Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Người tiêm đủ liều vaccine chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi nhiễm

TP HCM không xét nghiệm Covid-19 định kỳ quy mô toàn xã, phường, thị trấn hoặc cả quận, huyện mà theo nhóm nguy cơ; người đã tiêm đủ 2 liều vaccine chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ.

Chiến lược xét nghiệm mới này được Sở Y tế thành phố hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức, ngày 10/11.

Người tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hay cần điều tra dịch tễ. Xét nghiệm người đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc người thuộc diện phải cách ly y tế.

Xét nghiệm giám sát đối với các khu vực nguy cơ (chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội...), nhóm nguy cơ (tiểu thương, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ, xe ôm, shipper...) trên địa bàn dân cư theo kế hoạch giám sát định kỳ, ngẫu nhiên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.

Những nhóm người này sẽ xét nghiệm định kỳ hàng tháng bằng RT-PCR mẫu gộp 10. Tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm tương ứng cấp độ dịch, tính theo cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn; cụ thể là tỷ lệ lấy mẫu 10% ở vùng dịch cấp độ 1; 20% ở cấp độ 2; 30% ở cấp độ 3 và 4. Trung tâm y tế lấy mẫu, gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) phân tích, hoặc HCDC điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm khẳng định.

Các hộ gia đình trong khu vực cần điều tra dịch tễ, được xét nghiệm theo quy trình xử lý F0 tại cộng đồng. Tất cả F1 trong cùng hộ gia đình và người sống trong phạm vi ổ dịch, không phân biệt tiền sử có tiêm chủng hay tiền sử mắc bệnh Covid-19, đều phải xét nghiệm giám sát. Trong đó, người dân tự test nhanh kháng nguyên mẫu đơn. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm nếu người dân không tự thực hiện được.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại chợ Bến Thành hồi tháng 10, khi chợ mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo sở y tế, hướng dẫn xét nghiệm covid-19 mới này nhằm kiểm soát dịch hiệu quả, phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt" của chính phủ, tạo điều kiện thành phố phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đây, tùy theo từng giai đoạn dịch, ngành y tế áp dụng các chiến lược xét nghiệm khác nhau. Trước khi dịch bùng phát mạnh hồi cuối tháng 5, TP HCM chủ yếu sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Đến tháng 6, dịch vào cao điểm, thành phố đổi từ xét nghiệm RT-PCR sang quét diện rộng bằng test nhanh với F1 tại vùng có ổ dịch. Sau khi có kết quả test nhanh, người dương tính sẽ được cách ly ngay, lấy mẫu đơn để xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa. Các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng phong tỏa được xét nghiệm diện rộng bằng hình thức RT-PCR mẫu gộp 10.

Tháng 9, khi dịch đã qua đỉnh, thành phố xét nghiệm theo vùng, nguyên tắc là "trọng tâm, trọng điểm". Các vùng nguy cơ cao và rất cao (đỏ, cam) lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp hoặc RT-PCR mẫu gộp. Tại vùng nguy cơ (vàng), ít nguy cơ (vùng xanh và cận xanh) xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 5 hoặc 10 cho đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc nhiều người khác.

Ngoài thay đổi chiến lược xét nghiệm, TP HCM còn điều chỉnh kế hoạch điều trị Covid-19, như thành lập các trạm y tế lưu động mới tùy theo số lượng F0 ở mỗi địa phương; xây dựng 4 kịch bản tương ứng 4 cấp độ dịch.

Ngày 9/11, thành phố ghi nhận 1.276 ca nhiễm mới, cao nhất cả nước, nâng tổng số ca Covid-19 lên hơn 441.000. Quận 12, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ số F0 tăng cao gần đây, do nhiều ca nhiễm từ khu công nghiệp lan ra cộng đồng dân cư.

Thư Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/nguoi-tiem-du-lieu-vaccine-chi-xet-nghiem-khi-co-trieu-chung-nghi-nhiem-4383672.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY