Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về Đánh du kích (1946-1954)

(MangYTe) Sự phát triển của quân đội chính quy tiến hành song song với phong trào du kích là hình thái khác của chiến tranh nhân dân. Khi Pháp tiến công Nam Bộ (1945) thì chiến tranh du kích đã bắt đầu ở miền Nam để lan ra toàn quốc sau này.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu từ 19/12/1946 và kết thúc với Hiệp định Geneva năm 1954 cùng triển vọng Tổng tuyển cử hai năm sau đó. Thời điểm ấy, thế giới biết khá lơ mơ về Việt Nam và cuộc chiến tranh Pháp-Việt.

Năm 1955, để làm sáng tỏ các vấn đề và tranh thủ dư luận thế giới, nhất là nhân dân Pháp. Nhà xuất bản Ngoại Văn Hà Nội đã cho ra cuốn sách tiếng Pháp Le Vietnam en marche (Việt Nam tiến bước) do Hữu Ngọc chấp bút. Nhà sử học Phạm Huy Thông đề tựa đã nhấn mạnh: “Tác giả không có tham vọng phát ngôn nhân danh nhân dân Việt Nam hay làm công việc sử gia. Trong những trang ngắn gọn, ông nhằm mục đích khiêm tốn là mang đến cho hàng triệu người dân thường ở các nước một cái nhìn bao quát về những cuộc đấu tranh xưa và nay vì đất nước của dân tộc chúng tôi”.

Thế giới chỉ biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc độ chiến tranh hiện đại. Ít ai biết đến góc độ chiến tranh du kích chuẩn bị và hậu thuẫn cho Điện Biên Phủ, xin trích dịch sau đây mấy đoạn trong cuốn Việt Nam tiến bước về vấn đề này:

Theo nhà báo Áo Fritz Jensen: “Người ta thường nói đến chiến tranh Việt-Pháp không có mặt trận. Thực ra có hai mặt trận, mặt trận quân đội chính quy và mặt trận du kích. Đạo quân viễn chinh Pháp phải đối đầu với hai mặt trận ấy”.

Sự phát triển của quân đội chính quy tiến hành song song với phong trào du kích là hình thái khác của chiến tranh nhân dân. Ngay sau khi Pháp tiến công Nam Bộ (1945) thì chiến tranh du kích đã bắt đầu ở miền Nam để lan ra toàn quốc sau này. Nhân dân là tai mắt cho quân đội chính quy, cùng chiến đấu dũng cảm phối hợp với quân đội chính quy.

Ở Hà Nội và các thành phố, nhân dân đánh giặc trong biên chế các đơn vị tự vệ, ở vùng nông thôn thì trong các đội du kích, dân quân.

Đó là sự hưởng ứng của nhân dân với lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm...” Rừng núi, nông thôn đều thành trận địa, mồ chôn quân giặc. Chúng phải co cụm trong các thành phố, thị trấn...

Sau cuộc tấn công Việt Bắc (thành trì của kháng chiến 1947) thất bại, địch từ bỏ chiến tranh chớp nhoáng, quay sang chiến lược bình định đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ bằng các chiến dịch càn quét và xây dựng chính quyền bù nhìn.

Xin trích dẫn những lời tố cáo của chính những quân nhân Pháp bị bắt làm tù binh (*).

Trung úy Levasseus thuộc trung đoàn 2/22e RIC cho biết: “Tháng 3/1946, trước khi mở chiến dịch vùng Biên Hòa, đại tá Grosjean ra lệnh cho các sĩ quan: “Các người sẽ càn quét một vùng của bọn Việt. Hãy phá hủy tất! Hãy giết tất cả những gì động đậy!”. Các sĩ quan ngạc nhiên hỏi tại sao, đại tá chỉ nhắc lại: “Hãy giết tất cả cái gì sống!”.

Tên cai Lezzar và tên đội Lorgeas thuộc đơn vị 5/7 R.T.A khai: “Ngày 26/9/1953, chúng tôi đánh làng Vân Cầu gần Kẻ Sặt. Chúng tôi được lệnh lùng khám rất kỹ. Nhiều lính của chúng tôi cướp bóc, đốt phá, Gi*t người và súc vật. Tên đội Coudray giết một lúc hai người đàn ông độ 25-30 tuổi với lý do để dọa những thường dân bị bắt phải khai báo. Tên cai Flutiger giết một người đàn bà và một đứa trẻ độ 10 tuổi trốn trong cỏ rậm ngày 27/9/1950 ở gần Kẻ Sặt, nhiều súc vật bị giết, lúa bị đốt, nhà bị công binh dùng mìn cho nổ tung. Dân bị bắt và bị tra tấn phải khai báo. Coudray tra tấn một người, bắt nằm xuống đất sau khi phải uống mấy mũ sắt đầy nước. Lính ngụy thì hun khói và ném lựu đạn vào các hầm trú ẩn của dân”.

Theo trung úy Denelle thuộc đơn vị 1/R.A.C.M: “Trong chiến dịch, thẩm vấn bằng dí điện vào bộ phận Sinh d*c người bị bắt, tống giẻ ướt vào mồm họ để gây nghẹt thở tới ch*t. Ở đồn, ai không khai thì bị đóng cọc giữa sân, trói trần truồng trong nắng. Trong một chiến dịch, đại úy Tagger ra lệnh bắn 18 người trong số dân bị bắt, bất kể ai. Tôi hỏi, ông trả lời: “Đây là phương pháp tuyệt vời. Trong số 18 tên bị giết, thế nào cũng diệt được 4-5 đứa Việt minh”.

Dân vùng chiếm đóng căm hờn, nên du kích phát triển rất nhanh. Ở miền Nam, miền Bắc xuất hiện những đội lão du kích tuổi ngoài 60. Ở Đình Bảng có đội du kích thiếu nhi. Nhờ dân ủng hộ, các Ủy ban nhân dân vẫn bí mật hoạt động trong các thành phố. Nông thôn ban đêm hoàn toàn là của ta.

Địch mở chiến dịch Hòa Bình, quân ta đánh thọc vào trung tâm đồng bằng sông Hồng, phối hợp với du kích địa phương, phá hủy 2/3 đồn lính ngụy, dẹp 4.800 hội đồng kỳ mục ngụy, làm rung chuyển hệ thống cai trị vùng chiếm đóng của chúng. Các làng kháng chiến qua đó càng gia tăng gấp bội.n

(*) Tác giả Hữu Ngọc nguyên là Trại trưởng trại tù hàng binh Âu Phi.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-ban-ve-danh-du-kich-1946-1954-114630.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY