Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhân Ngày quốc tế điều dưỡng 12/5: Ngọn đèn sáng từ bàn tay xoa dịu nỗi đau

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành, người dân thế giới lại càng biết ơn, trân trọng hơn những nỗ lực và sự đóng góp không biết mệt mỏi của lực lượng y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Bên cạnh những bác sĩ trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân, thì đội ngũ điều dưỡng, y tá là những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ ban đầu cho tới giai đoạn hồi phục và trị liệu, gắn bó với người bệnh nhiều nhất và cũng đối mặt với muôn vàn rủi ro lây nhiễm. Không có họ, những mất mát trong xung đột, thảm họa hay đau đớn vì bệnh tật không thể nào được xoa dịu, những mối lo lắng sợ hãi trên gường bệnh không có ai để trấn an và cuộc chiến chống dịch bệnh chắc chắn không thể đi đến thành công.

“Ngày quốc tế điều dưỡng” được tổ chức vào ngày 12/5 hằng năm, là ngày sinh của bà Florence Nightingale (1820 – 1910) - người đã đặt nền móng cho trường đào tạo điều dưỡng, y tá chính thống đầu tiên trên thế giới và đem lại vị thế xứng đáng cho ngành này. Xuất thân từ một gia đình giàu có người Anh, song đồng cảm với nỗi đau của các bệnh nhân, bà Florence Nightingale đã chọn cho mình công việc vất vả và bị xã hội thời bấy giờ coi thường - trở thành người chăm sóc, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của những người bệnh nghèo hay các thương binh.

Trong suốt những năm tháng làm việc hồi giữa thế kỷ XIX, bà Florence luôn tận tâm, cần mẫn chăm sóc người bệnh. Hình ảnh bà cầm cây đèn dầu leo lét trên tay, lặng lẽ một mình đi từng phòng chăm sóc bệnh nhân trong đêm sau này đã trở thành biểu tượng cho ngành điều dưỡng, tượng trưng cho sự cống hiến thầm lặng của những người chăm sóc và giúp các bệnh nhân vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Ước tính trên thế giới hiện có khoảng hơn 20 triệu người làm nghề điều dưỡng, y tá, hộ sinh. Họ là những người lắng nghe tiếng khóc đầu tiên khi một sinh linh chào đời, hay chứng kiến hơi thở cuối cùng của những người sắp lìa xa thế giới. Với đặc thù và trách nhiệm riêng, họ luôn hiện diện trong từng khoảnh khắc quý giá và đau buồn nhất của cuộc sống, thấu hiểu được niềm vui, khao khát, nỗi đau và sự chia ly. Sự tận tụy của các nhân viên ngành điều dưỡng, y tá không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe mà còn cả hạnh phúc của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của bà Nightingale, với chủ đề “Nhân viên điều dưỡng: Tiếng nói dẫn dắt chăm sóc sức khỏe thế giới”, ICN mong muốn tiếng nói của những người điều dưỡng được cả thế giới lắng nghe, tất cả mọi người cùng cảm nhận được sự hy sinh, cống hiến của các nhân viên trong ngành, cũng như cách họ đem lại bình yên hạnh phúc cho cả thế giới.

Nếu như trong chiến tranh, thảm họa, những người điều dưỡng, y tá luôn sẵn sàng đối mặt hiểm nguy để bảo vệ sức khỏe cho những thương binh, người bị nạn, thì nay trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp, họ lại không nề hà chăm lo cho người bệnh.

Laura Lupi, 24 tuổi hiện đang làm việc tại bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Teramo, vùng Abruzzo của Italy là một trong số đó. Sau tuần đầu tiên làm việc tại bệnh viện và chịu trách nhiệm chăm sóc cho 34 bệnh nhân, Laura Lupi chia sẻ những kinh nghiệm làm việc trong suốt một năm qua chẳng đủ để giúp cô đối mặt với những thách thức về chuyên môn và tinh thần khi COVID-19 ập tới.

Từng ứng phó với bệnh truyền nhiễm, nhưng Lupi hiểu rằng virus cô đang đối mặt là rất khác và cả thế giới đều chưa nắm hết về nó. Mỗi ca của cô kéo dài từ 7-10 giờ. Trong suốt thời gian đó, dù ngộp thở, cô không thể ăn uống, hay cởi bỏ đồ bảo hộ trên người chỉ để hít thở chút khí trong lành. Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, kiệt sức vì ca làm kéo dài, việc duy trì khoảng cách an toàn còn khiến Lupi còn không thể kết nối với người bệnh, một trong những niềm vui khiến cô lựa chọn nghề này. Trong thời gian dịch bệnh này, Lupi phải nhiều lần chứng kiến nỗi đau mất mát của người thân bệnh nhân. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, cô chẳng thể về nhà do canh cánh nỗi lo lây nhiễm cho gia đình. Dù mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Lupi vẫn luôn ý thức trách nhiệm, tự động viên bản thân cố gắng mỗi ngày để cùng chung tay với các đồng nghiệp, cộng đồng, quốc gia đẩy lui dịch bệnh.

Trong khi đó, tại vùng Lombardy, nơi từng là tâm dịch của Italy, hình ảnh nữ y tá Elena Pagliarini kiệt sức gục đầu bên bàn phím đã cho thấy nỗi vất vả của các nhân viên y tế chống dịch. Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng này cũng là biểu tượng cho sự hy sinh của những điều dưỡng viên, y tá, cho thấy sự nguy hiểm rình rập mà lực lượng y tế thế giới phải đối mặt mỗi ngày trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Dù lường trước được những rủi ro hiểm nguy, nhiều nhân viên điều dưỡng hay y tá dù đã về hưu vẫn tình nguyện quay lại bệnh viện để góp sức chống dịch. Tinh thần quả cảm ấy khiến thế giới một lần nữa phải nghiêng mình kính nể, cảm kích trước sự nhiệt thành và hy sinh của những anh hùng thầm lặng này. Hơn 1,5 triệu bệnh nhân đã hồi phục, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại sau khi khống chế thành công dịch là những thành quả đáng kính nể của lực lượng y tế, trong đó có sự góp sức không nhỏ của những nhân viên điều dưỡng, y tá.

Bên cạnh đó, sự khốc liệt của dịch bệnh đã phản ánh một số vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực y tế cần được giải quyết, đó là tình trạng bất bình đẳng và định kiến về vai trò lãnh đạo của những người xuất thân từ ngành điều dưỡng, y tế. Theo đó, dù công việc này rất vất vả nhưng nhiệm vụ khó khăn lại phần lớn do phụ nữ gánh vác. Tại châu Âu, 84% y tá là phụ nữ, và trên toàn cầu cứ 5 phụ nữ, thì lại có 1 người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ngay trong ngành điều dưỡng, nam giới cũng chiếm tỷ lệ áp đảo với vai trò lãnh đạo, điển hình như tại Kenya, y tá nữ chiếm 76%, nhưng nam giới lại chiếm tới 76% trong các vị trí cao.

Trong khi đó, đội ngũ điều dưỡng, y tá cũng đóng vai trò quan trọng trong lãnh đạo và chính sách, giúp cải thiện dịch vụ y tế ở tuyến đầu trên thế giới. Đó là lý do vì sao WHO đã chọn 2020 là “Năm quốc tế y tá, điều dưỡng và nữ hộ sinh”, đồng thời đưa ra báo cáo đầu tiên của WHO về tình hình điều dưỡng, y tá trên thế giới.

Theo WHO, cứ 10% điều dưỡng viên và y tá được tăng thêm để chăm sóc giường bệnh, thì tỷ lệ Tu vong ở bệnh nhân lại giảm đi 7%. Dự báo đến năm 2030, toàn thế giới sẽ có thêm 40 triệu việc làm trong lĩnh vực y tế, nhưng lại bị thiếu hụt tới 18 triệu nhân viên y tế, trong đó có 9 triệu điều dưỡng viên và y tá. Những thách thức về già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần người dân sẽ cần đến sự hỗ trợ của đội ngũ điều dưỡng và y tá hơn bao giờ hết. Do đó, các chính phủ cần khẩn trương giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đưa việc tăng cường lực lượng và vai trò của điều dưỡng viên, y tá vào chương trình chính trị và nghị sự, đầu tư vào giáo dục, cải thiện môi trường việc làm và đảm bảo cơ hội tham gia ban lãnh đạo, khuyến khích người dân tham gia, để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn cầu và an toàn xã hội.

Hai trăm năm qua, ngọn đèn Nightingale vẫn bền bỉ soi ánh sáng của y đức và tinh thần quả cảm mà đội ngũ điều dưỡng, y tá trên toàn thế giới, bằng đôi bàn tay nhân ái, từng giây phút, tận tình, ân cần chăm sóc bệnh nhân, xoa dịu mọi nỗi đau bệnh tật, chia sẻ những lo lắng ưu phiền của người bệnh. Cùng với đóng góp âm thầm, bền bỉ và to lớn của đội ngũ điều dưỡng, thế giới đang cùng ứng phó và vượt qua các thách thức đe dọa sức khỏe con người.

Đặng Ánh (TTXVN)

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo tin tức (https://baotintuc.vn/the-gioi/nhan-ngay-quoc-te-dieu-duong-125-ngon-den-sang-tu-ban-tay-xoa-diu-noi-dau-20200512130444859.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY