Tâm sự hôm nay

Nguy cơ mất an toàn từ xe chở hàng cồng kềnh

Trên một số tuyến đường ở TP Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe mô tô, tự chế, ba gác... chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ vẫn vô tư tham gia giao thông. Dù đã có chế tài xử phạt, nhưng tình trạng này vẫn chưa bị hạn chế mà ngược lại, tái diễn ngày càng nhiều.

Theo quan sát của chúng tôi, tại một số tuyến đường như Đê La Thành, Đội Cấn, Lạc Long Quân… không khó để bắt gặp hình ảnh phương tiện như xe mô tô, xe ba bánh, xe đạp, xe kéo ba gác… chở hàng quá khổ, cồng kềnh.

Hàng hóa được chuyên chở rất đa dạng, từ các vật liệu phế phẩm, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình (bàn, ghế, tủ đồ…) đến các đồ nội thất, xây dựng như khung cửa, sắt thép, tôn, kính…

Điều đáng nói, có không ít phương tiện chở hàng đã khá cũ, không bảo đảm an toàn lại còn “cơi nới” để tăng thêm chỗ chứa hàng. Đây là hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Vì khi tham gia giao thông, việc chở theo hàng hóa có kích thước quá khổ sẽ khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.

Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trên đường, nên gây nguy hiểm không chỉ cho chính bản thân họ mà còn những người đi đường khác.

Thực tế, đã có rất nhiều T*i n*n thương tâm xảy ra có liên quan đến các tài xế chở hàng hóa cồng kềnh, song, tình trạng này thời gian qua không những chưa giảm mà ngược lại tái diễn ngày càng nhiều.

Theo tìm hiểu, những người chở hàng cồng kềnh này đa phần là những người dân lao động có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, vất vả.

Nhưng vì miếng cơm manh áo họ vẫn bất chấp hành vi nguy hiểm này để ra đường mưu sinh.

Vẫn biết cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn nhưng đó không phải là lý do để biện minh cho việc chở hàng cồng kềnh và vi phạm luật giao thông đường bộ.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cần tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý các vi phạm này nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn.

Theo điểm k, khoản 3, điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận trên một số tuyến đường Hà Nội trong những ngày qua:

Một chiếc xe "tự chế" đã xuống cấp mang trên mình đầy ắp hàng phế liệu vẫn vô tư tham gia lưu thông.

Một chị ve chai, một tay cầm lái, tay kia cầm các thanh nhựa phế liệu...

Xe chở đầy cam đang lưu thông, chỉ cần va chạm nhẹ là... hết lãi.

Các thanh niên đang diễn 'xiếc" trên đường Đội Cấn.

Vất vả mưu sinh.

Tại đường Hùng Vương.

Đây là hình ảnh diễn ra khá phổ biến tại đường Đê La Thành.

Chở nhiều hàng như vậy, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mà còn gây cản trở giao thông.

Việt Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-mat-an-toan-tu-xe-cho-hang-cong-kenh-n189196.html)

Chủ đề liên quan:

hàng cồng kềnh

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY