng huyết áp, chỉ ăn dưới 5g/ngày, bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu kali sẽ làm giảm huyết áp. Canxi có vai trò kích thích co cơ trơn thành mạch, làm mạch máu co giãn đàn hồi tốt. Canxi có nhiều trong thức ăn là xương động vật, cá, nghêu, sò, ốc, hến.

Ngoài ra, người tăng huyết áp không nên dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, không hút Thu*c lá, Thu*c lào, tránh dùng rượu, cà phê, chè đặc, vì kích thích thần kinh làm tăng huyết áp. Tăng cường hoạt động thể lực, ở mức thích hợp với người bệnh, đi bộ khoảng 30 đến 45 phút/ngày. Tránh căng thẳng thần kinh.

7. Những thực phẩm người tăng huyết áp nên dùng.

- Gạo tẻ, gạo nếp, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, các loại đậu đỗ, lạc, vừng.

- Các loại dầu thực vật, trừ dầu dừa, dầu cọ.

- Đậu phụ, sữa đậu tương, sữa chua, các loại sữa bột tách bơ, khi uống sữa nên cho ít đường.

- Các loại thịt ít mỡ: Thịt gia cầm, thịt lợn nạc.

- Các loại cá, tôm, cua.

- Trứng chỉ nên ăn 1 đến 2 quả mỗi tuần.

- Các loại rau xanh: rau ngót, rau muống, rau cần, các loại rau cải, rau dền, bầu bí, mướp, giá đỗ, vân vân.

- Tăng cường các món luộc, hấp, nấu nhạt.

- Các loại quả chín: chuối, đu đủ, cam, quýt, táo, thanh long, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, vân vân.

- Hạt sen, lá vông, hoa hoè, nước ngô luộc, nước rau luộc, vân vân.

8. Những thực phẩm nên tránh: Thịt nhiều mỡ, nước dùng, thịt cá béo.
- Các loại phủ tạng: óc, tim, gan, bầu dục, dạ dày, lòng, vân vân.
- Nước trà đặc, cà phê, rượu, Thu*c lá.
- Các loại thức ăn muối mặn: dưa, cà, cá mắm, mắm tôm, mắm tép, vân vân.
- Các loại thức ăn chế biến sẵn: lạp sườn, patê, xúc xích, thịt hộp, vân vân.
- Các loại mỡ động vật.
- Các loại bánh kẹo, nước ngọt và đường, ăn hạn chế.
- Nên hạn chế các món xào rán, quay.Bác sĩ: Nguyễn Thành.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/nguoi-tang-huyet-ap-can-tranh-thuc-pham-nao-n140373.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY