Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, ngày 30/6, thông tin bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, viêm khớp khuỷu tay phải. Sau chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, bà được điều trị kháng sinh, lọc máu, chăm sóc vùng da bị tổn thương kết hợp dinh dưỡng.
Sau 13 ngày, người bệnh hết sốt, hết sưng đau khớp và được ra viện.
Liên cầu lợn là vi khuẩn gây bệnh cho lợn và có nguy cơ lây cho người khi tiếp xúc hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn bệnh. Nguyên nhân mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương hở ở da, đường hô hấp...
Liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến ba hoặc bốn ngày. Người mắc có thể sốt, nôn, đau mỏi khắp người, sưng đau các khớp, da xuất huyết nhiều mảng màu thâm đen, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, phân lỏng, da lạnh, run....
Giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đi ngoài... nên dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ở giai đoạn muộn, người bệnh thường nguy kịch do suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ T* vong rất cao. Trường hợp hồi phục vẫn có thể để lại những di chứng như bị ù tai, giảm thính lực hoặc điếc hoàn toàn.
Bác sĩ khuyến cáo những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa tay sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Người bị nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể mắc lần sau. Do đó, mọi người cần ăn chín, uống sôi, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn thịt lợn ốm bệnh, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao đột ngột, đau đầu, chóng mặt, nổi ban ở da... và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.