Với họ, niềm vui ngày 20/10 đơn giản là trao những bó hoa tươi cho khách hàng để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống đầy khó khăn.
Không biết từ bao giờ, mối lo cơm, áo, gạo, tiền lại trở thành gánh nặng khiến những người phụ nữ này lại quên đi ngày 20/10, ngày dành cho chính họ. cả cuộc đời chịu thương chịu khó, vất vả mưu sinh, họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng hơn ai hết.
Cô Mai với thúng hoa theo chân mình đã hơn 7 năm.Trên chiếc xe đạp cũ của cô mai (50 tuổi, quê đan phượng - hà nội) là đầy hoa tươi đủ loại. cô kể, gánh hoa này đã theo cô rong ruổi khắp các tuyến phố của thủ đô suốt 7 năm trời. thế nhưng điều đặc biệt là người phụ nữ này chưa bao giờ được tặng một bông hoa nào cho mình vào những ngày này. cô quên luôn 20/10 là ngày dành cho mình, chỉ nhớ được rằng ngày này đông khách hơn, cần nhập đa dạng hoa cho khách dễ lựa.
Thuê trọ trong một con ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê, mỗi ngày cứ khoảng 4h sáng, cô Mai lại lóc cóc đạp xe xuống chợ Quảng An (quận Tây Hồ) chọn những bó hoa tươi mang về cắt tỉa cho kịp giờ đem đi bán. Cần mẫn, lặng thầm suốt bao năm, thế nhưng tiền tích cóp chẳng được bao nhiêu.
Ngày 20-10 không hoa của những người bán hoa dạo.Cô Mai chia sẻ: “Đến giờ tôi cũng quên 20-10 là ngày của mình, những ngày này không dám mong được nhận hoa, chỉ mong đem đến cho khách hàng bó hoa tươi nhất còn mình thì kiếm được chút tiền gửi về quê lo cho gia đình, vậy là vui rồi. Năm nay dịch bùng phát, tôi cứ nghĩ 20-10 năm nay không có cơ hội kiếm thêm chút nhưng may sao thành phố lại được trở lại ngày bình thường”.
Từ sáng sớm, hàng hoa của cô đã tấp nập người mua, tay cô thoăn thoắt lựa hoa rồi gói hoa cho khách. Qua lớp khẩu trang, có thể thấy đôi mắt cô ánh lên niềm vui mừng khôn siết.
"May quá trời thương cho đông khách, chỉ nhanh chóng nhanh bán hết để được về sớm nghỉ ngơi chứ chẳng mong gì hơn", cô Mai nói.
Vào dịp 20-10, nhu cầu mua hoa của khách hàng tăng cao nên những người bán hoa như chị Thương (quê Thường Tín - Hà Nội) cần nhập số lượng hoa nhiều hơn ngày thường. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn bán hết được số hoa này trong ngày.
Không được tặng hoa vào ngày đặc biệt, niềm vui của chị Thương chỉ là bán được nhiều hoa.Chị Thương chia sẻ: “Thời tiết ảnh hưởng đến công việc nhiều lắm, mấy ngày vừa rồi mưa ròng rã nên tôi nhập ít hoa hơn, vừa lo hoa hỏng vừa sợ không bán được hàng mà hễ có ‘ế’ thì trên xe nặng hoa mà lòng mình nặng trĩu, may sao hôm nay tạnh ráo mà cũng sát ngày nên nhập nhiều hơn chút”.
Ai cũng có thời điểm mới bước vào nghề còn bỡ ngỡ và chị Thương không phải ngoại lệ. “Tôi vẫn nhớ những ngày từ quê lặn lội lên Thành phố được người ta giới thiệu chỗ nhập chỗ bán là lao vào việc ngay kiếm tiền vì gia đình đang gặp khó khăn. Lên Hà Nội mưu sinh đúng dịp lễ này phấn khởi lắm vì nghĩ ngày này cũng kiếm được kha khá nên chủ quan nhập nhiều, một phần vì giá hời phần còn lại dựa vào nhu cầu khách hàng. Chân ướt chân ráo vào nghề chưa biết bán kết quả là ngậm đắng nuốt cay ôm hoa về khóc một mình, hồi đó không biết đổ buôn lại cho các cửa hàng, khổ lắm”, chị Thương ngậm ngùi.
Vào những ngày, đáng lẽ những “bóng hồng” như cô Mai, chị Thương phải được tôn vinh và trân trọng nhất thì họ phải chạy ngược chạy xuôi vất vả mưu sinh, chắt chiu từng đồng để lo cho con cái ăn học.
“Từ ngày chồng mất đến giờ tôi chưa từng được nhận bất kỳ một bó hoa nào vào dịp 20/10 hay 8/3 nên dần tôi cũng quên ngày của mình. Vì còn gánh nặng gia đình, con cái còn đang tuổi học hành nên việc của tôi là tranh thủ bán hàng kiếm đồng nào hay đồng đấy", chị Thương xót xa.