Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Những bộ phim kinh điển về dịch bệnh

(MangYTe) Nhiều bộ phim kinh dị mà nội dung của chúng xoay quanh thảm họa của nhân loại có nguồn gốc từ các dịch bệnh. Trong những ngày này, thế giới đang trải qua khủng hoảng do bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 càng cho thấy tính dự báo của các tác phẩm điện ảnh này.

Xuất hiện khá sớm, năm 1971, Hollywood cho ra đời bộ phim “The Andromeda Strain”. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Michael Crichton. Ông cũng chính là tác giả của tiểu thuyết ăn khách “Công viên kỷ Jura”. “The Andromeda Strain” lấy bối cảnh về một vệ tinh của Mỹ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngoài không gian, khi trở về Trái Đất đã mang theo một loại vi khuẩn có khả năng hủy diệt sự sống. Mặc dù là câu chuyện giả tưởng nhưng giới khoa học rất nghiêm túc về vấn đề bộ phim đặt ra bởi lẽ, con người hoàn toàn có thể đối diện với tình huống các sinh vật lạ từ vũ trụ tiến vào bề mặt Trái Đất. Và không một ai có thể chắc chắn về chuyện điều gì sẽ xảy ra.

Năm 2002, một bộ phim về đại dịch toàn cầu được xây dựng dựa trên một cốt truyện của trò chơi điện tử là “Resident Evil” được phát hành. Vi rút T được Tập đoàn Umbrella nghiên cứu và phát triển với mục tiêu ban đầu là nghiên cứu y học phục vụ con người. Tuy nhiên, các biến thể của vi rút T đã gây là một đại dịch toàn cầu khi biến con người thành xác sống zombie. Hai tập phim đầu tiên của loạt Resident Evil luôn được cho là những ví dụ tiêu biểu của dòng phim đại dịch. Hiện nay, “Resident Evil” vẫn đang tiếp tục được viết các phần kịch bản mới.

Trước đó, năm 1995, bộ phim “Outbreak” của đạo diễn Wolfgang Petersen, đã gây một làn sóng chấn động về dịch bệnh “tử thần châu Phi”. Đây là bộ phim kinh điển dựa trên sự kiện có thực về mối đe dọa của dịch bệnh do virus Ebola gây ra cho nhân loại xảy ra vào những năm 1990, có khả năng tấn công và lây nhiễm rất nhanh chóng, gây ra hiện tượng chảy máu bên trong và những tổn thương dẫn đến nguy cơ Tu vong cho người bệnh.

Trong “Outbreak”, loại virus đáng sợ được gọi tên virus Motaba, bắt đầu xuất hiện ở châu Phi, sau đó lan sang Mỹ và nhiều vùng trên thế giới.

Đầu của thế kỷ 21, loại phim dịch bệnh toàn cầu có xu hướng bùng nổ. Phim “28 Days Later” (năm 2002) và phần tiếp theo mang tên “28 Weeks Later” (năm 2007) của đạo diễn Juan Carlos Fresnadillo, đã pha trộn hai thể loại viễn tưởng và kinh dị lấy bối cảnh đại dịch zombie - xác sống, nhưng không tập trung vào cách nhân loại đối phó với thảm họa ấy, mà đi sâu mô tả tình hình nước Anh hậu đại dịch, nhân loại có lúc đối xử với nhau tồi tệ hơn cả sự tàn phá của dịch bệnh.

Tình thân, tình bạn rạn nứt, sự phản bội, cô lập được tô đậm trong những thước phim ám ảnh đến phút cuối cùng. Phim là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa quân đoàn binh sĩ và các thây ma có sức mạnh cùng độ điên cuồng vô biên. Khi thảm họa ập xuống, con người chứng kiến sự biến đổi của nhân tính, kẻ sống sót đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn với đồng loại, là những người đã nhiễm bệnh. Có người sẽ trở thành anh hùng, hy sinh vì người khác, nhưng cũng có kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Điện ảnh Hàn Quốc ghi dấu ấn với thế giới bằng hai bộ phim về dịch bệnh khủng khiếp là “Deranged” (2012) và “Train to Busan” (2016). Cốt truyện của bộ phim “Train to Busan” khá đơn giản và quen thuộc: Một nhóm người bị cô lập, phải tìm mọi cách để sinh tồn khi đại dịch zombie ập đến. Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra trên con tàu đang lăn bánh, với những hành khách và tiếp viên bị kẹt cứng bên trong cùng đám thây ma di động. “Train to Busan” có doanh thu phòng vé khá tốt và được đánh giá cao bởi kỹ xảo đại cảnh hoành tráng.

Năm 2006, một bộ phim xuất sắc về đề tài dịch bệnh “Children of Men”. Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết “The Children of Men” (năm 1992) của P. D. James, lấy bối cảnh vào năm 2027, khi sự vô sinh của loài người trong hai thập kỷ đã để lại xã hội nằm bên bờ vực sụp đổ. Những người nhập cư bất hợp pháp tìm kiếm nơi trú ẩn tại Anh Quốc, nơi chính phủ cuối cùng còn hoạt động áp đặt các luật nhập cư để đàn áp người tị nạn. Owen thủ vai viên công chức Theo Faron, người phải giúp đỡ một người tị nạn (Clare-Hope Ashitey) trốn thoát khỏi sự hỗn loạn. Phim còn có sự tham gia của Julianne Moore, Michael Caine, Chiwetel Ejiofor và Charlie Hunnam.

“The Children of Men” đã lột tả được sự tuyệt vọng của con người khi đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng.

Một bộ phim khác phải kể đến là “The Happening” ra đời năm 2008. Bộ phim do đạo diễn M. Night Shyamalan thực hiện (ông chính là tác giả của “Giác quan thứ sáu”). “The Happening” nhận được những phản ứng trái chiều từ cả phía khán giả lẫn các nhà phê bình khi ra mắt, nhưng đa số đều phải thừa nhận ý tưởng ban đầu của bộ phim hết sức độc đáo. Trong The Happening xuất hiện một loại bệnh dịch kỳ quái, không màu, không mùi, không vị, không gây nên bất cứ một dấu hiệu nào có thể quan sát được trên cơ thể người bị lây nhiễm và khiến cho người mắc bệnh tìm mọi cách để tự sát. Tồi tệ hơn, không có cách nào để có thể ngăn chặn đại dịch. Nó giống như một sinh vật có trí thông minh, biết cách tấn công vào khu vực có loài người sinh sống.

Năm 2011, bộ phim “Contagion” của đạo diễn Steven Soderbergh được xây dựng trên vô số các sự kiện có thật từ đại dịch Sars. Một nữ doanh nhân trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Hong Kong, đột ngột qua đời vì một căn bệnh kỳ lạ. Chỉ vài ngày sau, dịch bệnh này bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới, khiến 26 triệu người Tu vong.

Bộ phim đã mô tả nhiều vấn đề nóng hổi của con người, từ sự bất lực của con người trước dịch bệnh cho tới sự mất kiểm soát xã hội, vấn nạn tin giả trong sự mất trật tự của tâm lý đám đông và sự sụp đổ các giá trị của xã hội loài người.

Các bộ phim về đại dịch đều có một điểm chung là mô tả sự hỗn loạn, sự sụp đổ của cá nhân và cộng đồng, sự bất lực và bé nhỏ của con người trước những bí ẩn của thế giới vật chất xung quanh; con người có thể đối xử tàn tệ với nhau bởi sợ hãi, nhưng trong tận cùng của bi kịch thì dù thế nào nhân tính cũng không bị mất đi. Nó tựa như hạt giống hy vọng cuối cùng trong đáy hộp Padora để từ đó con người đối diện với những khủng hoảng.

Tử Hưng

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/nhung-bo-phim-kinh-dien-ve-dich-benh-post75004.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY