Khoa học hôm nay

Nhận số tiền này tui sẽ mua cho con cái bàn để ngồi học

MangYTe - Hay tin mình nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” đặc biệt mùa COVID-19, em Võ Ngọc Băng Tâm và em Đàm Đăng Khoa đều rướm nước mắt vì quá đỗi vui mừng.

Sáng nào Băng Tâm cũng phụ mẹ bán bún kiếm tiền đi học - Ảnh: CHÍ CÔNG

Băng Tâm là học sinh lớp 10A10 Trường THPT Vĩnh Thạnh, còn Đàm Đăng Khoa là học sinh 10C2 Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Con đường dẫn lối vào nhà của Tâm và Khoa là những cung đường nội đồng quanh co và khúc khuỷu giống hệt như con đường cắp sách đến trường của hai em.

Tô bún của mẹ là con chữ của con

Quán bún của bà Lê Thị Kim Loan (mẹ của Băng Tâm) nằm ngay dưới dốc cầu Sáu Bọng (đoạn đường từ Cờ Đỏ về huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Đó là sinh kế duy nhất của người mẹ góa, con côi như bà Loan. Nhưng hôm chúng tôi đến quán ế, không một bóng khách ngồi ăn.

Chia sẻ về nỗi gian truân của mình và sự cố gắng học tập của Tâm, bà Loan cho biết: "Nó cũng có ý định nghỉ học để phụ tui kiếm tiền. Nhưng nhà nghèo quá mà thấy con ham học, tui cầm lòng không được. Bấm bụng tui thuê nhờ mái hiên trước của người em, tui bán bún kiếm ít đồng cho Tâm tiếp tục đến trường"

Gián đoạn một tuần. Tâm bắt đầu trở lại trường học bằng quán bún nhỏ xíu bên đường của mẹ. Tâm thương mẹ lắm. Càng thương mẹ thì Tâm càng phấn đấu trong việc học tập rất nhiều. Bởi vì Tâm nghĩ: "Cha mất. Nghĩ đến mẹ vất vả sớm tối nên em phải cố gắng học, chỉ có học em mới có nghề lo cho mẹ em sau này".

Nghèo bao cái "eo" đeo lấy. Nhiều lúc học ở nhà Tâm không có bàn ngồi học như bao bạn khác. Nhưng em ý thức được hoàn cảnh nên chẳng bao giờ than phiền. Đổi lại, mỗi ngày, đi học về Tâm thường phụ mẹ việc nhà, rửa tô, rửa chén… đêm xuống, em ngồi học bài đến tận khuya. Còn trời vừa hừng sáng, Tâm lại thức sớm lui cui phụ mẹ dọn bàn, dọn ghế, dọn tô… và chạy xe ra chợ mua bún về cho mẹ bán. mỗi ngày, bà Loan bán không quá 20 tô bún, mỗi tô bà bán chỉ ở mức giá 15.000 đồng. Vì thế, đồng lời bà có được chẳng đáng là bao.

Ở nhà không bàn ngồi học, Tâm học tạm trên ghế bàn bán bún của mẹ - Ảnh: CHÍ CÔNG

"Bán ế, tui ngồi ôm cả nồi bún khóc hoài à. Con nó ham học, tui cũng ráng. Ngày nào hay ngày đó. Con nó thiếu thốn, tui cũng buồn lắm. Nhưng sức khỏe tui yếu, bữa bán, bữa nghỉ thì tui biết mần sao hơn. Giờ đây nghe nó nhận được học bổng tui và con mừng lắm mừng. Có số tiền đó, tui sẽ mua cho con cái bàn ngồi học... tui nghĩ nó sẽ vui lắm" – xúc động bà Loan nói với giọng nghẹn ngào.

Cô Nguyễn Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp học hiện tại của Tâm, cho biết: "Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng Tâm nổ lực học tốt. Đi học đều. Em ấy hòa đồng với bạn bè. Tâm ngoan, thầy cô trong trường ai cũng thương. Nếu được bổng này, tui nghĩ em ấy có thêm điều kiện để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch của mình".

Đăng Khoa - người cháu hiếu thảo

2 giờ chiều. Nắng nóng oi bức. Chúng tôi chạy dọc theo đường làng về xã Trung An ( Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) để tìm đến nhà Đàm Đăng Khoa - cậu học sinh không chỉ học giỏi mà còn là người cháu ngoan, hiếu thảo với ông bà, cô chú xóm giềng ai thấy cũng mến, cũng thương.

Như đã hẹn trước, em ngồi ở nhà đợi chúng tôi đến. Nhà em ở rất nhỏ. Bên trong không gì quý giá ngoài cái tủ thờ gia tiên đã cũ. Ở nhà em sống với cô Đàm Thị Đẹp (cô hai) và bà nội Nguyễn Thị Lịch, 80 tuổi, ở xã Trung Thạnh (Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) - ba chiếc bóng đơn côi bên đời nhưng ngập tràn yêu thương.

Đi học về Khoa đúc nội uống từng ly nước “yêu thương” - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cô Đẹp cho biết: Năm Khoa lên 2 tuổi, cha em ấy chẳng may qua đời vì bệnh. Nhà nghèo. Ở quê, ít công ăn chuyện mần, bà Huỳnh Thị Thấm (mẹ Khoa) đành rứt ruột để Khoa ở nhà rồi lên Bình Dương mần thuê kiếm tiền cho con ăn học. Làm công nhân may mặc ở Bình Dương, đồng lương ít ỏi, dè sẻn nhịn ăn, bà Thấm cố lắm cũng chỉ gửi về nhà được 1.5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó không nhiều nhưng nghĩ đến mẹ khổ cực là Khoa có thêm động lực để học.

"Mẹ Khoa phụ một tí. Ở đây, ai mướn gì tui mần đó, ngày có 50.000 - 70.000 đồng, thằng Khoa đi học thiếu thốn lắm. Nó đạp xe gần 10 cây số đến trường, đi đi về về. Vậy đã đành, có khi nó đi học hổng có tiền trong túi nữa chứ… nhiều lúc nó về mặt nó tái nhợt vì đói" - cô Đẹp trải lòng.

Khoa cao, thiếu ăn nên ốm. Đôi mắt Khoa đượm buồn nhưng ẩn sâu bên trong nó là ý chí học tập vô cùng mạnh mẽ. "Không tiền em ăn cơm nguội, uống nước lạnh đi học cũng được. Giá nào em cũng đi học. Em học để sau này em làm bác sĩ. Đó là ước mơ của em" - Khoa khẳng định.

Ở tuổi 16, Khoa đã sớm ý thức được cuộc sống khó nghèo. Nhất là Khoa cảm nhận được sự thiếu thốn yêu thương khi mất cha và xa mẹ. Vì thế, ngoài việc học ở trường, ở nhà Khoa luôn chăm sóc bà nội rất chu đáo. Khoa pha sữa. Khoa dẫn nội ra sau hè hóng mát… Khoa đút nội từng muỗng cơm, ly nước "yêu thương" mỗi ngày.

Rảnh rỗi, Khoa phụ cô Hai Đẹp làm bầu dưa hấu kiếm tiền ăn học - Ảnh: CHÍ CÔNG

"Nội yếu rồi, em thương nội lắm. Học thì em vẫn học. Buổi tối em học đến khuya, sáng em chịu khó dậy sớm, dò bài một chút rồi đến trường học vẫn được" - vừa đút nội uống nước, Khoa vừa chia sẻ.

"Khoa nó học giỏi. Đi dọn nhà, rửa chén, tui cũng lo nó học. Đâu để nó nghỉ học được. Hôm trước, tui nghe thằng Khoa nói thầy, cô trong trường xin học bổng cho nó, tui vui, tối đêm hôm đó khó lòng mà tui ngủ. Chỉ cần nó cố gắng, học tốt thì tui nghĩ xã hội sẽ thương lấy nó. Nghĩ vậy, tui lúc nào cũng động viên cho nó học" - nói xong, cô Đẹp nhìn theo bóng Khoa đi học dần khuất sau cầu Mương Đào như bà kỳ vọng rồi ngày mai đây cuộc sống em ấy sẽ tốt hơn.

Thêm nhiều trường đại học hỗ trợ tiền Internet, học bổng cho sinh viên

TTO - Vừa có thêm một số trường đại học tại TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tiền Internet để sinh viên học trực tuyến cũng như học bổng cho sinh viên khó khăn vì COVID-19.

CHÍ CÔNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/nhan-so-tien-nay-tui-se-mua-cho-con-cai-ban-de-ngoi-hoc-20200525214938162.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY