Cháu 23 tuổi, nửa đêm đột nhiên khó thở và đau nhói vùng ngực trái. Cháu đi khám và được chẩn đoán bệnh hở van tim.
Xin hỏi bác sĩ cháu có nhất thiết phải thay van tim? Thời niên thiếu cháu hay viêm amidan, liệu đây có phải là
nguyên nhân gây bệnh tim?
Nguyễn Quỳnh Hương (quynh huong@gmail.com)Những tổn thương hẹp hở van tim là di chứng, là hậu quả của viêm nội tâm mạc trong thấp tim cấp tính nên y học gọi là bệnh van tim hậu thấp. Đây là bệnh van tim mắc phải, xảy ra sau viêm họng, amidan do liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A. Đặc điểm của các van tim là do lớp nội tâm mạc (màng mỏng bao phủ toàn bộ mặt trong buồng tim và các lá van) khi bị viêm gây sưng nề trong các đợt cấp và sau nhiều lần tái đi tái lại làm cho các lá van và dây chằng xù xì, xơ, dày cứng dính nhau nên khi tim cần đóng kín van thì các lá van không khép kín gọi là
hở van tim. Trên lâm sàng có thể gặp chỉ hẹp hoặc hở van đơn thuần nhưng nhiều khi do van có nhiều biến đổi cấu trúc nên bị phối hợp cả hẹp và hở. Hậu quả của hẹp,
hở van tim là suy tim. Bệnh của cháu đã được chẩn đoán hở van mà tiền sử thời niên thiếu cháu có viêm họng, amidan mà không điều trị triệt để. Vấn đề là ngay bây giờ cháu phải đi khám tại trung tâm tim mạch hoặc Viện Tim mạch Quốc gia để điều trị tích cực, nếu để muộn sẽ dẫn đến biến chứng suy tim. Hiện nay, bệnh van tim hoàn toàn có thể chữa khỏi, tùy trường hợp tổn thương mà bác sĩ sẽ quyết định mổ kín, vá van hay mổ hở có máy tim phổi nhân tạo nhằm thay van cơ học hay sinh học.
BS. Trần Kim Anh