Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Nhà báo Đinh Đức Hoàng: Đưa tin chính xác và giá trị thì không sợ thiếu người tin tưởng

(MangYTe) Chỉ cần tuân thủ đúng các nguyên tắc của báo chí như xác minh độc lập, kiểm chứng kép,…là ta phụng sự được xã hội trong cơn âu lo này - Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Trưởng ban Góc nhìn, báo điện tử VnExpress khẳng định, khi trò chuyện về vấn đề “báo chí đối phó với tin giả trong đại dịch Covid-19”.

Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể gây nhiễu loạn cả một cộng đồng lớn

Ai cũng có một nỗi sợ hãi thường trực và điều ấy cũng tạo ra đất sống cho “tin giả”,  nó luôn sống khỏe trên nỗi sợ hãi của nhân loại. Tôi nhìn thấy điều ấy rất rõ trong đại dịch covid -19, anh thì sao?

Đúng là những tin thất thiệt luôn sống khỏe: nó sống trên cả những nền tảng mạng xã hội sơ khai nhất, như quán nước đầu làng, nơi mà chúng ta có thể cũng nhìn thấy nhiều đặc tính của mạng xã hội trên Internet hôm nay. Sự phù phiếm, thích tỏ ra hiểu biết, sự cả tin, hay như chị nói, là nỗi sợ hãi. Một trong những thứ làm con người sợ nhất, là việc mình không biết một cái gì đó, kém thông tin hơn người khác trong việc đưa ra các quyết định. Nên họ sẽ nuốt ngay lấy những thông tin mang vỏ bọc “quan trọng” và có xu hướng muốn tin chúng. Nhưng mạng xã hội trên Internet tăng số lượng kết nối theo hàm mũ. Điều này khiến cho tin giả sống khỏe hơn rất nhiều so với thời trước. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể gây nhiễu loạn cả một cộng đồng lớn.

Ở một góc độ của người làm báo, phải chăng thời điểm này chúng ta cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức của nghề nghiệp. Căng mình chạy đua với tin tức, giữ mình không bị nỗi sợ hãi nhấn chìm và hơn cả bình tĩnh sáng suốt sàng lọc trước tin tức nhiễu loạn...?

Thách thức cũng chính là cơ hội. Việc thông tin nhiều lên, tỷ lệ tin giả, tin đồn trong đó nhiều lên, cũng lại là dịp để nhà báo nói riêng và nghề báo nói chung chứng tỏ được giá trị của mình với xã hội. Xã hội trả công cho chúng ta chính là để đi kiểm chứng, xác minh, lựa chọn thông tin có giá trị để đưa đến tay bạn đọc.

Với tư cách một người dân bình thường, thực sự là nhà báo thì cũng như tiểu thương, có quyền sợ hãi. Nhưng với tư cách một người làm nghề, chúng ta có quyền bình tĩnh: chúng ta được đào tạo và sở hữu những quy tắc, những phương pháp và công cụ để làm chính việc này. Chỉ cần tuân thủ đúng các nguyên tắc của báo chí như xác minh độc lập, kiểm chứng kép,… là ta phụng sự được xã hội trong cơn âu lo này.

Báo chí đang làm tốt phần việc của mình

Cuộc chiến chống tin giả là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” mà vẫn luôn luôn là một cuộc chiến khó có hồi kết. Có người nói rằng, hình như tin đồn đang dẫn dắt dư luận. Phải chăng nó đang dần tước đoạt chức năng “người dẫn dắt và hướng dẫn dư luận” của báo chí?

Báo chí ban đầu chỉ là tờ giấy có in mực, sau này là các pixel hiển thị trên màn hình của công chúng. Bản thân nó không dẫn dắt được ai. Chỉ có công chúng chọn tin tưởng và quyết định hành động dựa trên thông tin mà báo chí cung cấp – như một truyền thống. Nói chung công chúng luôn là chủ thể. Nên nếu bây giờ có một bộ phận công chúng lựa chọn hành động căn cứ vào mạng xã hội, thì báo chí cũng phải xem lại mình trong cuộc cạnh tranh này.

Nếu chúng ta làm tốt phần việc của mình, đưa được tin chính xác và giá trị, thì không sợ thiếu người tin tưởng. Thậm chí là mạng xã hội càng bộc lộ nhiều mặt trái, thì báo chí càng trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống của mỗi người. Tôi nhấn mạnh là thứ báo chí chính xác và tuân thủ đủ nguyên tắc của nghề nghiệp.

Có một sự thật là, khi mà tin giả hoành hành, người ta luôn nhìn nhận về vai trò trách nhiệm của báo chí đầu tiên. Vậy công bằng mà nói, trong đại dịch covid-19, anh đánh giá như thế nào về sự ứng phó của báo chí với tin giả thời điểm này?

Báo chí đang làm tốt phần việc của mình. Báo chí có những lợi thế không thể san lấp so với truyền thông xã hội, khi được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn tin chính thống, được phép quan sát ngay cả những khu vực mà người bình thường không được tiếp cận, để đưa ra cái nhìn khách quan về sự việc. Đó là vũ khí cực mạnh để chống tin giả. Và tôi thấy báo chí Việt Nam đang nhận được sự tin tưởng trong đại dịch này.

Chúng ta đưa tin chính xác đã là chống tin giả

Tôi không quá ảo tưởng rằng, chúng ta sẽ chiến thắng tin giả nhưng tôi luôn có một niềm tin rằng, ít nhất ở thời điểm này, các tờ báo, các cơ quan báo chí đang thực sự “chung tay”, nói đúng hơn là “chung mục tiêu” đẩy lùi tin giả?

Chúng ta không cần coi tin giả là khách thể. Nó là một phần tiêu cực của cuộc sống, mà như tôi đã nói, tồn tại từ lúc các cộng đồng người ra đời trên trái đất này, hàng bao nhiêu thế kỷ chứ không phải bây giờ mới có. Ta chỉ cần làm tốt việc của mình, là đã chống lại nó. Ví dụ báo chí giúp minh bạch các dự án chi tiêu công, đã là chống tham nhũng. Báo chí không cần trực tiếp đấu tố người tham nhũng. Tương tự, chúng ta đưa tin chính xác đã là chống tin giả.

Trong thách thức luôn thấy cơ hội, trong cuộc chiến chống tin giả lần này, anh có nghĩ, cơ hội “lấy lại niềm  tin của công chúng” vào báo chí là rất lớn không?

Chúng ta không chỉ lấy lại niềm tin của công chúng vào báo chí. Chúng ta lấy lại niềm tin của công chúng về một xã hội minh bạch, nơi mọi người dân có thể đưa ra những quyết định chính xác dựa trên những thông tin quan trọng về thế giới đang xảy ra quanh mình, mà không phải hồ đồ lo lắng rằng mình “hình như chưa biết gì đó”. Để làm được điều đó, chúng ta không chỉ phải chiến đấu với tin giả, mà còn phải chiến đấu cả với những thói quen của chính mình, và của cả hệ thống.

Xin trân trọng cảm ơn  nhà báo!

Hà Vân (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/nha-bao-dinh-duc-hoang-dua-tin-chinh-xac-va-gia-tri-thi-khong-so-thieu-nguoi-tin-tuong-post75398.html)

Tin cùng nội dung

  • Người càng hiểu biết càng điềm đạm, chín chắn và sâu sắc trước một biến cố. Ngược lại, người càng nông cạn càng tỏ ra hiếu chiến và phản ứng dữ dội theo một chiều hướng mà có thể đúng hoặc sai.
  • Nhà báo Hoàng Thảo Minh tâm sự: “Chúng tôi không hề ép buộc các con điều gì. Tất cả đều từ sở thích và khả năng của các cháu.
  • Không nói dối, ăn cắp, xin lỗi khi sai, thận trọng suy xét, không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai… là những giá trị đạo đức mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng phải dạy con của mình ngay từ nhỏ.
  • Ngay trước hôm mổ, tôi phát hiện bệnh nhân đó là phóng viên của tờ báo đã đăng cả loạt bài về tôi. Tôi quyết định không mổ cho nhà báo đó. Tôi đã nói thẳng mọi chuyện với anh ta và thân nhân. Tôi chọn giải pháp ít xấu nhất cho mình, và cả cho bệnh nhân..
  • Mangyte -Món dưa muối thường ít chú ý trong bữa ăn gia đình, thật tiếc nếu ta không hiểu được giá trị đích thực của nó.
  • Được phân công học lâm sàng tại phòng 203 khoa Thần kinh - Bệnh viện E, ngoài những giờ thăm khám bệnh nhân hay nghe thầy giảng bài, chúng tôi thường nói chuyện với người nhà bệnh nhân để có thể nắm rõ hơn tình hình của từng người bệnh.
  • Ðầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém
  • Có thể nói giá trị sức lao động ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị sức lao động thấp theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan chức năng là do nền kinh tế nước ta còn nghèo, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt mức trung bình...
  • Mangyte- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là một vấn đề pháp lý phức tạp, nên dùng từ ngữ chính xác có ý nghĩa rất quan trọng.
  • Tôi hay nghe nói đến cụm từ xét nghiệm tế bào để tầm soát ung thư. Có thể tự ý đi xét nghiệm được không? Sự khác nhau giữa xét nghiệm này và sinh thiết? Độ chính xác? Giá cả và thời gian trả kết quả xét nghiệm tế bào? Nhờ Mangyte tư vấn giúp tôi. (Nguyễn Bảo Thoa)
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY