Chiếc lều vải trở nên mong manh trước sức gió và sức nặng của mưa đá. Mưa tạt vào trong, lốc quật dữ dội. Đại uý Đinh Ngọc Dũng và ba đồng đội chia nhau ôm lấy bốn cọc nơi góc lều. Nhưng sức người lúc này trở nên quá nhỏ bé. Chỉ chừng vài phút, gió đã giật đổ chân trụ giữa lều, cuốn bạt bay đi. Gầm bàn thành nơi che chắn cho những người lính biên phòng giữa rừng núi.
Trong bóng tối đặc quánh, thi thoảng có tia chớp rạch ngang trời. Dũng nghe tiếng lộp bộp của đá chạm mặt bàn, tiếng xào xạc của lá bị mưa đá cắt lìa cây. Chiếu ánh đèn pin xung quanh, anh thấy từng lớp đá trắng xếp đầy mặt đất. Gió vẫn không ngừng rít. Cơn buốt lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt.
Chốt kiểm dịch của tổ công tác Lù Dì Sán, đồn Biên phòng Si Ma Cai được dựng lại, phủ thêm bạt sau mưa đá. Ảnh: Ngọc Dũng
Chừng 30 phút sau, những viên đá nhỏ từ trên trời rơi xuống ít dần rồi hết hẳn. Nhưng mưa vẫn tuôn dữ dội. Dũng bấm điện thoại gọi đồn trưởng báo cáo. Đội gió mưa, lãnh đạo đồn lập tức mang theo bạt xuống chốt, cùng anh em đóng cọc dựng lại lán trong đêm, dưới ánh đèn pin leo lắt. "Biên thuỳ không thể một ngày bỏ trống, nên dù điều kiện có khắc nghiệt, gian khổ như thế nào, chúng tôi vẫn bám trụ", Dũng nói.
Đó là buổi tối ngày 17/3, khi cả chốt Lù Dì Sán vừa xong bữa cơm chiều, chuẩn bị đi tuần tra đêm. Để kiểm soát, ngăn chặn người qua biên giới trái phép, phòng chống Covid-19, lán tạm được dựng lên nơi vùng núi heo hút thuộc xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai.
Lán nằm cách dòng sông Xanh khoảng 40 mét, cách đồn 17 km, không điện, không điểm tựa, lọt thỏm giữa hai ngọn núi.
Mưa đá hết nhưng giông lốc vẫn kéo dài hai ngày sau đó. Nước từ trên núi dồn xuống, lênh láng thành sông quanh lều. Dũng và đồng đội cầm cuốc, khơi rãnh, tạo đường cho nước chảy đi. Chăn màn, đồ dùng ướt nhẹp được kê lên bàn chờ ráo. Đêm đó, những đôi mắt người lính thức cùng núi rừng biên ải.
Thiếu tá Tạ Bình Nguyên, Đồn trưởng Biên phòng Si Ma Cai, cho hay trận mưa đá ngày 17/3 không những làm sập chốt biên phòng bằng vải bạt, mà còn khiến toàn bộ mái nhà của tổ công tác địa bàn Lù Dìn Sán thủng lỗ chỗ.
"Đồn có 7 chốt thì mưa đá làm bay 3 lán. Ngay trong đêm, dù trời vẫn mưa, chúng tôi đã phải dựng lại, trùm thêm bạt bên ngoài để chống thấm", anh nói và cho biết, từ Tết đến nay bộ đội gặp 3 trận mưa đá, mấy trăm m2 rau sạch Đồn mới trồng để sử dụng trong mùa dịch bị cày nát.
Những hạt mưa đá bằng đầu ngón tay cái liên tục rơi trong nửa giờ. Lều bị thổi bay đi. Khi mưa ngớt, Huy và đồng đội tìm, kéo lán về dựng lại. "Người ướt sũng, trời vẫn mưa nên chúng tôi dùng áo mưa, bạt quây kín một góc để 4 anh em lấy chỗ trú. May mắn là mấy hôm trước trên đường tuần tra chúng tôi kiếm được ít cỏ tranh nên có cái lợp lên mái lán", Huy nói. Đêm biên giới mưa không ngớt, vừa gác biên, bốn người lính vừa kể cho nhau nghe chuyện gia đình, con cái. Trời càng về khuya càng lạnh, gió từ hướng sông Xanh lùa lên khiến các chiến sĩ biên phòng rét run từng đợt. Cũng ở đồn Tả Gia Khâu, các chiến sĩ ở chốt kiểm soát biên phòng 170 đã có hai hôm trắng đêm dựng lại lều vì mưa đá. Đại uý Lù A Vinh nói, những viên đá bằng chén uống nước rơi kèm mưa, xé rách tấm bạt dã chiến khiến cả đêm các anh không thể chợp mắt. "May là sáng hôm sau anh em đã xuống thay ca cho chúng tôi về thay quần áo ẩm ướt và nghỉ ngơi", Vinh nói. Đại tá Kiều Phi Hùng, phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng biên phòng Lào Cai cho hay, các chốt kiểm soát hiện nay đặt ở đường mòn, lối mở giáp biên giới nên đường sá đi lại khó khăn. Nơi thâm sơn cùng cốc không điện, không nước và thường xuyên phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết như mưa đá, giông lốc. "May mắn mới đây có doanh nghiệp đã gửi tặng chúng tôi hàng trăm chiếc lều cá nhân, giúp bộ đội có thể dựng lều làm chỗ nghỉ khi không may chốt sập, hư hỏng", đại tá Hùng nói. Hai tháng qua, dọc tuyến biên giới đất liền, các đơn vị bộ đội Biên phòng đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để Covid-19 lây truyền qua biên giới. Tối 17/3, bốn tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ xuất hiện giông lốc cùng mưa đá, làm hư hại nhiều tài sản của người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, miền Bắc và Bắc Trung Bộ xảy ra bốn đợt mưa đá. Đợt thứ nhất vào chiều và tối 30 Tết Canh Tý làm hỏng hàng nghìn nhà dân. Đợt thứ hai vào ngày 2-3/3, đợt ba hôm 17/3 và mới đây nhất là mưa đá rạng sáng 25/3.Theo VnExpress
Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất
Chủ đề liên quan:
chống dịch